Cơ hội đưa sản phẩm OCOP vào thị trường Campuchia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai có hơn 80 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia. Những năm qua, giao thương hàng hóa giữa 2 nước qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) và Cửa khẩu Oyadav (tỉnh Ratanakiri) ngày càng nhộn nhịp. Với lợi thế đó, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, nhiều doanh nghiệp Gia Lai đã tìm kiếm cơ hội để xuất khẩu sản phẩm OCOP, sản phẩm mang nét đặc trưng của địa phương sang thị trường này.

Tiềm năng xuất khẩu sản phẩm

Gia Lai có diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 850.000 ha, thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thuộc nhóm các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, dược liệu... Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã gia tăng được giá trị qua việc hình thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 49 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 267 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Trong đó, nhóm thực phẩm có 286 sản phẩm; nhóm đồ uống 8 sản phẩm; nhóm thảo dược 20 sản phẩm; nhóm vải may mặc 1 sản phẩm; nhóm thủ công mỹ nghệ, trang trí 1 sản phẩm. Qua việc quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại cho thấy, các sản phẩm OCOP của tỉnh có thể mở rộng thị trường tiêu thụ trong khu vực và quốc tế.

Lãnh đạo Sở Thương mại tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) và các doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu các mặt hàng nông sản, dược liệu của tỉnh Gia Lai. Ảnh: V.T

Lãnh đạo Sở Thương mại tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) và các doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu các mặt hàng nông sản, dược liệu của tỉnh Gia Lai. Ảnh: V.T

Thời gian qua, Gia Lai đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm sang thị trường Campuchia thông qua các chương trình hội chợ triển lãm, phiên chợ biên giới… Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Gia Lai sang thị trường Campuchia còn thấp so với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Trong 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu qua biên giới của tỉnh đạt hơn 104 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu vẫn chưa đa dạng so với tiềm năng sẵn có của Gia Lai. Vì vậy, thị trường Campuchia còn nhiều dư địa để phát triển.

Bên lề Hội nghị giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp nước ngoài năm 2023 tổ chức tại TP. Pleiku mới đây, ông Ngov Seareirath-Chủ tịch Công ty Setra (Siêu thị Setra, tỉnh Ratanakiri) đã đến tìm hiểu về các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Gia Lai và thấy rằng đây là những mặt hàng mà hệ thống Siêu thị Setra đang rất cần để đa dạng sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.

“Siêu thị của tôi đang bán khoảng 60.000 mặt hàng khác nhau. Tôi thấy các sản phẩm của tỉnh rất đa dạng, chất lượng, đảm bảo các tiêu chí và quy định hàng nhập khẩu vào Siêu thị Setra. Một số sản phẩm từ chanh dây, dược liệu, cà phê… rất phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sau khi làm việc, tôi đã quyết định ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà sản xuất ở Gia Lai, sau đó sẽ thực hiện các bước tiếp theo và nếu được sẽ đi đến ký kết hợp đồng nhập sản phẩm về bán tại Siêu thị Setra”-ông Ngov Seareirath cho biết.

Quang cảnh hội nghị giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp nước ngoài năm 2023. Ảnh: V.T

Quang cảnh hội nghị giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp nước ngoài năm 2023. Ảnh: V.T

Cụ thể, Siêu thị Setra đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phân phối tiêu thụ sản phẩm cà phê, chanh dây, nước cốt gừng mật ong… với Công ty TNHH BaKa, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai, Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai. Ngoài Siêu thị Setra thì Công ty tư nhân V.TEAK (Vương quốc Campuchia) cũng ký kết hợp tác với Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai.

Đồng thời, một số doanh nghiệp khác cũng đã thương thảo, trao đổi lấy thông tin, mẫu sản phẩm của các nhà sản xuất ở Gia Lai để xúc tiến ký gửi hàng hóa giới thiệu tại thị trường Campuchia, từ đó tiếp tục tìm hiểu và có thể đi đến quyết định hợp tác trong tương lai.

