Đầu tư Sang Lào, Campuchia cẩn trọng rủi ro

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hiện nay nhiều DN lớn của Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Dầu Tiếng, Công ty Cao su Tín Nghĩa, Công ty TNHH một thành viên Hữu Nghị Nam Lào… đang đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực nông nghiệp tại Lào và Campuchia. Tuy nhiên, tại hội thảo đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) cuối tuần qua, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị DN cần làm thật tốt công tác chuẩn bị để tránh những rủi ro không đáng có khi thực hiện dự án.

Hàng tỷ USD vào nông nghiệp Lào và Campuchia

Chủ trương ĐTRNN được Chính phủ cụ thể hóa từ năm 2009, với đề án thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài được ban hành theo Quyết định 236/QĐ-TTg. Theo đó các DN Việt đẩy mạnh hoạt động ĐTRNN trong các lĩnh vực khai khoáng, dầu khí, nông lâm nghiệp, thủy điện, viễn thông và hạ tầng đô thị. Nhưng đến nay nổi bật nhất, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động này là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Lào và Campuchia.

 

Cao su được nhiều DN Việt Nam đầu tư trồng tại Lào và Campuchia.
Cao su được nhiều DN Việt Nam đầu tư trồng tại Lào và Campuchia.


Một nghiên cứu của Oxfam Việt Nam về tình hình ĐTRNN của các DN trong nước, cho thấy nhóm 10 quốc gia nhận đầu tư lớn nhất của Việt Nam hiện nay theo thứ tự: Lào với tổng vốn đầu tư đạt hơn 4,9 tỷ USD, Campuchia (3,4 tỷ USD), Nga (2,4 tỷ USD)... Tính đến hết tháng 1, Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia đầu tư lớn nhất tại Lào với 258 dự án, và nằm trong nhóm 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia với 180 dự án đầu tư.

 Đại diện Oxfam, TS. Phạm Quang Tú cho biết tại Lào các DN Việt Nam đang đầu tư vào 18 ngành nghề, lĩnh vực, trong đó 3 lĩnh vực, ngành nghề thu hút đầu tư lớn nhất là nghệ thuật, vui chơi giải trí khoảng 1 tỷ USD; nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 1 tỷ USD; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, điều hòa không khí 1,29 tỷ USD. Với Campuchia, hiện các DN Việt đã đầu tư vào 15 ngành nghề, lĩnh vực.

Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là lĩnh vực thu hút đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư đạt 1,98 tỷ USD; tiếp theo là sản xuất, phân phối điện, khí đốt, điều hòa không khí đạt hơn 809 triệu USD; đứng thứ 3 là hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm 262,8 triệu USD.

Theo ông Đoàn Thanh Nghị, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đến hết tháng 1, cả nước có 1.086 dự án ĐTRNN với tổng số vốn đạt gần 21,4 tỷ USD. Thị trường đầu tư chủ yếu là Campuchia, Lào, Myanmar và một số nước châu Phi. Vốn ĐTRNN của DN trong nước tập trung chủ yếu lĩnh vực nông nghiệp, như trồng cây cao su tại Lào và Campuchia.

Việc hướng dòng vốn ĐTRNN đã khẳng định sự lớn mạnh DN Việt Nam, qua đó mở rộng thị trường, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế. Định hướng ĐTRNN thời gian tới là tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Nga, hướng mở rộng ra thị trường tiềm năng châu Phi. Các DN Việt Nam còn nhiều tiềm năng đầu tư vào các thị trường Lào và Campuchia trong các lĩnh vực khai khoáng, thủy điện, trồng cây công nghiệp.

Chính sách đất đai dễ thay đổi

Là một trong những DN dẫn đầu trong hoạt động đầu tư nông nghiệp tại Lào và Campuchia, ông Phạm Văn Thành, Trưởng ban Kế hoạch đầu tư (Tập đoàn Cao su Việt Nam), cho biết từ những năm 2005-2006, tập đoàn đã đầu tư một số dự án trồng cây cao su tại 2 quốc gia này. Tại Lào, tập đoàn đã trồng 26.000ha cây cao su, tại Campuchia hơn 90.000ha. Đến nay các dự án trồng cao su của tập đoàn đang chuyển sang giai đoạn khai thác, kinh doanh.

Theo ông Thành, rủi ro lớn nhất khi đầu tư tại 2 quốc gia láng giềng này là về đất đai. Bởi để triển khai các dự án trồng cao su nói riêng, dự án nông nghiệp nói chung phải tiến hành khảo sát về thổ nhưỡng, rất tốn kém. Bên cạnh đó, việc bất ngờ thay đổi chính sách về đất đai, như việc Campuchia giảm thời gian sử dụng đất từ 90 năm xuống 50 năm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư. Có những thay đổi không ngờ tới nên khi ĐTRNN trong lĩnh vực nông nghiệp DN cần phải dự phòng kinh phí chuẩn bị đất đai đầu tư.

Một nghiên cứu được Trung tâm Con người và Thiên nhiên thực hiện trong hoạt động ĐTRNN trong lĩnh vực nông nghiệp, đã chỉ ra rằng các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại các quốc gia truyền thống thời gian qua đang vấp phải nhiều rủi ro. Đầu tiên là rủi ro giữa quyền sử dụng đất theo luật pháp và luật tục. Chẳng hạn khi DN đầu tư vào Lào, được cấp đất dự án chủ yếu là rừng gỗ tạp, nương rẫy bỏ hoang hóa. Nhưng sau khi DN được cấp đất, triển khai dự án, san ủi và bồi thường, người dân bản địa lại ra cắm cọc, làm hàng rào và nhận đất. Trường hợp này dù DN báo cáo cơ quan quản lý địa phương nhưng không giải quyết được, buộc DN phải bồi thường lần nữa cho người dân bản địa.

Bên cạnh đó, tình trạng cò dự án cũng đang gây nhiều khó khăn cho các DN Việt trong hoạt động ĐTRNN. Nhiều cò dự án đã photocopy đầy đủ hồ sơ, bản đồ đất đai dự án để bán cho DN đầu tư Việt Nam. Đã có DN bỏ cả triệu USD để mua dự án tại Campuchia, nhưng sang đến nơi mới biết dự án không có thật, hoặc thuộc sở hữu của đơn vị khác. Các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Lào và Campuchia đã từng gửi thư cảnh báo tình trạng lừa đảo này.

Theo saigondautu.com.vn

Các quy định về ĐTRNN hiện nay khá đơn giản. Hầu hết dự án được Bộ KH-ĐT cấp chứng nhận đầu tư. Chỉ những dự án đầu tư nông nghiệp có quy mô vốn lớn hơn 800 tỷ đồng (36 triệu USD) mới cần sự phê duyệt của Thủ tướng.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.