Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long: Báo chí Gia Lai tiếp tục phát huy truyền thống “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiều 20-6, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023) và trao Giải báo chí tỉnh lần thứ XII năm 2023.

Tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành cùng đông đảo hội viên Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy

Trong không khí gần gũi, thân tình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Trần Quốc Anh đã ôn lại truyền thống vẻ vang trong 98 năm của báo chí cách mạng Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực Hội thông tin: Tỉnh Gia Lai hiện có 3 cơ quan báo chí địa phương; 12 văn phòng đại diện và 16 cơ quan báo chí có phóng viên thường trú đăng ký hoạt động báo chí trên địa bàn. Hiện nay, Hội Nhà báo tỉnh có 292 hội viên, sinh hoạt tại 6 chi hội trực thuộc.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long trao bằng khen cho các tác giả có thành tích xuất sắc tại các giải báo chí cấp quốc gia năm 2022. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long trao bằng khen cho các tác giả có thành tích xuất sắc tại các giải báo chí cấp quốc gia năm 2022. Ảnh: Đức Thụy

Thời gian qua, các cơ quan báo chí của tỉnh đều có sự đổi mới và phát triển. Cơ sở vật chất, trang-thiết bị, trình độ, công nghệ của báo chí được cải tiến. Điều kiện hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo ngày càng thuận lợi hơn. Đặc biệt, trong thời đại thông tin bùng nổ mạnh mẽ, các cơ quan báo chí và người làm báo đã nỗ lực tôi luyện phẩm chất nghề nghiệp, có trách nhiệm với mỗi sản phẩm báo chí, thực hiện chức năng thông tin và định hướng dư luận. Trình độ, năng lực chuyên môn nghề nghiệp ngày càng được nâng lên. Đa số người làm báo tâm huyết, say mê nghề nghiệp, ý thức sâu sắc trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hùng phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hùng phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy

Phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hùng đã ghi nhận kết quả đóng góp tích cực của người làm báo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Trong đó, đánh giá cao vai trò của 2 cơ quan Báo Gia Lai và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh. Các cơ quan báo chí đã bắt nhịp với dòng chảy của xu hướng báo chí hiện đại; xác định chuyển đổi số là quá trình tất yếu để tồn tại và phát triển của báo chí; tận dụng tối ưu sự phát triển của công nghệ cũng như các nền tảng xã hội để chuyển tải thông tin đến bạn đọc một cách nhanh chóng, kịp thời và rộng rãi hơn.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cũng ghi nhận sự đồng hành với đồng nghiệp tại địa phương của các phóng viên, nhà báo thuộc văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trong công tác thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh phát biểu đáp từ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy

Nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh phát biểu đáp từ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy

Tại buổi tọa đàm, các hội viên Hội Nhà báo tỉnh cũng chia sẻ những cảm xúc trong quá trình làm nghề cũng như đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để nền báo chí tỉnh nhà ngày càng phát triển. Nhà báo Phan Hòa-Trưởng văn phòng Thường trú Báo Nhân dân tại Gia Lai-cho hay: “Những năm qua, tỉnh Gia Lai luôn quan tâm đến những người làm báo nói chung và đội ngũ báo chí thường trú trên địa bàn nói riêng. Tuy nhiên, để công tác thông tin, tuyên truyền hiệu quả hơn, tôi đề xuất các cơ quan tham mưu cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh nên có sự nghiên cứu kỹ hơn về Luật Báo chí, qua đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi để báo chí hoạt động đúng pháp luật trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng nên có những hình thức động viên, khen thưởng đối với những nhà báo xông xáo tiếp cận vấn đề, giúp tỉnh kịp thời nắm bắt thông tin để định hướng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo”.

Nhà báo Phan Hòa-Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nhân dân tại Gia Lai có nhiều đề xuất đối với lãnh đạo tỉnh tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy

Nhà báo Phan Hòa-Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nhân dân tại Gia Lai có nhiều đề xuất đối với lãnh đạo tỉnh tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy

Đại tá Trần Thanh Khiết-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi-nêu ý kiến: Việc thành lập Câu lạc bộ rất ý nghĩa, tạo điều kiện để chúng tôi tham gia vào công tác báo chí và góp phần xây dựng nền báo chí của tỉnh ngày càng phát triển. Hội viên của Câu lạc bộ tuy tuổi đời đã cao song vẫn rất tích cực tham gia hoạt động báo chí, có nhiều tin, bài đăng tải trên các ấn phẩm báo chí của tỉnh. Vì vậy, thời gian đến, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, các chi hội của Hội Nhà báo tỉnh để tiếp tục sinh hoạt, giao lưu, sống vui, sống khỏe và có điều kiện đóng góp vào công tác xây dựng Hội.

