Sớm tháo gỡ vướng mắc cho thủy lợi Ia Mơr - Kỳ 2: Mong mỏi nguồn nước tưới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến nay, công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr (hợp phần 2 của dự án Công trình thủy lợi Ia Mơr) đã hoàn thành các hạng mục quan trọng. Hiện hệ thống kênh chính Tây và chính Đông 2 đang trong giai đoạn thi công. Người dân mong chờ các hạng mục công trình sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để được thụ hưởng nguồn nước tưới như mục tiêu dự án đã đề ra.
Kỳ vọng từ hồ chứa nước vùng biên
Dưới ánh nắng chói chang của tiết trời tháng 3 nơi biên giới, từng tốp công nhân vẫn đang chăm chỉ làm việc. Những chiếc máy xúc vươn “cánh tay sắt” múc từng gàu đất tạo ra những đường kênh thẳng tắp. Rãnh mương tạo đến đâu, từng tốp công nhân chia nhau thực hiện từng công đoạn thi công đến đó. Nhóm thì dùng cuốc, xẻng xén lại 2 bờ kênh cho bằng phẳng; nhóm thì cố định những thanh sắt phi lớn uốn sẵn rồi chèn các tấm lưới sắt vào những ô trống giữa các thanh đà sắt. Trên bờ kênh, máy trộn bê tông đã chờ sẵn, từng dòng bê tông tuôn chảy, được san gạt phẳng lì bởi những tay thợ lành nghề.
  Kênh dẫn nước khô cạn vì công trình hồ chứa thủy lợi Ia Mơr chưa phát huy hiệu quả. Ảnh: M.N
Kênh dẫn nước khô cạn vì công trình hồ chứa thủy lợi Ia Mơr chưa phát huy hiệu quả. Ảnh: M.N
Ông Dương Quốc Trung-Phó ban chỉ huy công trình (Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa) cho hay: Đơn vị đang thực hiện một trong 6 gói thầu thi công kênh chính Đông đấu nối với hồ chứa thủy lợi Ia Mơr (có chiều dài 9,8/35 km) gồm các hạng mục kênh, dưới kênh và cầu máng kênh. Đến nay, đơn vị đã thi công khoảng 40% khối lượng công trình, dự kiến hoàn thành và bàn giao cuối năm nay. Tuy nhiên, đơn vị vẫn còn vướng mặt bằng thi công khoảng 2 km. Đây là phần diện tích đất lâm nghiệp bị 8 hộ dân xâm canh làm rẫy nhưng đến nay vẫn chưa chịu bàn giao cho địa phương để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hòa-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thủy lợi Ia Mơr (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Sau khi hoàn thành công trình hồ chứa nước Plei Pai và đập dâng Ia Lốp, cuối năm 2010, hồ chứa Ia Mơr mới được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định an sinh xã hội nên công trình phải tạm hoãn thi công gần 3 năm. Đến năm 2014, Chính phủ mới bố trí bổ sung trên 575 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trung hạn (2014-2016) cho thủy lợi Ia Mơr để tiếp tục thi công trở lại. Đến nay, cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr đã hoàn thành nhiều hạng mục và chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng.
Hồ chứa nước Ia Mơr có diện tích mặt nước 2.850 ha với tổng dung tích trên 177 triệu m3, phục vụ nước tưới cho 12.500 ha cây trồng các loại, trong đó có 8.500 ha thuộc địa bàn huyện Chư Prông và 4.000 ha của huyện Ea Soup (tỉnh Đak Lak). Ngoài ra, hồ chứa này còn cung cấp nước sinh hoạt cho 50 ngàn dân trong vùng dự án, giúp giảm lũ vùng hạ du, nuôi trồng thủy sản, phát triển thủy điện nhỏ, du lịch.
