(GLO)- Được UBND tỉnh Gia Lai tín nhiệm giao nhiệm vụ cung ứng các mặt hàng chính sách cho đồng bào nghèo trên địa bàn tỉnh, liên tục trong nhiều năm qua Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai đã thực hiện tốt nhiệm vụ, đưa các mặt hàng đảm bảo chất lượng đến với người dân.
Chúng tôi luôn chú trọng đến chất lượng từng mặt hàng khi cung cấp đến bà con, trong đó việc cấp bò giống cho các hộ nghèo là việc làm Công ty luôn quan tâm, mỗi con bò khi đến tay người dân luôn đảm bảo các yêu cầu đề ra như con giống, trọng lượng đến tiêm chủng cách ly sao cho vật nuôi có được sức khỏe tốt nhất-đó là lời khẳng định của bà Nguyễn Thị Sen-Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai.
Luôn đảm bảo yêu cầu, chất lượng
Những năm gần đây, nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện cho các hộ dân vươn lên thoát nghèo hướng đến thoát nghèo bền vững, ngoài việc hỗ trợ cho người dân về các khoản kinh phí, giống lúa, bắp, mì… từ ngân sách nhà nước và vốn chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó chương trình cấp bò giống cho hộ nghèo đã mang lại niềm vui cho nhiều hộ dân. Có nhiều hộ đã chăm sóc bò phát triển tốt, sinh sản và lấy vốn từ việc bán bê con để lo cho gia đình, cải thiện cuộc sống ngày một tốt hơn. Bên cạnh phần lớn các hộ nhận nuôi, chăm sóc cho vật nuôi phát triển tốt thì cũng có một số trường hợp vì nhiều lý do nên đã bán bò sau khi nhận được từ đơn vị cung cấp, hay giết bán thịt… sau đó lại cho là bò bệnh, bò dịch bị chết và đổ lỗi cho đơn vị cung cấp và thông tin này vừa được người dân phản ánh tại huyện Krông Pa-Gia Lai.
Anh Ksor Nưh vui mừng được cán bộ xã hướng dẫn cách chăm sóc bò trong thời kỳ sinh sản. Ảnh: Nguyễn Giác |
Để giải thích rõ hơn về vấn đề này, ông Võ Công Luận-Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Krông Pa cho biết: Theo quy định của UBND tỉnh, trước khi nhập bò về cấp lại cho các hộ nghèo tại các địa phương thì phía đơn vị cung ứng là Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai đã rất khó khăn trong việc tìm mua con giống với loại bò cái giống nội, hoặc có máu lai không quá 25%, từ 1 đến 2 năm tuổi, trọng lượng 125 kg đến 135 kg/con. Khi đã tìm mua đủ số lượng mỗi đợt vài trăm con thì đơn vị cung ứng phải phối hợp với các đơn vị tiêm phòng, kiểm dịch và nuôi cách ly đủ 21 ngày trước ngày giao bò. Do đó, việc người dân phản ánh bò giống giao đến người dân bị dịch bệnh rồi chết là hoàn toàn không thể xảy ra. Riêng đợt giao bò năm 2011 tại huyện Krông Pa cho người dân tại buôn Tranh, xã Uar, sau khi nhận bò người dân có báo là bò bị dịch, sùi bọt. Sau đó, cán bộ thú y xã và huyện đến kiểm tra, cách ly để theo dõi, đồng thời cho ăn uống đầy đủ thì bò lại khỏe, hết các dấu hiệu nghi vấn vì bò khi chuyển về có khả năng bị say và choáng với không khí nắng nóng ở địa phương.
Việc đổ lỗi cho đơn vị cung ứng bò là kém chất lượng, dịch bệnh là không đúng bởi công tác nghiệm thu từ các bên liên quan đều đánh giá cao chất lượng con giống trước khi đưa đến tận tay người dân. Riêng người dân, khi nhận bò chúng tôi đã họp, tập huấn và hướng dẫn rõ cách nuôi giống bò có yếu tố lai nếu chăm sóc tốt bò sẽ mạnh và phát triển nhanh hơn giống bò địa phương, nhưng người dân lại ít quan tâm đến vấn đề này-ông Luận cho biết thêm.
