Cần thống nhất thời điểm xảy ra vụ thảm sát Tân Lập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo tài liệu chính thống, năm 1947, tại làng Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang), quân đội Pháp đã giết hại hơn 350 người dân vô tội.

Một phần nơi từng xảy ra vụ việc nêu trên đã trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh. Tuy vậy đến nay, thông tin về ngày tháng xảy ra cuộc tàn sát vẫn chưa được biên chép một cách thống nhất trên sách báo.

Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được, An Khê là địa phương đầu tiên nhắc đến vụ thảm sát. Sách “Lịch sử Đảng bộ huyện An Khê” (xuất bản năm 1993) xác nhận: Sau thời điểm xảy ra trận công đồn Tú Thủy (14-3-1947), quân Pháp “đã thiêu hủy toàn bộ nhà cửa và giết hại gần 100 người ở làng Tân Lập”.

Trong khi đó, “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-1975)”, tập 1 in năm 1996 chỉ ghi nhận chung, không đưa ra mốc thời gian hay số liệu thiệt hại nhân mạng cụ thể: Chiến dịch kết thúc, địch phản kích, khủng bố, bắt bớ, hàng trăm quần chúng bị giết hại. Các làng Tân Lập, chiến khu Vĩnh An bị đốt phá triệt hạ.

Công bố vào thời gian sau đó, các sách “Địa chí Gia Lai” xuất bản năm 1999, “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005)” in năm 2009, “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Gia Lai (1945-2005)” phát hành năm 2012 đều viết tương tự như trên.

Tái bản có sửa chữa, bổ sung năm 2010, “Lịch sử Đảng bộ thị xã An Khê (1945-2005)” viết cụ thể và chi tiết hơn: “Sáng ngày 22-3-1947, địch tập trung lực lượng càn quét vào làng Tân Lập, nơi trước đó bộ đội của Trung đoàn trưởng Vi Dân đóng quân. Chúng thiêu hủy toàn bộ nhà cửa và bắn giết 368 người già, trẻ, phụ nữ mang thai của làng Tân Lập”.

Còn sách “Lịch sử truyền thống cách mạng xã Cửu An (1945-2015)” xuất bản năm 2015 cũng diễn đạt tương tự như trên và xem 22-3-1947 là ngày xảy ra vụ thảm sát Tân Lập.

Thông tin về ngày tháng và số dân thường bị giết trong sự kiện đẫm máu trên chắc chắn có sự đóng góp rất lớn của ông Phan Duy Tiên-nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin An Khê, người đã kiên trì theo đuổi đề tài này và công bố nhiều bài viết trên báo chí từ năm 2004.

Chính quyền và người dân địa phương cúng giỗ chung các nạn nhân vụ thảm sát. Ảnh: Văn Thắng

Chính quyền và người dân địa phương cúng giỗ chung các nạn nhân vụ thảm sát. Ảnh: Văn Thắng

Ông Phan Duy Tiên từng viết một số bài báo cho rằng thời điểm cộng đồng Tân Lập bị thảm sát là ngày 18-3-1947, thậm chí ngày 6-3 dương lịch hoặc ngày 2-2 âm lịch cùng năm. Tuy vậy, gần đây, thông qua các bài viết được in lại trong một cuốn sách của riêng mình, ông xác nhận 22-3-1947 là ngày giặc Pháp tàn sát dân làng Tân Lập.

Trong khi đó, sách “Lịch sử công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2010)” xác định ngày diễn ra sự kiện khác, khi viết: “Sau chiến dịch, ngày 18-3-1947 giặc Pháp điên cuồng khủng bố trả thù, tàn sát trên 60 người ở Vĩnh An, đốt trên 76 nhà và giết hại 368 người ở thôn Tân Lập (An Khê)”.

In năm 2011, “Lịch sử phong trào phụ nữ và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai (1930-2010)” ghi nhận một ngày tháng xảy ra sự kiện khác biệt hơn. Sách viết: Sau trận Tú Thủy, địch phản ứng mạnh, khủng bố tàn sát man rợ, đốt nhà cửa, phá mùa màng. Chúng tàn sát hơn 60 người ở chiến khu Vĩnh An. Sáng 22-7-1947, địch càn vào làng Tân Lập, thiêu hủy toàn bộ nhà cửa và bắt giết 368 người, cả già trẻ và phụ nữ mang thai.

