Cúng Thanh Minh ở Pleiku: Gắn kết cộng đồng dân cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều khu dân cư ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đều duy trì lễ cúng Thanh Minh vào những ngày tháng 3 (Âm lịch) hàng năm. Với người dân Pleiku, cúng Thanh Minh ngoài gìn giữ nét đẹp văn hóa còn thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu thương trong cộng đồng dân cư.

15 giờ ngày 1-5 (tức 12-3 Âm lịch), tại ngã ba đường Thi Sách-Nguyễn Thiện Thuật, 50 hộ tiểu thương tại Trung tâm Thương mại Pleiku đã chuẩn bị tươm tất mâm cúng Tết Thanh Minh với đầy đủ các món chay, món mặn. Tiểu thương Nguyễn Thị Hương cho biết: “Chúng tôi thống nhất thời gian, còn các hộ tham gia đóng góp bao nhiêu là tùy tâm chứ không cố định mức thu. Căn cứ vào số tiền đóng góp, chúng tôi lên danh sách những thứ cần mua cho lễ cúng và thực đơn. Mọi người cùng đóng góp ý kiến, cùng sửa soạn mâm cúng và sau đó cùng ngồi lại với nhau ăn uống, trò chuyện; từ đó hiểu hơn về hoàn cảnh, cuộc sống và động viên nhau cùng cố gắng”. Có lẽ đây là ý nghĩa cốt yếu của lễ cúng Thanh Minh tại các khu dân cư suốt thời gian qua và được người dân đồng tình, hưởng ứng.

Cúng Thanh Minh ở Pleiku: Gắn kết cộng đồng dân cư ảnh 1

Các tiểu thương ở Trung tâm Thương mại Pleiku chuẩn bị mâm cúng Thanh Minh. Ảnh: Nhật Hào

Trước đó, ngày 29-4 (tức 10-3 Âm lịch), 14 hộ dân ở hẻm 89 Lương Định Của (phường Trà Bá, TP. Pleiku) cũng chuẩn bị tươm tất lễ cúng Thanh Minh. Bà Trần Thị Hằng cho hay, các hộ dân sinh sống tại con hẻm này rất hòa thuận, thường xuyên duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó nên rất tích cực tham gia các công việc chung. Đối với lễ cúng Thanh Minh hàng năm, các hộ thống nhất chọn ngày 10-3 (Âm lịch) vì là ngày nghỉ nên mọi người tham gia đông đủ hơn. Trước lễ cúng Thanh Minh 1 ngày, các bà, các chị tập trung họp bàn lên thực đơn, phân công công việc. Sáng sớm ngày hôm sau, mọi người tập trung về 1 điểm để cùng chuẩn bị. Mỗi người 1 việc, vừa làm vừa vui vẻ trò chuyện đã tạo không khí thân tình, ấm áp. “Chúng tôi tổ chức tại khu vực ngã ba đường nhưng để tránh ảnh hưởng việc tham gia giao thông nên mâm cúng được kê gọn gàng. Sau lễ cúng, các hộ dân cùng ngồi lại với nhau ăn uống, hàn huyên để thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó”-bà Hằng bộc bạch.

Lễ cúng Thanh Minh ở các khu dân cư thường diễn ra trong tháng 3 (Âm lịch), tuy nhiên tập trung nhất là từ 10-3 đến 15-3 (Âm lịch). Cúng Thanh Minh ở các khu dân cư mang tính tập thể, thể hiện ước vọng của các hộ dân về cuộc sống bình an, may mắn và thông qua đó gắn kết tình cảm với nhau. Vì vậy, từ ngày giờ tổ chức, mâm cúng, thực đơn,... đều được các hộ dân họp bàn, thống nhất. Riêng vai trò chủ lễ cúng, một số nơi mời sư thầy, sư cô tại các chùa song phần lớn trọng trách này do các vị cao niên trong khu dân cư đảm nhận. Gần 80 tuổi lại ăn chay trường, tu tại gia nên nhiều năm nay, ông Trần Hồng (tổ 3, phường Phù Đổng) luôn đứng ra làm chủ lễ mỗi khi khu dân cư tổ chức lễ cúng Thanh Minh. Với quan niệm “Có thờ có thiêng có kiêng có lành” nên trong bài khấn, ngoài lời cầu khẩn để các hộ trong khu dân cư luôn bình an, khỏe mạnh, tránh xa những tai ương, ông cũng gửi gắm mong muốn về tinh thần đoàn kết, thuận hòa để những người vốn xa lạ trở nên thân thuộc, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống.

Dù không phải là ngày Tết lớn trong năm, song Tết Thanh Minh gắn liền với những giá trị đạo đức to lớn, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"-con cháu thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, những người đã khuất. Theo thời gian, đây còn là dịp để xây dựng, củng cố tinh thần đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư.

ANH HUY-NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ưu tiên bố trí nguồn lực địa phương hỗ trợ các “địa chỉ nhân đạo”

Gia Lai: Ưu tiên bố trí nguồn lực địa phương hỗ trợ các “địa chỉ nhân đạo”

(GLO)- Ngày 6-5, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Công văn số 1185/UBND-KGVX về việc tiếp tục triển khai thực hiện kiến nghị, đề xuất của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và phát triển các mô hình công tác xã hội nhân đạo.

"Những cánh chim đầu đàn" ở Kbang. Ảnh: An Phát

"Những cánh chim đầu đàn" ở Kbang

(GLO)- Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) hiện có 76 người có uy tín. Nhiều năm qua, đội ngũ người có uy tín trở thành "những cánh chim đầu đàn" trong các phong trào thi đua yêu nước, làm tốt sứ mệnh tập hợp đoàn kết nhân dân chung tay xây dựng buôn làng ngày càng phát triển.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khởi nêu gương sáng làm theo Bác. Ảnh: Ngọc Minh

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khởi nêu gương sáng học tập và làm theo Bác

(GLO)- Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Khởi (làng Kruối Chai, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) luôn nêu gương sáng trong học tập và làm theo Bác, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất giỏi và giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Gia Lai tận tâm với công tác Hội, gắn kết đồng đội

Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Gia Lai Nay Hứ tận tâm với công tác Hội, gắn kết đồng đội

(GLO)- Gần 10 năm giữ cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai, ông Nay Hứ luôn gương mẫu, tận tụy và nhiệt tình trong công việc. Với tinh thần trách nhiệm cao, ông đã góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, nghĩa tình trong các phong trào, hoạt động công tác Hội.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

(GLO)- Nhiều năm qua, ông Trần Ngọc Dũng (SN 1967, trú tại 85/17 Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku) đã trở thành người dạy thư pháp cho trẻ mồ côi, bị câm điếc, tự kỷ… để các em tự tin vươn lên trong cuộc sống. Ông rất tâm đắc với câu thơ của Tố Hữu: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.