Niềm hạnh phúc của hộ nghèo
Trên địa bàn huyện Krông Pa, các năm 2011 và 2013, Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai đã phối hợp cấp phát 455 con bò cái giống cho các hộ nghèo tại 13 xã trên địa bàn huyện, trong đó, năm 2011 cấp 255 con với tổng kinh phí gần 2,3 tỷ đồng.
Chăn nuôi bò giúp người dân Krông Pa cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Nguyễn Giác |
Ông Nguyễn Khắc Dưng-Phó Chủ tịch xã Phú Cần cho rằng: Khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ người nghèo được nhận bò, xã đã tiến hành họp, rồi đến từng thôn để người dân bầu chọn ra những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất để nhận bò và đến nay tất cả hộ dân đã nhận bò từ các đợt trước đang chăm sóc bò phát triển rất tốt, nhiều con trong số này đã sinh 2-3 bê con và có hộ đã bán bớt để lo cho con học tập, mua thêm con giống để về nuôi dưỡng từng bước vươn lên thoát nghèo. Không có hộ nào để vật nuôi bị bệnh hay bán thịt rồi đổ trách nhiệm cho đơn vị cung cấp.
Vui mừng bên con bò đang có thai được 4 tháng, anh Ksor Nưh (37 tuổi) sinh sống tại buôn Thim, xã Phú Cần thường xuyên quan tâm cho bò ăn cỏ, uống bổ sung chất mong cho bò khỏe để sinh bê con được tốt, “Được sự quan tâm của địa phương, gia đình tôi được nhận nuôi một bò cái 121 kg, khi dẫn bò về nhà ai cũng nghĩ tôi nhận nuôi bò dùm cho ai chứ không phải là bò của mình, khi tôi kể lại thì cả vợ con tôi ai cũng phấn khởi, ngày nào cả nhà cũng tìm cỏ tươi về cho bò ăn, nay bò to khỏe lắm, mình phải nhờ cán bộ thú y xem để bò khỏe cho bê mạnh”-anh Nưh nói. Qua tìm hiểu, được biết, do không có đất sản xuất nên vợ chồng anh Nưh thuê đất trồng lúa cũng đủ ăn, còn lại mỗi ngày anh cùng vợ và đứa con đầu phải đi làm thuê nên không có nhiều tiền để lo cho 2 đứa nhỏ. Nếu có thêm bê và nuôi lớn thì anh Nưh sẽ bán bê để làm lại nhà, còn lại mua đồ cho các con chuẩn bị đi học.
Qua 8 năm hoạt động, trong quá trình mua cấp, cung ứng các lại giống, vật nuôi cho người dân trong tỉnh, ngoài việc lựa chọn đơn vị cung cấp uy tín, Công ty đảm bảo các quy định về cây, con giống đạt tiêu chuẩn, riêng với bò giống luôn được giám sát kỹ, tiêm chủng theo đúng quy định của tỉnh và ngành chức năng đề ra. Năm 2014 UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục chọn Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai mua, cung ứng 3.376 con bò giống cấp cho các hộ tại 15 huyện, thị xã. |
Không riêng gì hộ anh Nưh mà nhiều hộ khác trên địa bàn xã như Rơ Ô Sit, Ngoa, Krôh… được nhận bò nay những con bò cái đã có 2 bê con và đang phát triển rất tốt. Ông Ksor Munh-Trưởng thôn Thim nói: bà con ai nhận được bò cũng vui lắm, ai cũng mong bò lớn khỏe, sinh bê nên gia đình nào cũng cho người trông coi bò, chăm sóc vật nuôi rất tốt. Hiện, tại buôn và nhiều hộ khác cũng mong được nhận bò để cải thiện cuộc sống của gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo khuyến cáo của đơn vị thú y, để chăm sóc tốt giống bò lai, người dân cần quan tâm hơn đến chế độ dinh dưỡng bởi nhu cầu của giống bò này cao hơn giống bò địa phương, đồng thời thường xuyên theo dõi, tiêm phòng, đặc biệt khi bò đang trong giai đoạn sinh sản cần quan tâm hơn về thức ăn tươi, bổ sung chất theo hướng dẫn thì bò sẽ phát triển rất nhanh, to khỏe. Ngoài ra, người dân cần quan tâm đến việc dựng chuồng có mái che, xử lý phân tại chuồng nuôi thường xuyên; tiêm phòng đúng thời gian… nhằm tránh bệnh cho vật nuôi và đảm bảo môi trường tại khu dân cư.
Nguyễn Giác