Đồng hành cùng thanh niên Gia Lai lập nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, câu lạc bộ (CLB) thanh niên phát triển kinh tế liên tiếp được thành lập, góp phần tạo việc làm và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho người trẻ. Để các mô hình kinh tế tập thể của thanh niên hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững vẫn cần thêm sự quan tâm tạo điều kiện và giải pháp hỗ trợ.

Tạo thu nhập, gắn kết thanh niên

Hợp tác xã Nông-lâm nghiệp và dịch vụ thanh niên là cái tên không còn xa lạ đối với người dân xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông. Anh Phạm Văn Hiển-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX-chia sẻ: “Trước đây, các thành viên đều canh tác riêng lẻ, năng suất cây trồng đạt thấp, việc mua bán phải thông qua thương lái nên thường bị ép giá. Để khắc phục những khó khăn đó, tháng 8-2018, tôi đã đứng ra kết nối đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thành lập HTX gồm 13 thành viên với ngành nghề kinh doanh: trồng lúa nước, cung cấp vật tư nông nghiệp, cải tạo đồng ruộng, mua bán nông sản”.

Ban tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh Gia Lai lần thứ VI-2022 trao giải dự án triển vọng cho các tác giả. Ảnh: M.N

Ban tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh Gia Lai lần thứ VI-2022 trao giải dự án triển vọng cho các tác giả. Ảnh: M.N

Tất cả thành viên của HTX đều có diện tích đất nông nghiệp từ 2 ha trở lên. Khi tham gia HTX, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa Đài Thơm 8. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên ruộng lúa của thành viên HTX luôn đạt năng suất cao. Lợi nhuận bình quân của giống lúa Đài Thơm 8 đạt khoảng 15 triệu đồng/ha. Ngoài bao tiêu sản phẩm của các thành viên, HTX còn thu mua gạo có chất lượng của người dân trong vùng.

Khi tham gia HTX, các thành viên đóng góp từ 10 đến 100 triệu đồng. Tài sản chung của HTX là 30 ha đất nông nghiệp, máy làm đất, máy gặt, máy cày… Nguồn vốn hoạt động của HTX là hơn 1 tỷ đồng, các thành viên đều cam kết hỗ trợ nhau kịp thời về vốn cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Cuối năm, các thành viên được chia lợi nhuận theo mức góp vốn. Ngoài tạo thu nhập ổn định cho các thành viên, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng.

“Sau 5 năm đi vào hoạt động, HTX trở thành chỗ dựa vững chắc cho các thành viên. Hiện tại, một số ĐVTN trên địa bàn xã đang có nguyện vọng vào HTX. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh cây giống, tư vấn lắp đặt hệ thống tưới nước phục vụ cây trồng cho người dân”-anh Hiển thông tin.

Ở xã Tân An (huyện Đak Pơ), anh Huỳnh Trung Tín lại quyết định phát triển kinh tế từ nghề làm cửa sắt. Tháng 10-2021, anh Tín đứng ra kết nối ĐVTN trong xã để thành lập CLB Thanh niên làm cửa sắt xã Tân An. Anh cho biết: “Tôi làm nghề cửa sắt được hơn 5 năm, việc thì nhiều nhưng nhân công ít. Từ thực tế đó, tôi nảy ra ý định thành lập CLB để ổn định hoạt động, tạo thu nhập và gắn kết, tập hợp ĐVTN trên địa bàn xã”.

Hiện CLB có 11 thành viên, tổng doanh thu tính đến tháng 2-2023 là 342 triệu đồng. Nhờ sự hợp sức của các thành viên nên CLB ngày càng khẳng định sự uy tín, nhận được nhiều công trình trên địa bàn huyện. Khi tham gia CLB, thành viên được nhận 350-500 ngàn đồng/ngày công. Anh Hà Công Thành chia sẻ: “Tôi có kinh nghiệm làm nghề cửa sắt, nhưng lại không có tiền để mở xưởng nên có ít việc. Từ khi tham gia CLB, tôi có việc làm thường xuyên hơn, mỗi tháng thu nhập 10-12 triệu đồng”.

