
Từ sản xuất hữu cơ đến thương hiệu đặc sản
Xuất phát từ tình yêu nông nghiệp sạch và tâm huyết với cây hồ tiêu vốn nổi tiếng một thời, những người trẻ sinh sống ở vùng đất Lệ Chí (nay là xã Kon Gang, tỉnh Gia Lai) đã từng bước gầy dựng lại vùng tiêu hữu cơ với hoài bão đưa thương hiệu hồ tiêu của quê mình vươn tầm ra thế giới. Câu chuyện hồi sinh giống bản địa hình thành nên sản phẩm Tiêu Lệ Chí gắn liền với lịch sử vùng đất này đã ghi dấu ấn mạnh mẽ. Theo lời kể của những người dân nơi đây, những năm 1957-1960, chính quyền ông Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách dinh điền di dân từ miền Trung lên Tây Nguyên. Để ổn định cuộc sống, chính quyền phát cho mỗi nhà 4 dây tiêu, 4 dây mít trồng ven bờ rào. Nhờ đất đỏ bazan màu mỡ, chỉ bón bằng tro bếp mà chỉ trong vài năm cây tiêu lên xanh tốt bám vào cây mít cao chót vót. Hạt tiêu đỏ có hương vị đặc biệt với vị ngọt của trái cây và vị cay nồng của tiêu, người dân xem như thuốc quý. Thế nhưng, thời gian sau do chạy theo lợi nhuận với giống mới, phân thuốc hóa học, những vườn tiêu bản địa lần lượt chết trắng.

Bà Nguyễn Thị Nga-Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang chia sẻ: “Là một người sinh ra và lớn lên tại vùng đất Lệ Chí, chúng tôi muốn gầy dựng và khôi phục những sản phẩm đặc trưng tại địa phương mình. Giữa lúc phong trào trồng tiêu ồ ạt rồi phá bỏ, tôi chọn đi ngược số đông, năm 2017, tôi bắt đầu chuyển sang sản xuất hữu cơ, phục tráng lại giống tiêu Lệ Chí bản địa. Bị coi là lập dị, nhưng tôi biết nếu đất không sạch, cây không khoẻ, người cũng không thể yên. Từng chút một, giống tiêu sẻ bản địa được hồi sinh. Từ thất bại của cả vùng, tôi học được bài học giữ giống, giữ đất và giữ niềm tin. Đó là con đường duy nhất nếu muốn cây tiêu Gia Lai có ngày trở lại. Trong định hướng xây dựng thương hiệu, Hợp tác xã (HTX) đã viết nên câu chuyện về Tiêu Lệ Chí, từ thực tế qua lời kể của ông bà mình, vì sao xã được đặt tên là Lệ Chí, vì sao có sự hiện diện của cây tiêu, quá trình phục hồi lại giống tiêu bản địa thế nào…”.
Từ thành công từ gầy dựng thương hiệu Tiêu Lệ Chí, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang tiếp tục đặt tâm huyết tạo ra sản phẩm cà phê Đak Yang, qua câu chuyện kể về đất và nước gắn liền với tên địa danh vùng nguyên liệu, cho đến sâu xa ý tưởng và định hướng tương lai. Bà Nga cho hay: “Theo tiếng Bahnar, Đak nghĩa là nước, Yang nghĩa là thần trời. Hạt cà phê được nuôi dưỡng bằng nước của thần trời. Với phương pháp canh tác hữu cơ thuần tự nhiên của cha ông ta ngày xưa là dựa vào thổ nhưỡng, khí hậu sẽ cho ra những hạt cà phê có hương vị đặc biệt. Sản phẩm cà phê Đak Yang được sử dụng giống cà phê sẻ trồng từ năm 1995-1998. Việc chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân xanh và hạn chế tối đa hóa chất là hướng đi bền vững, giúp giữ đất và bảo tồn giống cây lâu đời.

