Bữa sáng ấm tình thầy trò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Ngày thứ năm yêu thương” là mô hình do Đoàn trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) triển khai từ đầu năm học 2023-2024 với hình thức nấu cho học sinh bữa sáng đầy đủ chất dinh dưỡng.

Sự quan tâm yêu thương của thầy cô trở thành niềm vui, động lực để các em học sinh tiếp tục gắn bó với trường lớp.

Thứ năm hàng tuần, thầy Nguyễn Viết Tài-Bí thư Đoàn trường thức dậy từ 4 giờ 30 phút rồi đến trường để chuẩn bị bữa ăn sáng miễn phí cho các em học sinh. Cẩn thận đặt nồi nước lên bếp gas để ninh xương, rau củ, thầy Tài lại tất bật nhặt rau, thái thịt. 6 giờ 30 phút, khi thầy Tài nấu nướng xong xuôi cũng là lúc học sinh đến bếp, xếp hàng ngay ngắn để nhận phần ăn sáng.

Những tô phở bò nóng hổi được các em đón nhận trong niềm hân hoan và ăn rất ngon miệng. Vừa nhanh tay phục vụ “thực khách”, thầy Tài vừa hỏi về khẩu vị cũng như việc học trên lớp của các em.

Học sinh Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) được ăn sáng miễn phí tại trường. Ảnh: M.N

Học sinh Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) được ăn sáng miễn phí tại trường. Ảnh: M.N

Phấn khởi khi được ăn bữa sáng ở trường, em Rơ Châm Lic (lớp 11A5) chia sẻ: “Nhà em ở xã Ia Kreng, cách trường khoảng 10 km. Để thuận lợi cho việc học, em được nhà trường hỗ trợ chỗ ở miễn phí tại khu tập thể Công an Ia Ly. Nhờ có bữa sáng của Đoàn trường, em được no bụng, yên tâm học tập”.

Còn em Rơ Châm Thinh (lớp 12A5) thì bày tỏ: “Thầy Tài nấu ăn rất ngon, món ăn thường xuyên thay đổi. Em rất vui vì được ăn sáng cùng các bạn. Thầy Tài thương học sinh, cổ vũ chúng em học tốt. Em thường đến sớm để phụ thầy chuẩn bị bữa sáng cho mọi người”.

Chia sẻ về ý tưởng “Ngày thứ năm yêu thương”, thầy Tài cho hay: “Đầu năm học, Đoàn trường khảo sát hoàn cảnh khó khăn của học sinh để có hình thức giúp đỡ phù hợp. Nhận thấy nhiều em học sinh người dân tộc thiểu số vì gia đình khó khăn, tiết kiệm tiền tiêu nên thường nhịn ăn sáng; trong khi bữa sáng là bữa ăn quan trọng trong ngày, giúp các em có thêm năng lượng để học tập tốt.

Vì thế, Đoàn trường đề xuất ý tưởng nấu bữa ăn sáng, tiếp thêm tinh thần cho các em vững bước, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh để học tập tốt hơn. Tôi có chút năng khiếu nấu ăn nên xung phong đảm nhận phần việc đứng bếp”.

Ý tưởng này khi Đoàn trường đề xuất được Ban Giám hiệu và Công đoàn nhà trường ủng hộ. Đoàn trường tận dụng 1 phòng học cũ để nấu ăn sáng cho học sinh. Bếp gas do thầy Tài mang đến.

Theo thầy Tài, nguyên liệu chuẩn bị từ chiều hôm trước, thực phẩm được lựa chọn kỹ càng, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tươi sống để cho ra bữa sáng chất lượng. Kinh phí duy trì bữa ăn sáng do các thầy-cô giáo đóng góp cùng sự hỗ trợ của các cựu học sinh và vận động Mạnh Thường Quân. Mỗi buổi sáng thứ năm, bếp ăn cung cấp khoảng 20-30 suất ăn sáng cho học sinh.

Trường THPT Ya Ly có 715 học sinh, trong đó có 376 học sinh người dân tộc thiểu số. Lúc mới triển khai, học sinh có chút e ngại, nhưng sau đó quen dần với suất ăn sáng miễn phí. Số lượng học sinh đăng ký ăn sáng đông lên nhưng vì kinh phí hạn hẹp nên Đoàn trường chỉ hỗ trợ được cho học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.

Những bữa ăn sáng giúp học sinh no bụng, gắn kết tình cảm thầy trò. Ảnh: Minh Nhật

Những bữa ăn sáng giúp học sinh no bụng, gắn kết tình cảm thầy trò. Ảnh: Minh Nhật

Bữa ăn sáng của các em được Đoàn trường luân phiên thay đổi hàng tuần, gồm các món: bánh mì trứng, bánh canh, mì xào, hủ tiếu, phở khô... Các món ăn được chế biến cẩn thận, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhận thấy mô hình ý nghĩa, các thầy-cô giáo thường xuyên đến trường sớm để hỗ trợ thầy Tài nấu ăn sáng. Sau khi ăn sáng xong, các em học sinh tự rửa bát, sắp xếp vào vị trí trên kệ.

Để tạo không gian gần gũi cho bếp ăn, Đoàn trường trang trí phòng ăn bằng những hình ảnh về hoạt động tình nguyện, thầy cô đứng bếp...

Thầy Tài chia sẻ: “Đoàn trường cố gắng duy trì mỗi tuần 1 bữa sáng miễn phí cho học sinh; đồng thời, triển khai hoạt động gây quỹ bằng hình thức: bán nước, đồ ăn vặt, đồ handmade… để tăng số lượng suất ăn, chất lượng và bữa ăn trong tuần. Dẫu có chút vất vả nhưng chúng tôi thấy vui vì giúp học trò có bữa sáng ấm lòng, ngon miệng”.

Thầy Lê Văn Lai-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Để đồng hành cùng các em học sinh, nhiều năm nay, Đoàn trường đã liên kết với Công an thị trấn Ia Ly bố trí chỗ ở miễn phí cho 50 học sinh khó khăn. Đồng thời, mô hình “Ngày thứ năm yêu thương” triển khai từ đầu năm học đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Mỗi tuần một bữa sáng chứa đựng biết bao tình cảm thầy trò, giúp các em có thêm tinh thần, năng lượng học tập. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng sự ân cần, quan tâm, sẻ chia của giáo viên và những tấm lòng yêu thương con trẻ giúp các em học sinh thêm yêu lớp, mến trường, tích cực rèn luyện, học tốt.

Có thể bạn quan tâm

"Bữa sáng yêu thương" do Đoàn phường Cheo Reo triển khai đã giúp các em học sinh nghèo thêm yêu trường, mến lớp, đi học chuyên cần. Ảnh: V.C

Mang "Bữa sáng yêu thương" đến với học sinh nghèo

(GLO)- Những “Bữa sáng yêu thương” do tuổi trẻ phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) triển khai tại 2 điểm lẻ của Trường Mầm non Hoa Hồng đã và đang lan tỏa tình yêu thương, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, tiếp tục gắn bó với trường lớp.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường học có cổng ra vào nằm cạnh đường quốc lộ và tỉnh lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

(GLO)- Suốt 7 năm công tác tại điểm trường làng Châu (Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro), cô Huỳnh Thị Cẩm Hồng luôn vượt khó kiên trì bám lớp. Càng thương học trò, cô càng quyết tâm "ươm mầm" tri thức, giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.