Đồng hành cùng thanh niên

Trên địa bàn tỉnh có 6 HTX của thanh niên đang duy trì hoạt động với tổng nguồn vốn điều lệ trên 4 tỷ đồng và 92 thành viên tham gia. Đó là các HTX: Nông nghiệp và dịch vụ xã Đất Bằng (huyện Krông Pa), Nông nghiệp 81 (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh), Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng (huyện Ia Grai), Nông-lâm nghiệp và dịch vụ thanh niên (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông), Nông nghiệp và dịch vụ môi trường Việt Trí (xã Al Bá, huyện Chư Sê), Dịch vụ nông nghiệp thanh niên An Khê (xã Song An, thị xã An Khê). Ngoài các HTX, tổ chức Đoàn cũng đã thành lập 56 CLB thanh niên làm kinh tế với 528 thành viên. Toàn tỉnh còn có 193 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ. Việc thành lập và duy trì các mô hình kinh tế tập thể đã góp phần tập hợp thanh niên tham gia phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Từ các HTX, tổ hợp tác, CLB thanh niên đang dần hình thành cách thức liên kết sản xuất, tiến tới nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh tặng mô hình sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku. Ảnh: M.N

Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh tặng mô hình sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku. Ảnh: M.N

Tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 55-KH/TĐTN-CNĐ ngày 9-5-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn về “tham gia xây dựng HTX trong thanh niên giai đoạn 2018-2022” diễn ra ngày 10-3 vừa qua, các đại biểu đã đánh giá các mô hình HTX, tổ hợp tác, CLB phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đa số các HTX và tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp quy mô nhỏ, chưa có tính liên kết; thiếu thông tin về thị trường… hoạt động dù có hiệu quả nhưng cũng rất chật vật. Nguyên nhân một phần do các HTX, tổ hợp tác, CLB chưa đáp ứng quy định về hồ sơ, thủ tục vay vốn khởi nghiệp. Tâm lý thích kinh doanh cá thể, chưa muốn tham gia môi trường kinh doanh tập thể của ĐVTN cũng là một nguyên nhân. Một số tổ chức Đoàn chưa chú trọng và thiếu quyết liệt trong công tác xây dựng mô hình tập thể, chưa quan tâm đến nội dung, giải pháp chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn trong công tác triển khai thực hiện.

Anh Trần Vi Tình-Bí thư Huyện Đoàn Đak Pơ-cho biết: Trên địa bàn huyện có 8 CLB thanh niên phát triển kinh tế với nhiều lĩnh vực kinh doanh. Các CLB này tập hợp được nhiều ĐVTN tham gia phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn chung là ít có kinh nghiệm, kiến thức tổ chức sản xuất và nghiệp vụ kinh doanh. Bên cạnh đó, nguồn vốn còn hạn chế, quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp của ĐVTN.

Anh Kpă Séo (ở giữa)-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) tạo việc làm cho thanh niên ở địa phương. Ảnh: M.N

Anh Kpă Séo (ở giữa)-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) tạo việc làm cho thanh niên ở địa phương. Ảnh: M.N

Để đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, nhất là đối với các HTX do thanh niên làm chủ, Tỉnh Đoàn đã triển khai nhiều giải pháp như: tập huấn hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong thanh niên; tổ chức 6 cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” với hơn 200 dự án của ĐVTN và hỗ trợ các dự án, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp xuất sắc có khả năng ứng dụng vào thực tế. Cấp tỉnh vận động các nguồn lực hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp cho 8 tập thể, cá nhân đạt giải xuất sắc trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” với tổng giá trị hỗ trợ trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tổ chức 1 đợt học tập kinh nghiệm triển khai mô hình HTX tại các tỉnh miền Tây cho cán bộ Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn, Giám đốc HTX thanh niên.

Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh-chia sẻ: Lợi thế của các HTX, tổ hợp tác, CLB thanh niên làm kinh tế chính là sự nhiệt huyết, đam mê khởi nghiệp của các bạn trẻ. Sự thành công của một số mô hình kinh tế tập thể đã mang đến một diện mạo mới, sức sống mới cho phong trào lập thân, lập nghiệp.

Thời gian tới, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng như các đơn vị liên quan tìm kiếm giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX hoạt động, phát triển; kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm do thanh niên sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện hỗ trợ thanh niên xây dựng nhãn hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại để các sản phẩm do HTX sản xuất, kinh doanh thực sự có chỗ đứng trên thị trường…

Thời gian tới, Tỉnh Đoàn chú trọng tuyên dương các HTX, tổ hợp tác, CLB phát triển kinh tế tiêu biểu; tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm nhằm khích lệ, động viên và khơi dậy tinh thần vươn lên phát triển kinh tế, khẳng định bản thân của thanh niên.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.