Chuyện khuyến học vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vượt qua những khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội, kinh phí hoạt động… nhiều địa phương vùng khó ở Gia Lai đã vươn lên làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.

Ia Pa nổi tiếng là đất khó, cuộc sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm qua, công tác khuyến học lại rất được quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều dòng họ là người dân tộc thiểu số được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập” như: dòng họ Ksor (xã Ia Trốk); dòng họ Siu (xã Ia Mrơn); dòng họ Nay (xã Ia Broắi)…

22-330.jpg
Ông Ksor Choen, người rất tâm huyết với công tác khuyến học ở xã Ia Trôk (huyện Ia Pa). Ảnh: Lam Nguyên

Ông Ksor Choen-Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ia Trốk tự hào là một người thuộc dòng họ Ksor hiếu học. Từ nền tảng này, với vai trò được tín nhiệm nhiều năm qua, ông đã không ngừng nỗ lực cho công tác khuyến học.

Ông chia sẻ: “Khó khăn thì rất nhiều như: chuyển biến nhận thức trong một bộ phận người dân về xây dựng xã hội học tập còn chậm; hoạt động của các chi hội khuyến học còn khó khăn, nhất là kinh phí hoạt động và hầu như là kiêm nhiệm. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Hội Khuyến học huyện và lãnh đạo xã và sự đồng tình hưởng ứng của người dân, công tác khuyến học có những bước phát triển đáng ghi nhận”.

Thêm vào đó, bản thân ông Choen cũng có những cách tuyên truyền hiệu quả, gần gũi. Ông khẳng định: Muốn xây dựng xã hội học tập nhất thiết phải vận động học sinh ra lớp đúng độ tuổi, từ đó mới nói đến chuyện tạo nguồn cho xã hội trong tương lai. Vì vậy, việc này rất được ông quan tâm.

“Bà con chủ yếu là dân lao động, vì vậy phải tuyên truyền sao cho dễ hiểu và tranh thủ tuyên truyền bất cứ đâu. Ví dụ: Khi uống rượu với bà con, tôi hỏi thăm sức khỏe trước, sau đó hỏi chuyện học hành của con cái. Hoặc khi thăm ruộng, gặp bà con, ngoài hỏi han về phát triển kinh tế gia đình, tôi cũng hỏi thêm việc học của con em trong gia đình. Thấy trường hợp nào có nguy cơ bỏ học là tôi tư vấn ngay. Phải có bí quyết đấy!”-ông Choen nói vui.

Ông cho biết thêm: Thành lập từ năm 2007, đến nay, Hội Khuyến học xã Ia Trốk có tổng số 1.852 hội viên, chiếm 18,2% dân số toàn xã. Trong 5 năm qua, Hội và 14 chi hội khuyến học đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội về xây dựng xã hội học tập. Cùng với đó, vận động 1.012 hộ đăng ký “Gia đình học tập” (tăng 700 hộ so với 5 năm trước); 7 dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập” (tăng 2 dòng họ); 5 chi hội thôn đăng ký “Cộng đồng học tập”; 5 chi hội cơ quan đăng ký “Đơn vị học tập”.

Công tác vận động xã hội hóa giáo dục cũng được chú trọng, thu hút sự tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học. Theo đó, các cháu được tặng sách vở, đồ dùng học tập, xe đạp… Một số trường trong xã còn được cấp máy tính để bàn, ti vi… phục vụ học tập, giải trí.

“Hoạt động xã hội hóa giáo dục đã góp phần rất lớn trong việc giúp các em học sinh nghèo vượt khó, qua đó thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài”-Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ia Trốk nhận định.

Huyện Kbang cũng là địa phương khó khăn của tỉnh nhưng lại luôn dẫn đầu trong công tác này. Bà Vương Thị Hội-Chủ tịch Hội Khuyến học huyện-cho biết: Nhờ làm tốt công tác tham mưu nên kết quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có bước tiến vượt bậc. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động quỹ được trên 600 triệu đồng tiền mặt, trên 600 triệu đồng quy từ hiện vật.

Vào đầu mỗi năm học, Hội Khuyến học huyện phối hợp với các phòng, ban tham mưu, đề xuất UBND huyện trích quỹ khen thưởng tập trung của huyện và Quỹ Khuyến học huyện trên 100 triệu đồng để tổ chức lễ tuyên dương thầy-cô giáo, các em học sinh có thành tích học tập xuất sắc hoặc những em thi đại học đạt điểm cao…

“Nhờ có sự quan tâm động viên, khuyến khích kịp thời của các cấp ủy, chính quyền mà thành tích dạy và học của một huyện vùng sâu như Kbang luôn xếp tốp đầu của ngành Giáo dục tỉnh”-bà Hội khẳng định.

chuyen-khuyen-hoc-vung-kho-dd.jpg
Bà Vương Thị Hội (thứ 3 từ phải sang)-Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Kbang nhận bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học giai đoạn 2019-2024. Ảnh: L.N

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Kbang thông tin: Đến nay, toàn huyện có 170 chi hội khuyến học và 5 ban khuyến học (100% xã, thị trấn và cơ sở giáo dục có tổ chức hội khuyến học) với 16.502 hội viên, đạt 24,5% tổng dân số toàn huyện. Tổng cộng có 11.560 gia đình, 22 dòng họ, 113 cộng đồng, 57 đơn vị được công nhận là gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng, đơn vị học tập.

Với những nỗ lực trên, tại Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh khóa V (nhiệm kỳ 2024-2029), bà Hội là 1 trong 7 cá nhân được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen. Ông Choen cũng là 1 trong 15 cá nhân được Hội Khuyến học tỉnh tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội nhiệm kỳ 2019-2024.

Có thể bạn quan tâm

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

(GLO)- Suốt 7 năm công tác tại điểm trường làng Châu (Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro), cô Huỳnh Thị Cẩm Hồng luôn vượt khó kiên trì bám lớp. Càng thương học trò, cô càng quyết tâm "ươm mầm" tri thức, giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.