Biến bãi bồi thành vườn rau xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần chục năm nay, 5 cựu chiến binh ở tổ 10 (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) cùng nhau thuê đất của UBND phường để xây dựng nên vùng rau an toàn ngoài bãi bồi sông Ayun. Nhờ trồng rau, họ có được cuộc sống ổn định và nuôi dạy con cháu nên người; đồng thời hỗ trợ người dân địa phương cùng vươn lên làm giàu.
XANH MƯỚT VƯỜN RAU
Đứng trên đường Trường Sơn Đông phóng tầm mắt về phía bờ sông Ayun có thể thấy khu đất khi xưa là xóm lò gạch nay đã định hình một vùng rau xanh trải dài ngút mắt. Đây là vùng đất dự phòng (đất 5%) do UBND phường Đoàn Kết quản lý và cho hơn chục hộ dân thuê lại để trồng rau xanh. Những người dân nơi đây kể rằng để có được vùng rau hơn 3 ha như bây giờ là nhờ các cựu chiến binh (CCB) quê tận Bắc Giang, Bắc Ninh vào trồng rồi hướng dẫn người dân địa phương làm theo.
Ông Lê Quang Mạnh (bìa trái) và ông Dương Văn Huynh kiểm tra vườn rau. Ảnh: Đ.P
Ông Lê Quang Mạnh (bìa trái) và ông Dương Văn Huynh kiểm tra vườn rau. Ảnh: Đ.P
Cựu chiến binh Lê Quang Mạnh là một trong những người tiên phong trồng rau tại đây. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ông Mạnh từng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc ở mặt trận Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang). Sau khi biên giới tạm yên, ông trở thành thương binh hạng 4/4, về quê lấy vợ sinh con. Đầu năm 2002, ông Mạnh đưa vợ và 3 con vào lập nghiệp ở vùng bãi bồi ven sông Ayun thuộc phường Đoàn Kết. “Tôi là con nhà binh, lớn lên từ ruộng đồng nên khi vào đây gặp vùng đất phù sa màu mỡ liền nghĩ ngay đến chuyện trồng rau sinh sống. Khoan giếng để lấy nước tưới, rồi kéo điện, lắp hệ thống béc phun để giảm bớt công sức, vợ chồng tôi cặm cụi suốt ngày canh tác 3 sào rau xanh các loại. Mùa nào thức nấy, bình quân thu nhập ổn định 500.000 -1.000.000 đồng/ngày, đủ trang trải cuộc sống gia đình và nuôi 3 con khôn lớn, trong đó có 2 đứa đã học xong đại học”-ông Mạnh chia sẻ.
Sau đó, ông Mạnh rủ thêm 4 đồng đội cũ ở quê cùng vào trồng rau, lập nghiệp. Các ông thuê đất của phường Đoàn Kết mỗi hộ 2-3 sào liền kề để trồng rau. Cặm cụi bắt sâu cho vườn rau xà lách xanh mướt kế bên vườn ông Mạnh, CCB Dương Văn Huynh tâm sự: “Trồng rau an toàn như nuôi con mọn, suốt ngày cặm cụi ngoài vườn để bắt sâu bọ phá hại chứ không được phun thuốc trừ sâu. Chúng tôi trồng đủ thứ rau nên ngày nào cũng có hàng chở ra chợ bán cho tiểu thương. Bây giờ nhà nào cũng có dàn bơm tưới bằng béc phun và sắm máy cày loại nhỏ làm đất nên đỡ vất vả hơn trước nhiều. Làm rau chỉ trông được giá thôi, chứ kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc sao cho rau xanh tốt, năng suất cao thì chúng tôi đã thuộc nằm lòng rồi”.
XÂY DỰNG NÔNG HỘI RAU XANH
Theo quan sát của P.V, vùng rau xanh rộng hơn 3 ha ngoài bãi bồi ven sông Ayun của hơn 10 hộ đều liền thửa với nhau mà không có hàng rào ngăn cách. Họ chỉ phân biệt ranh giới bằng các luống rau riêng biệt hoặc 1 bờ đất nhỏ để làm lối đi lại, vận chuyển rau. Ông Nguyễn Đức Bắc-Chủ tịch UBND phường Đoàn Kết-cho hay: “Việc sản xuất liền ô, liền thửa như thế tạo điều kiện thuận lợi để địa phương quy hoạch nơi đây thành vùng chuyên canh rau an toàn. Vài năm trước, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ các hộ dân triển khai mô hình sản xuất rau an toàn. Với nòng cốt là các hộ CCB, chúng tôi đang xúc tiến thành lập Nông hội chuyên canh rau an toàn ở khu vực này để giúp liên kết, phát triển nghề trồng rau”.
Ông Lê Đắc Liệu đang tưới rau. Ảnh: Đ.P
Ông Lê Đắc Liệu đang tưới rau. Ảnh: Đ.P
Cựu chiến binh Lê Đắc Liệu cũng là một trong những người đầu tiên trồng rau ở khu đất này. Ông cho hay: Vườn rau của ông rộng 2.000 m2 với các loại như: bắp cải, đậu cô ve, hành lá, tía tô… “Anh em CCB chúng tôi tiên phong trồng rau trước, người dân địa phương dần kéo ra làm theo như các ông Siu Hiếu, Nay Rcom Then (tổ 10 )..., mỗi nhà trồng hơn 2 sào rau cho thu nhập ổn định, nuôi con ăn học nên người”-ông Liệu cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội CCB phường Đoàn Kết Nguyễn Hữu Lại bày tỏ: “Các hội viên CCB trồng rau không chỉ có thu nhập ổn định mà còn tham gia sinh hoạt đều đặn và tích cực xây dựng địa phương. Tới đây, khi thành lập Nông hội chuyên canh rau an toàn, các CCB sẽ cùng người dân địa phương sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ để phát triển nghề trồng rau”.
ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần Phát triển Yến Xuân Cao Nguyên hiện có khoảng 20 dòng sản phẩm yến sào. Ảnh: H.T