Cơ hội cho các nhà sản xuất ở Gia Lai

Ông Võ Thành Tuân-Giám đốc Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai-chia sẻ: “Hiện nay, doanh nghiệp có các sản phẩm cốt gừng mật ong AGILA, atiso đỏ mật ong AGILA đã đạt chuẩn HACCP, sản phẩm tinh bột nghệ đỏ AGILA đạt OCOP 3 sao. Lâu nay, mạng lưới phân phối, đại lý sản phẩm của Công ty đã được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến sản phẩm của Công ty. Đây là cơ hội rất lớn để đi đến hợp tác sau này. Qua xem xét, họ cho rằng hàng hóa của chúng tôi được sản xuất bởi những nguyên liệu có sự tương đồng trên thị trường, nhưng sản phẩm dạng thanh là hoàn toàn mới, đó là các loại nước giải khát cô đặc với quy trình chế biến riêng biệt, ngon, mới lạ”.

Các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: V.T

Các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: V.T

Bày tỏ sự vui mừng khi có một hệ thống siêu thị lớn ở Campuchia ngỏ ý hợp tác, bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai-cho hay: Khi đưa các sản phẩm chế biến từ quả chanh dây ra thị trường, HTX cũng đã nghĩ đến việc thâm nhập thị trường Campuchia. Trong chuyến đi xúc tiến thương mại do Sở Công thương tổ chức năm 2019 tại Campuchia, bà đã đến tham quan và làm việc với đại diện Siêu thị Setra. Thời điểm đó, sản phẩm của HTX chưa đa dạng nên không tạo sự quan tâm của đối tác. Nhưng lần gặp lại tại Hội nghị giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp nước ngoài năm 2023, họ đánh giá rất cao sản phẩm của HTX bởi sự đa dạng và mới mẻ.

“Hiện tại, đối tác đã gửi email trao đổi thông tin, mong muốn chúng tôi đáp ứng đủ số lượng hàng hóa theo yêu cầu. Cụ thể, sản lượng chanh dây trái tươi khoảng 500 kg/đơn hàng với tiêu chuẩn tương đương hàng xuất đi châu Âu; sản phẩm chanh dây sấy dẻo, trà chanh dây khoảng 300 kg/đơn hàng. Thực ra, Campuchia cũng có mặt hàng chanh dây nhưng họ đánh giá hương vị chanh dây của chúng tôi độc đáo, ngon hơn. Sắp tới, HTX sẽ mở rộng vùng trồng và liên kết lên khoảng 300 ha chanh dây, đồng thời đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Campuchia có khoảng cách địa lý gần với Gia Lai, giao thông lại thuận lợi nên chi phí vận chuyển sẽ giảm, giúp tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đây là cơ hội lớn để đưa hàng hóa sang thị trường nước bạn”-bà Thơm chia sẻ.

Tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm qua Campuchia thông qua việc tổ chức các phiên chợ biên giới hàng năm. Ảnh: V.T

Tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm qua Campuchia thông qua việc tổ chức các phiên chợ biên giới hàng năm. Ảnh: V.T

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chế biến, bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: Sau khi đi thực tế tìm hiểu sản phẩm của doanh nghiệp Gia Lai, các nhà phân phối, doanh nghiệp Campuchia nhận thấy tiềm năng các mặt hàng nông sản chế biến, dược liệu của Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng rất lớn. Họ đánh giá cao quy trình sản xuất, vùng nguyên liệu tại chỗ cho đến chất lượng sản phẩm. Hầu hết các doanh nghiệp nước bạn đã gặp gỡ, trao đổi thông tin, giới thiệu nhu cầu mua bán giữa các bên. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh kết nối với các nhà nhập khẩu.

“Tuy có nhận định khả quan, song hiện nay, hàng hóa của các doanh nghiệp Gia Lai hầu hết là sản phẩm công nghiệp nông thôn, mẫu mã bao bì chưa bắt mắt, chưa có mã vạch truy xuất nguồn gốc, chưa đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chưa có khả năng cung cấp các đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, việc thông quan giữa Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Cửa khẩu Oyadav chưa phát triển so với một số cửa khẩu khác. Do đó, việc giao thương hàng hóa giữa 2 nước qua cụm cửa khẩu này vẫn còn hạn chế. Vì vậy, việc tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, khai thác thị trường nước ngoài sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ, Bộ Công thương và tỉnh về đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, tận dụng được ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong hội nhập kinh tế quốc tế”-bà Thu thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.