Năm 2015, khi UBND huyện Kbang xây dựng Nhà bia tưởng niệm vụ thảm sát Nhân dân làng Tân Lập tại thôn 6, xã Đăk Hlơ, thời điểm thảm sát đã được khắc trên bia là ngày 18-3-1947. Cuối năm 2016, hồ sơ “Vụ thảm sát Nhân dân làng Tân Lập năm 1947” do Bảo tàng tỉnh chủ trì xây dựng, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch trình và được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 138/QĐ-UBND ngày 20-3-2017) cũng xác định 18-3-1947 là ngày giặc Pháp sát hại dân làng Tân Lập.

Nhiều năm nay, tại vùng đất Tân Lập xưa, lễ giỗ chung những người đã mất trong vụ thảm sát năm 1947 đều được tổ chức vào ngày 25-2 âm lịch. Ông Bùi Phích-Chủ tịch UBND xã Đăk Hlơ-cho biết: Ngày giặc giết dân là 26-2 âm lịch còn giỗ thì cúng trước một hôm, theo phong tục địa phương. Chúng tôi đã sử dụng một chương trình có sẵn trên vietnamnet.vn (đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) để tra cứu thì nhận được kết quả: 18-3 dương lịch chính là ngày 26-2 âm lịch của năm 1947.

Như vậy, cho đến hiện tại, theo khảo sát chưa đầy đủ của người viết bài này, có đến 3 mốc thời gian (ngày và tháng) khác nhau được biên chép chính thức liên quan đến 1 sự kiện duy nhất xảy ra năm 1947 là 18-3, 22-3 và 22-7.

Sau gần 80 năm, ngày nay, việc cập nhật, bổ sung kết quả nghiên cứu, sưu tầm, góp phần làm cho sử liệu thêm đầy đủ, chính xác là hoàn toàn cần thiết. Tương tự như vậy, để công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương hiệu quả, việc thống nhất ngày tháng xảy ra sự kiện Tân Lập đã nêu nên được các cơ quan chức năng sớm quan tâm, chỉ đạo.

Có thể bạn quan tâm

Minh họa: HUYỀN TRANG

Những ngày cuối năm

(GLO)- Vậy là đoàn tàu thời gian đã đến ga “tháng Chạp”. Có lẽ vì là ga cuối nên cuộc hành trình dường như chậm lại trong biết bao nỗi niềm bâng khuâng của lữ khách.

Ảnh minh họa: HUYỀN TỶ

Thơ Võ Duy: Khói đổi mùa

(GLO)- Không chỉ nói về sự thay đổi của thiên nhiên, "Khói giao mùa" của tác giả Võ Duy còn phản ánh sự chuyển mình trong tâm hồn con người, sự đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa những kết thúc và khởi đầu mới tốt đẹp trong cuộc sống.

Thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Phạm Quý

Phố núi tình thân

(GLO)- Pleiku đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Vẻ đẹp hoang sơ và tình cảm của con người nơi đây khiến không ít người tìm đến Pleiku như là một điểm dừng chân thú vị.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Hoài niệm Tết

(GLO)-Tết vừa gợi nên biết bao yêu thương nhưng cũng là nỗi lo của người lớn. Nhưng Tết hiện diện trong suy nghĩ của trẻ con thì khác, nó háo hức, chộn rộn trong tiếng cười, trong tiếng vỗ tay reo vui khi thấy mẹ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa và mua bánh kẹo. Và, Tết luôn đầy màu sắc, đầy tiếng cười vui.

Hoa mùa xuân

Hoa mùa xuân

(GLO)- Mùa này, trên khắp nẻo núi đồi, thung xa hay trong mỗi vườn nhà, những chồi non lộc biếc bắt đầu mởn xanh trong gió, rực rỡ đón chào năm mới.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Ra Bắc, vào Nam

Ra Bắc, vào Nam

(GLO)- Hơn nửa đời người, tôi loay hoay đi về giữa 2 miền Nam-Bắc. Miền Bắc là quê hương, là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Còn miền Nam là nơi tôi học tập và trưởng thành.