Nâng tầm sản phẩm yến sào Gia Lai

(GLO)-Với điều kiện khí hậu mát mẻ, nguồn thức ăn dồi dào, khu vực phía Tây tỉnh Gia Lai đang trở thành một trong những vùng trọng điểm phát triển nghề nuôi yến. Để yến sào Gia Lai vươn xa, các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng, quảng bá thương hiệu.

Sâm khỏe Kbang cần được bảo tồn và khai thác có hiệu quả

Sâm khỏe Kbang

(GLO)- Mới đây, một bạn từ Kbang gửi cho ít sâm khỏe đã được sơ chế. Bạn còn nhắn tin nhắc nếu ngâm rượu thì hãy ngâm sớm, còn nếu để dành nấu nước uống dần thì hãy phơi lại dưới nắng nhẹ.

Cây dừa xiêm "bén duyên" với vùng đất Ia Dom

Cây dừa xiêm "bén duyên" với vùng đất Ia Dom

(GLO)- Sau nhiều năm tìm kế mưu sinh khắp nơi, anh Dương Văn Thiết (SN 1976, thôn Cửa Khẩu, xã Ia Dom, tỉnh Gia Lai) đã chọn vùng biên viễn làm bến đỗ cho gia đình nhỏ. Không chỉ phát triển chăn nuôi, anh đã mạnh dạn khởi nghiệp với cây dừa xiêm-giống cây mới hứa hẹn mang lại thu nhập ổn định.

Cú hích cho nông sản Gia Lai

Cú hích cho nông sản Gia Lai

(GLO)- Lần đầu tiên tham gia chương trình OCOP, 5 sản phẩm đến từ Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (xã Kon Gang, tỉnh Gia Lai) đều đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia, đây có thể coi là thành tích chưa từng có tiền lệ.

Cơ hội để doanh nghiệp vươn ra biển lớn

Cơ hội để doanh nghiệp vươn ra biển lớn

(GLO)- Sau khi hợp nhất 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định thành tỉnh Gia Lai (mới), các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đặt kỳ vọng điều này sẽ mở ra cơ hội phát triển, giúp doanh nghiệp đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Phương pháp rang thủ công sẽ giữ lại vị ngọt, bùi và vị ngậy đặc trưng mà không loại hạt điều công nghiệp nào sánh bằng. Ảnh: Vũ Thảo

Giữ lại tinh túy trong từng hạt điều sẻ

(GLO)- Sản xuất theo phương pháp rang củi thủ công truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm với nhiều hương vị mới lạ, một nhà sản xuất ở Gia Lai đang nuôi ước mơ đưa hạt điều địa phương với hương vị đặc trưng vươn xa.

null