Nói về công trình thủy lợi thuộc dạng “siêu khủng” trên địa bàn Tây Nguyên này, ông Hòa khẳng định: “Hiện nay, hồ chứa Ia Mơr đã hoàn thành, hệ thống kênh chính Đông, chính Tây thi công đạt 40-50%. Từ 2 kênh dẫn này sẽ hình thành những kênh nhánh hình xương cá đưa nước tới từng diện tích đồng ruộng theo quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số hộ dân xâm canh chưa chịu bàn giao đất, gây khó khăn trong việc thi công. Nếu công tác giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi thì công trình chắc chắn sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020”.
Mong sớm đưa vào sử dụng
Sau gần 15 năm từ khi có chủ trương xây dựng, đến nay, dự án Công trình thủy lợi Ia Mơr đã cơ bản hoàn thành những hạng mục quan trọng cùng các công trình đầu mối. Hơn bao giờ hết, người dân vùng biên luôn mong chờ công trình sớm được đưa vào hoạt động để thoát cảnh chạy hạn.
Công trình hồ chứa nước Ia Mơr đã hoàn thành trong khi hệ thống kênh chính và vùng tưới chưa có khiến công trình không phát huy hiệu quả. Ảnh: M.N
Công trình hồ chứa nước Ia Mơr đã hoàn thành trong khi hệ thống kênh chính và vùng tưới chưa có khiến công trình không phát huy hiệu quả. Ảnh: M.N
Ông Siu Brông-Phó Trưởng thôn Hnáp (xã Ia Mơr) chia sẻ: Gia đình ông sản xuất hơn 1 ha lúa nước 1 vụ nhưng do phụ thuộc nước trời nên thu hoạch bấp bênh. Khi thủy lợi Ia Mơr triển khai xây dựng, tích nước dồi dào, bà con trong làng rất phấn khởi và mong nước sớm về cánh đồng để khai hoang ruộng đồng, sản xuất lúa nước 2 vụ. Ông Kpă Mi (làng Khôi, xã Ia Mơr) cũng chia sẻ: Cả làng có 68 hộ đều sản xuất lúa 1 vụ và lúa rẫy. Do vậy, bà con ở đây ai cũng mong mỏi công trình sớm hoàn thành hệ thống kênh mương dẫn nước về ruộng giúp bà con yên tâm sản xuất 2-3 vụ lúa/năm. “Có kênh thủy lợi, người dân có thể mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, chứ như hiện nay ngoài làm lúa 1 vụ ra thì người dân chẳng biết trồng cây gì”-ông Mi nói. 
Tuy nhiên, dự án hiện đang gặp phải vướng mắc liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng thành đất sản xuất (các khu tưới). Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh gần đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Dự án Thủy lợi Ia Mơr đã và đang thực hiện theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ và lộ trình đề ra. Việc chuyển đổi đất rừng thành đất sản xuất cũng đã được xác định ngay từ khi phê duyệt dự án. Tuy nhiên, qua thời gian dài thi công, nhiều bộ luật, nghị quyết và các cơ chế, chính sách đã thay đổi. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm xử lý vướng mắc và điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để xin chủ trương chuyển đổi diện tích này thành khu sản xuất theo quy hoạch ban đầu.         
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho hay: Hầu hết người dân trong xã đều mong muốn sớm quy hoạch đồng ruộng để sản xuất lúa nước ổn định. Việc chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang đất sản xuất nông nghiệp được các hộ dân hưởng ứng. Về lâu dài, chính họ là những người được hưởng lợi từ công trình phục vụ sản xuất lúa nước, cây công nghiệp, cây ăn quả, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, tạo thêm ngành nghề mới từ đại công trình thủy lợi này. Đặc biệt, người dân có thể tham gia khai thác nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch…
Trao đổi với P.V, ông Phạm Vũ Tú-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-chia sẻ: “Chính quyền địa phương và người dân đang rất mong trên địa bàn sớm hình thành những cánh đồng lúa nước cùng hệ thống kênh mương dẫn nước đến từng chân ruộng. Nhiệm vụ quan trọng nhất của địa phương hiện nay là tập trung giải phóng mặt bằng, khảo sát khu tưới để sớm đưa công trình vào hoạt động theo đúng mục tiêu mà dự án đề ra”.
 NGUYỄN DIỆP-MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.