Quá trình thu hoạch, HTX chọn hái lựa quả chín mọng, đem đi sơ chế để lên men tự nhiên, rồi phơi trên sàn, rang và chế biến thành phẩm. Để đảm bảo chất lượng đồng đều cho các sản phẩm, HTX liên kết với các hộ nông dân, xây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ vùng nguyên liệu đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ. Trong đó, quy trình thu hoạch, sơ chế và rang xay cà phê đặc sản được kiểm soát nghiêm ngặt. Chỉ những quả cà phê chín đỏ, nổi sàn mới được tuyển chọn, lên men tự nhiên, phơi sàn và rang riêng từng mẻ. Đặc biệt, vừa qua cà phê Đak Yang Fine Robusta đạt điểm số 87,5 trong bảng xếp hạng của Viện chất lượng Cà phê (CQI). Đây không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn là minh chứng cho tiềm năng to lớn và khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê đặc sản toàn cầu.
Đến nay, sau 8 năm hoạt động, HTX đã thu hút được 100 thành viên với diện tích sản xuất khoảng 200 ha (120 cà phê và 80 ha tiêu), trong đó hơn 30 ha được chứng nhận hữu cơ của Mỹ và châu Âu, số còn lại đang chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ. Câu chuyện của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang là minh chứng cho giá trị của liên kết sản xuất, giữ giống bản địa, canh tác hữu cơ và xây dựng thương hiệu bản địa. Từ một vùng đất nghèo, những hạt tiêu, hạt cà phê nay đã vươn ra thị trường bằng những câu chuyện nhân văn và giá trị bền vững.

Dấu ấn mạnh với 5 sản phẩm đạt 5 sao cùng lúc
Ngày 24-6 vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia đã công bố 47 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang có 5 sản phẩm gồm: Tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, Tiêu đen hữu cơ Lệ Chí, Tiêu sọ hữu cơ Lệ Chí, Cà phê Đak Yang Fine Robusta, Cà phê Đak Yang Honey. Đây không chỉ là danh hiệu để HTX củng cố thương hiệu, tạo lợi thế trong đàm phán với đối tác, mà còn mở ra cơ hội lớn để các sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.
Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, với định hướng phát triển, HTX kiên trì theo đuổi nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu, đầu tư chế biến sâu và quản lý chất lượng khép kín. “Danh hiệu 5 sao là động lực, nhưng điều quan trọng hơn là làm sao chinh phục người tiêu dùng cũng như giữ chữ tín với thị trường. Sau khi được công nhận OCOP 5 sao, HTX tiếp tục đặt mục tiêu đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ qua các kênh truyền thống và thương mại điện tử. Đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích hữu cơ, HTX hiện đã có kế hoạch khảo sát thêm các hộ dân muốn chuyển đổi, nếu đạt chuẩn sẽ hỗ trợ kỹ thuật, phân hữu cơ và ký kết bao tiêu. Bên cạnh đó, HTX cũng chuẩn bị kế hoạch xây dựng câu chuyện thương hiệu bài bản cho từng sản phẩm"-bà Nguyễn Thị Nga cho biết.

Ông Trần Văn Văn-Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, đánh giá: “Để đạt OCOP cấp quốc gia, sản phẩm phải có yếu tố đặc trưng địa phương, đạt chứng nhận quản lý chất lượng quốc tế, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng phải chi tiết, cụ thể, hồ sơ pháp lý đầy đủ và quy trình sản xuất thân thiện môi trường. Đối với nguồn nguyên liệu phải có hợp đồng liên kết trên 75% sản lượng tiêu thụ và tổ chức thực hiện hợp đồng ổn định từ 12 tháng trở lên. Các sản phẩm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang hiện đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ chủ thể OCOP hoàn thiện tiêu chuẩn, nâng cao năng lực sản xuất và đẩy mạnh kết nối thị trường, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững và gia tăng giá trị”.
Việc một HTX có cùng lúc 5 sản phẩm đạt OCOP 5 sao là minh chứng cho chiến lược sản xuất quy mô, chuẩn hóa và liên kết vùng nguyên liệu bài bản. Đây là mô hình điển hình cần nhân rộng để gia tăng tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, hướng đến xuất khẩu chính ngạch bền vững.