Ban Tổ chức Giải Báo chí tỉnh trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: Đức Thụy

Ban Tổ chức Giải Báo chí tỉnh trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: Đức Thụy

Nói về vai trò của chuyển đổi số trong báo chí, Phóng viên Nguyễn Anh Tuất (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) cho rằng: Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, báo chí cũng không đứng ngoài cuộc. Bởi lẽ, chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí đến gần hơn với công chúng, chuyển tải nhanh nhạy, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp Nhân dân. Mỗi người làm báo là nhân tố quan trọng trong công cuộc chuyển đổi này, do đó, rất cần có sự quan tâm của lãnh đạo các cấp để đội ngũ những người làm báo được nâng cao lý luận chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới sáng tạo; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong tác nghiệp và đời sống của không ngừng được cải thiện hơn. Qua đó, giúp họ an tâm công tác, cống hiến với nghề và góp một phần công sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Đại diện cho nhóm tác giả đạt giải khuyến khích Giải Báo chí quốc gia lần thứ XII năm 2022, phóng viên Trần Thị Hồng Thi (Báo Gia Lai) cho hay: “Với tinh thần phản ánh để xây dựng, chúng tôi mong muốn thông qua loạt bài “Những công trình lãng phí nguồn lực”, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ cùng vào cuộc để xác định nguyên nhân, đề ra những giải pháp đủ mạnh nhằm xử lý dứt điểm tình trạng lãng phí này; qua đó, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng.

Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đặng Huy Cường trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam" cho các hội viên. Ảnh: Đức Thụy

Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đặng Huy Cường trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam" cho các hội viên. Ảnh: Đức Thụy

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhấn mạnh: Đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí địa phương và các Văn phòng đại diện Báo, Đài của Trung ương và ngành đứng chân trên địa bàn tỉnh có vai trò, vị trí rất quan trọng trên mặt trận tư tưởng, là cầu nối truyền tải, thông tin giữa các cơ quan nhà nước với người dân. Trong thời gian qua, đội ngũ phóng viên báo chí trên địa bàn tỉnh đã và đang làm rất tốt vai trò đó. Trong mỗi tác phẩm đều thể hiện niềm tin với Đảng, với nhà nước và sự say mê nghề nghiệp, khát vọng cống hiến xây dựng đất nước, phụng sự Nhân dân.Chủ tịch UBND tỉnh mong nhận được sự đồng hành, chia sẻ và hành động của các cơ quan báo chí trên sở phát huy truyền thống “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”để cùng với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Nhân dân để thực hiện được mục tiêu chung.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định: UBND tỉnh sẽ luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, thách thức; đồng thời, sẽ nghiên cứu, có giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan báo chí, các nhà báo đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong phạm vi, quyền hạn của UBND tỉnh.

Đại tá Trần Thanh Khiết-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy

Đại tá Trần Thanh Khiết-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy

Phát biểu đáp từ, Nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cảm ơn lãnh đạo tỉnh và cá nhân đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã ghi nhận, đánh giá cao vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh nói riêng trong thời gian qua. Chủ tịch Hội Nhà báo cũng hứa sẽ tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi tọa đàm, kịp thời khắc phục trong thời gian sớm nhất đối với những vấn đề còn tồn tại, hạn chế để hoạt động báo chí trên địa bàn ngày càng hiệu quả, chuyên nghiệp.

Dịp này, Thường trực Hội Nhà báo tỉnh đã trao quyết định của Hội Nhà báo Việt Nam chuẩn y kết nạp cho 5 hội viên mới; trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam” cho 20 hội viên. Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 18 cá nhân đã có thành tích xuất sắc tại các giải báo chí cấp quốc gia năm 2022. Hội Nhà báo tỉnh cũng trao giải 30 tác phẩm xuất sắc của các tác giả, nhóm tác giả ở 4 loại hình, gồm: 3 giải A, 6 giải B, 9 giải C và 12 giải khuyến khích.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở TP. Pleiku

Gia Lai: Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở TP. Pleiku

(GLO)- Sáng 22-11, UBND TP. Pleiku long trọng tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1195/NQ-UBTVQH15 ngày 28-9-2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025; ra mắt hệ thống chính trị xã Biển Hồ (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai).