Công an Đak Đoa ứng dụng mạng xã hội để bảo đảm an ninh trật tự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Sau 4 năm triển khai “Hệ thống kênh thông tin về an ninh trật tự, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và cải cách hành chính trên mạng xã hội”, Công an huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã truyền tải và tiếp nhận nhiều thông tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Đại úy Nguyễn Duy Mạnh-Phó Đội trưởng Đội Tham mưu (Công an huyện Đak Đoa) cho biết: Mô hình được Công an huyện triển khai từ tháng 3-2020, hoạt động dựa trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, YouTube để kết nối với người dân trên địa bàn.

Công an huyện phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và hệ thống chính trị thôn, làng, tổ dân phố, chức sắc tôn giáo để tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa, tiện ích của mô hình này đến người dân.

Cán bộ Công an xã Glar hướng dẫn người dân truy cập vào trang mạng xã hội của đơn vị để theo dõi, cập nhật thông tin về an ninh trật tự. Ảnh: R.H

Cán bộ Công an xã Glar hướng dẫn người dân truy cập vào trang mạng xã hội của đơn vị để theo dõi, cập nhật thông tin về an ninh trật tự. Ảnh: R.H

“Việc người dân cung cấp, phản ánh thông tin trên các nền tảng mạng xã hội của đơn vị không chỉ giúp bà con tiết kiệm thời gian, công sức mà còn giúp việc tiếp nhận thông tin được kịp thời và bảo mật. Cùng với đó, thông qua tương tác, trao đổi với người dân, lực lượng Công an chủ động nắm bắt và xử lý nhanh các vấn đề liên quan an ninh trật tự ở cơ sở”-Đại úy Mạnh cho hay.

Để thông tin kịp thời đến người dân, Công an xã Glar phân công cán bộ hàng ngày trực tiếp đăng tải, cập nhật các thông tin về pháp luật, an ninh trật tự trên mạng xã hội Facebook, Zalo của đơn vị. Đồng thời, Công an xã cũng chủ động tiếp nhận các tin nhắn, phản ánh của người dân về các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, an toàn giao thông, mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng và giải quyết thủ tục hành chính.

Để triển khai mô hình đạt hiệu quả, tại các cuộc họp thôn, làng và diễn đàn Nhân dân với Công an nhân dân, cán bộ Công an xã trực tiếp hướng dẫn bà con đăng nhập vào trang mạng xã hội để chủ động theo dõi, phản ánh vụ việc.

Trung tá Lê Đình Phúc-Trưởng Công an xã Glar-thông tin: “Trên trang mạng xã hội Facebook, Zalo của đơn vị, chúng tôi tuyên truyền về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, tập trung tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm; trật tự an toàn giao thông, tệ nạn xã hội…

Từ khi triển khai đến nay, hệ thống kênh thông tin này đã hỗ trợ lực lượng Công an xử lý 4 thông tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngăn chặn giúp 18 lượt người dân nghi ngờ đang bị các đối tượng lừa đảo trên mạng, tiếp nhận 18 tin báo nhóm thanh niên có biểu hiện tụ tập, nẹt pô, chạy xe tốc độ cao gây rối vào ban đêm.

Đồng thời, ngăn chặn 2 vụ thanh niên có biểu hiện tụ tập đánh nhau và tham gia hòa giải thành công 8 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng. Cũng qua hệ thống mạng xã hội của đơn vị, Công an xã đã tuyên truyền, giải đáp 1.132 lượt thắc mắc, khó khăn về thủ tục hành chính cho người dân”.

Còn ông Khiyup-Trưởng thôn Broch (xã Adơk) thì chia sẻ: “Để tuyên truyền, tiếp nhận thông tin phản ánh và ý kiến của người dân, năm 2019, làng Broch đã xây dựng nhóm Zalo thu hút hơn 50% dân số tham gia.

Trong nhóm, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, cập nhật những thông tin mới và chia sẻ các bài viết về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm. Chúng tôi cũng tuyên truyền hệ lụy của các tập tục lạc hậu để người dân biết, tránh vi phạm pháp luật”.

Người dân đến Công an xã Glar để giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: R.H

Người dân đến Công an xã Glar để giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: R.H

Từ khi triển khai mô hình “Hệ thống kênh thông tin về an ninh trật tự, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và cải cách hành chính trên mạng xã hội” đến nay, Công an huyện Đak Đoa đã đăng tải hơn 4.200 lượt tin, bài tuyên truyền, cảnh báo phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; 45 video clip, phóng sự và chia sẻ hơn 1.000 video clip liên quan đến an ninh trật tự. Các thông tin được đăng tải đã thu hút 845 ngàn lượt thích, hơn 32 ngàn lượt chia sẻ và hơn 80 ngàn bình luận.

Ngoài ra, các nhóm Zalo của Công an huyện, Công an 17 xã, thị trấn và 111 thôn, làng trên địa bàn cũng được duy trì hoạt động thường xuyên với gần 5.000 thành viên. Người dân cũng đã chủ động tương tác, gửi ý kiến thắc mắc, phản ánh, kiến nghị đến hệ thống với hơn 15 ngàn tin nhắn về các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, 11 ngàn tin nhắn liên quan đến an ninh trật tự và cung cấp 263 tin báo liên quan đến vi phạm trật tự an toàn giao thông để lực lượng Công an tra cứu, xem xét, xử lý theo quy định.

Thông qua thông tin người dân cung cấp, Công an huyện làm rõ 32 vụ trộm cắp tài sản, xử lý 24 đối tượng, xử lý 16 thông tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời ngăn chặn giúp 112 lượt người dân bị các đối tượng dụ dỗ, lừa đảo trên không gian mạng.

Ngoài ra, Công an huyện cũng đã gửi thông báo hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ đến 84 trường hợp, xử phạt với số tiền gần 40 triệu đồng; ngăn chặn 26 vụ thanh-thiếu niên tụ tập nẹt pô, 11 vụ nhóm thanh niên tụ tập có biểu hiện đánh nhau.

Có thể bạn quan tâm