Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Piar làm kinh tế giỏi, nhiệt tình với công tác xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Piar (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), ông Vương Văn Thảo (thôn Thanh Bình, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) không chỉ năng nổ, nhiệt tình trong công tác xã hội mà còn đi đầu trong việc phát triển kinh tế.
Ông Vương Văn Thảo xuống đồng tỉa dặm, chăm sóc lúa trong vụ mùa. Ảnh: Hoàng Lộc

Ông Vương Văn Thảo xuống đồng tỉa dặm, chăm sóc lúa trong vụ mùa. Ảnh: Hoàng Lộc

Ông Thảo sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo của huyện Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng). Năm 1997, cả gia đình ông vào xã Ia Peng (lúc này thuộc huyện Ayun Pa) lập nghiệp. Ở vùng đất mới, hai vợ chồng ông Thảo cần cù, chịu khó lao động và làm thuê làm mướn. Với số tiền tích góp được qua nhiều năm, hai vợ chồng ông mua được 2 ha đất để trồng mía, đậu xanh, mì.

Vì năng suất cây trồng thấp nên năm 2009, ông Thảo quyết định chuyển đổi 2 ha đất này sang trồng luân canh 1 vụ thuốc lá và 1 vụ lúa. Mỗi năm, sau khi kết thúc thu hoạch thuốc lá trong vụ Đông Xuân xong thì ông lập tức làm đất để triển khai ngay trồng lúa vụ mùa. Nhờ đó, gia đình ông có nguồn thu nhập đáng kể nên tích lũy để mua thêm đất, mở rộng diện tích canh tác. Đến nay, gia đình ông đã có khoảng 12 ha đất. Đồng thời, ông còn mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc cơ giới hóa để phục vụ sản xuất nông nghiệp gồm 1máy cày, 2 máy xới đất làm luống và 2 máy phun thuốc trừ sâu, phân bón.

Nhờ kỹ thuật trồng và chăm sóc tốt, mỗi năm gia đình ông thu về tổng cộng 45 tấn thuốc lá khô, sau khi trừ đi các chi phí thì lãi hơn 1,4 tỷ đồng. Tính cả cây lúa, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu lợi nhuận gần 1,7 tỷ đồng. “Trồng luân canh trên cùng một diện tích đất có nhiều ưu điểm như tăng độ phì nhiêu và chất dinh dưỡng cho đất; hạn chế được tình trạng sâu bệnh ảnh hưởng đến cây trồng và kiểm soát cỏ dại phát triển. Đây là một trong những phương thức canh tác bền vững để hướng tới nông nghiệp sạch”-ông Thảo chia sẻ.

Ông Vương Văn Thảo kiểm tra lò sấy thuốc lá của gia đình. Ảnh: Hoàng Lộc

Ông Vương Văn Thảo kiểm tra lò sấy thuốc lá của gia đình. Ảnh: Hoàng Lộc

Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, với cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Piar, ông Thảo tận tâm với công việc và công tác xã hội. Hàng năm, ông phối hợp với các cơ quan, ban, ngành nhờ mở các lớp tập huấn để truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi cho các hội viên; vận động hội viên xây dựng được 280 vườn rau thân thiện phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày; vận động 12 hội viên nông dân chuyển đổi sang trồng luân canh cây thuốc lá và lúa trên diện tích gần 30 ha; hỗ trợ 7 chi hội nông dân trực thuộc Hội Nông dân xã Ia Piar 3 triệu đồng/chi hội để mua cây giống phát triển kinh tế.

Hằng năm, ông còn tích cực vận động trên 300 hội viên đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Bên cạnh đó, ông còn làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn để hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất kinh doanh. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, Hội Nông dân xã Ia Piar đã tạo điều kiện cho 16 hội viên được tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Thiện, với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng.

Đồng thời, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng; nhận giúp đỡ 2 hộ dân tại thôn Sô Ma Hang B (xã Ia Peng) thoát nghèo. Mỗi năm, gia đình ông còn ủng hộ gần 10 triệu đồng cho quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “khuyến học”, quỹ “Chăm sóc người cao tuổi”; xây dựng nông thôn mới…trên địa bàn Ia Piar.

Ông Vương Văn Thảo thăm hỏi, động viên gia đình bà Rơ Ô Loi ở thôn Sô Ma Hang B, xã Ia Peng. Ảnh: Hoàng Lộc

Ông Vương Văn Thảo thăm hỏi, động viên gia đình bà Rơ Ô Loi ở thôn Sô Ma Hang B, xã Ia Peng. Ảnh: Hoàng Lộc

Ông Thảo bộc bạch: “Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên tôi hiểu được nỗi vất vả của những người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, khi có điều kiện kinh tế tôi sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ, để họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống”. Còn bà Rơ Ô Loi (thôn Sô Ma Hang B, xã Ia Peng) chia sẻ: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chỉ dựa vào mấy sào trồng mì. Kể từ khi biết đến ông Thảo, cuộc sống gia đình mới thực sự thay đổi. Mỗi năm, ông Thảo hỗ trợ gia đình tôi 8-10 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi, trang trải cho cuộc sống. Đồng thời, ông tạo công ăn việc làm cho tôi và 3 người con. Nhờ đó, gia đình cũng tích góp được 1 khoản tiền để xây dựng căn nhà hơn 200 triệu đồng, mua 1 cặp bò sinh sản để phát triển kinh tế và được công nhận thoát nghèo trong năm nay”.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Đam-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện-nhận xét: Ông Vương Văn Thảo là tấm gương điển hình về việc cán bộ Hội Nông dân làm kinh tế giỏi của huyện. Nhờ biết áp dụng kỹ thuật về trồng trọt nên năng suất, chất lượng cây trồng của gia đình ông ngày càng nâng cao. Trong công việc, ông Thảo có tinh thần năng nổ, nhiệt tình và trách nhiệm. Những năm gần đây, công tác Hội và phong trào nông dân được ông Thảo quan tâm thực hiện và hoàn thành tốt các chỉ tiêu của Hội Nông dân huyện đề ra. Đồng thời, ông luôn quan tâm giúp đỡ các gia đình khó khăn để họ có động lực vươn lên trong cuộc sống. Những việc làm của ông Tâm đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Đây thực sự là tấm gương tiêu biểu để nhân dân địa phương học tập.

“Với những cố gắng, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế tại địa phương và nhiệt tình tham gia công tác Hội, Hội Nông dân huyện đã làm hồ sơ trình lên Chủ tịch UBND tỉnh để đề nghị tặng bằng khen cho ông Vương Văn Thảo vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2022-2024”-bà Đam thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.