Trong khu vườn rộng 3,7 ha, gia đình anh Khánh đang trồng 3.500 cây cà phê, 300 trụ hồ tiêu, 300 cây sầu riêng, 50 cây điều và vài chục cây bơ, ổi, nhãn, chôm chôm, bưởi, chanh và tre Điền Trúc. Cùng chúng tôi đi thăm vườn, ông Cao Đình Lập (bố của anh Khánh) cho biết: Mô hình này được hình thành năm 2014, sau khi anh Khánh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
“Năm 18 tuổi, Khánh làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Thấy con trưởng thành, có nhận thức tốt, gia đình vui vẻ ủng hộ. Trong thời gian tại ngũ ở Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3), Khánh ra sức học tập, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và vinh dự được kết nạp vào Đảng. Khánh làm gì cũng quyết tâm nên vợ chồng tôi luôn tin tưởng, ủng hộ”-ông Lập tự hào kể.
Nhận thấy vườn cà phê của gia đình đã già cỗi, cho năng suất thấp, anh Khánh bàn với bố mẹ tái canh bằng giống cà phê mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, thay đổi mô hình sản xuất từ độc canh cây cà phê sang đa dạng hóa cây trồng để khai thác tối đa tiềm năng đất đai, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, lại tránh được rủi ro khi giá cả nông sản biến động. Mặc dù cây cà phê chiếm phần lớn diện tích song anh Khánh quan niệm, không có cây chính, cây phụ mà tất cả đều phải mang lại nguồn thu.
Bí thư Chi Đoàn Cao Đình Khánh (bìa trái) là điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi ở thôn Ia Lâm Tốk, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ. Ảnh: A.H |
Với diện tích cây cà phê, anh áp dụng phương pháp tỉa cành, tạo tán và hãm ngọn. Theo anh Khánh, phương pháp này có ưu điểm là dinh dưỡng tập trung vào thân và các cành cơ bản nên cây sinh trưởng đồng đều, không quá cao, thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch, không ảnh hưởng đến những cây trồng xung quanh. Năm 2023, gia đình anh thu được hơn 7 tấn cà phê nhân và hơn 4 tạ hồ tiêu. Riêng diện tích sầu riêng, 180 cây đang trong giai đoạn kinh doanh và 120 cây cho thu bói. Dự kiến sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình còn lãi khoảng hơn 600 triệu đồng/năm từ vườn cây các loại.
Đặc biệt, với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, anh Khánh tích cực tham gia công tác Đoàn ở địa phương. Từ năm 2016 đến nay, anh là Bí thư Chi Đoàn thôn Ia Lâm Tốk. Anh Khánh cho biết: “Thôn có 20 đoàn viên, thanh niên song thực tế sinh sống thường xuyên tại địa phương chỉ có 10 người, số còn lại đi làm ăn xa. Đến nay, thôn không còn đoàn viên, thanh niên thuộc diện hộ nghèo. Mọi người đều chịu khó học hỏi, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Hiện gia đình anh Khánh đang trồng khoảng 300 cây sầu riêng. Ảnh: A.H |
Để thu hút, tập hợp đoàn viên, thanh niên, Chi Đoàn thôn Ia Lâm Tốk duy trì sân chơi bổ ích với hoạt động giao lưu bóng đá, bóng chuyền vào các buổi chiều trong ngày. Anh Khánh còn vận động đoàn viên, thanh niên cùng tham gia các hoạt động “Ngày chủ nhật xanh”, “Thứ bảy tình nguyện” giúp đỡ hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trao đổi với P.V, anh Nguyễn Thành Trung-Bí thư Đoàn xã Ia Krêl-nhận xét: Trên địa bàn xã hiện có 4 đoàn viên, thanh niên làm kinh tế giỏi, thu nhập vài trăm triệu đồng/năm và anh Khánh là một trong số đó. Ngoài vai trò Bí thư Chi Đoàn, anh Khánh còn là thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ “Tương lai xanh” do Đoàn xã thành lập với nhiều hoạt động thiện nguyện hướng về học sinh và người dân khó khăn trên địa bàn.