Bộ Công an đề nghị 8 ngân hàng sao kê tài khoản anh em tỉ phú Trịnh Văn Quyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị 8 ngân hàng cung cấp hồ sơ mở tài khoản và giao dịch của 3 anh em tỉ phú Trịnh Văn Quyết và một số lãnh đạo FLC để điều tra.

Ngày 8.4, một nguồn tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an vừa có văn bản gửi Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đề nghị phối hợp cung cấp hồ sơ mở tài khoản, sao kê tài khoản, sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch để phục vụ công tác điều tra vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP chứng khoán BOS và các công ty liên quan.

 

 Lực lượng thuộc Bộ Công an khám xét trụ sở Tập đoàn FLC hôm 29.3 - Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Lực lượng thuộc Bộ Công an khám xét trụ sở Tập đoàn FLC hôm 29.3 - Ảnh: Đậu Tiến Đạt


Trong văn bản, C01 nêu rõ các trường hợp Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC; Trịnh Thị Thuý Nga, Phó tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán BOS; Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC; Hương Trần Kiều Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán BOS; Bùi Hải Huyền, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC…

Danh sách này còn bao gồm nhiều pháp nhân khác liên quan đến Tập đoàn FLC mở tại nhiều địa phương.

Bà Trịnh Thị Thuý Nga và Trịnh Thị Minh Huế là em gái của tỉ phú Trịnh Văn Quyết.

Trước đó, từ ngày 29.3 đến 5.4, C01 đã lần lượt khởi tố, bắt tạm giam các bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Thuý Nga và Trịnh Thị Minh Huế để điều tra về tội danh “thao túng thị trường chứng khoán”, quy định tại điều 211 bộ luật Hình sự.

Bước đầu C01 xác định, bị can Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan đã có các hành vi che giấu thông tin về hoạt động chứng khoán, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, từ ngày 1.12.2021 đến ngày 10.1.2022, bị can Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP chứng khoán BOS (Công ty CK BOS) và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất lớn. Mục đích nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

Các tài khoản đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, đặt mua 12% tổng khối lượng đặt mua và khớp mua 2,84% tổng khối lượng khớp mua toàn thị trường; đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng đặt bán và khớp bán chiếm 12% tổng khối lượng khớp bán toàn thị trường.

Tại các phiên tăng giá, nhóm 21 tài khoản chứng khoán đặt mua với tổng khối lượng 77% tổng khối lượng đặt mua của nhóm. Tại các phiên giảm giá, nhóm đặt bán với tổng khối lượng 94,% tổng khối lượng đặt bán của nhóm. Mục đích đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1.12.2021 lên giá cao nhất 24.050 đồng/cổ phiếu (trung bình là 22.586 đồng/cổ phiếu, tăng 64%).

Sau đó, bị can Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỉ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỉ đồng.

Theo THÁI SƠN (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.