Báo chí hoang mang vì thuế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 19 bãi bỏ Thông tư 150/2010 hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí. Những quy định bãi bỏ này sẽ khiến các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới.

Doanh thu quảng cáo báo chí ngày càng giảm

Đầu năm 2023, Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết kết quả khảo sát của Cục Báo chí với 158 cơ quan báo chí in và điện tử cho thấy, trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu của những đơn vị này đều giảm.

Trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020, từ 2.855 tỉ đồng xuống 1.952 tỉ đồng. Tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỉ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỉ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh chỉ còn 170 tỉ đồng.

Cơ quan báo chí sẽ thêm khó khăn khi Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư 150/2010 về thuế đối với báo chí mà chưa có hướng dẫn kịp thời và phù hợp. Ảnh: KHẢ HÒA
Cơ quan báo chí sẽ thêm khó khăn khi Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư 150/2010 về thuế đối với báo chí mà chưa có hướng dẫn kịp thời và phù hợp. Ảnh: KHẢ HÒA

Theo đại diện Cục Báo chí, có một thực tế rằng dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, thì vẫn chủ yếu dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%. Thế nhưng, nguồn thu này giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. Đại diện cơ quan quản lý báo chí cho rằng nếu chỉ trông chờ và phụ thuộc vào quảng cáo, các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu. Điều này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) ngày càng tìm đến các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google…

Theo các báo phản ánh thì thực tế hoạt động xuất bản, phát hành của hầu hết các báo đều bị lỗ, chỉ có lãi đối với hoạt động khác như sự kiện, tài chính… mà nếu không được bù trừ với hoạt động báo chí là điều bất hợp lý.

Thế nhưng, Thông tư 150/2010 (TT150) vừa mới bãi bỏ khiến cơ quan báo chí càng thêm khó khăn. Kế toán một đơn vị báo chí cho biết, TT150 trước đây đã tạo điều kiện cho cơ quan báo chí khi cho phép trường hợp bán báo và quảng cáo không đủ bù đắp chi phí, nên phải tính chung phần thu từ các hoạt động khác như thu tài chính, các chương trình hội thảo, sự kiện.

Đặc biệt, TT150 cho phép cơ quan báo chí được tính "chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp".

Nhờ thông tư này mà cơ quan báo mới đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho cán bộ phóng viên làm việc. Thế nhưng nay TT150 bãi bỏ, các cơ quan báo chí chưa biết phải thực hiện theo quy định nào. Nếu không được tính chi phí tiền lương thực nhận của cán bộ phóng viên vào chi phí hợp lý hợp lệ thì sẽ rất thiệt thòi cho cơ quan báo chí có tự chủ kinh phí, không hưởng lương từ ngân sách. Trong trường hợp này, thu nhập của người lao động trong cơ quan báo chí sắp tới có nguy cơ sẽ còn giảm mạnh.

Trao đổi về việc cơ quan báo chí sẽ thực hiện theo quy định nào sau khi TT150 được bãi bỏ, đại diện Tổng cục Thuế cho biết sẽ có phản hồi sớm.

Ảnh: KHẢ HÒA
Ảnh: KHẢ HÒA

Gánh nặng thuế ngày càng tăng

Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho biết vào những năm 1999 - 2000, rất nhiều cơ quan báo chí phản ánh khó khăn khi thực hiện thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN.

Thời điểm đó, các cơ quan báo chí nộp thuế, cuối năm sẽ được cấp lại một khoản, nên có lỗ đi nữa cũng đã phải nộp thuế rồi. Để giải quyết những khó khăn này, Bộ Tài chính đã ban hành TT150, lần đầu tiên có văn bản hướng dẫn cụ thể về thực hiện thuế đối với cơ quan báo chí gồm báo in, báo hình, báo nói. Ngoài ra, nguồn tài chính của từng báo cũng khác nhau như tự chủ kinh phí, tự chủ một phần hay ngân sách nhà nước cấp. Chính vì vậy, thu nhập, hạch toán khác nhau nên TT150 đã gỡ bỏ những vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn cho cơ quan báo chí, nhất là những đơn vị có thu.

"Bộ Tài chính căn cứ theo luật Thuế GTGT, luật Thuế TNDN sửa đổi bổ sung năm 2013 thì cũng cần sửa đổi bổ sung TT150 cho phù hợp chứ không nên bãi bỏ cả thông tư. Cơ quan báo chí là cơ quan đặc thù, còn mang tính chính trị xã hội sâu sắc, do đó cần có thông tư hướng dẫn riêng, chứ tính chung như DN thì cần xem xét một cách đầy đủ, rõ ràng để có thể thực hiện. Nếu không, sẽ gây gánh nặng thuế cho cơ quan báo chí", ông Tú nhấn mạnh và dẫn chứng cơ quan báo chí có hoạt động vừa không chịu thuế GTGT (bán báo) nhưng cũng có hoạt động chịu thuế GTGT như quảng cáo, hoạt động khác.

TT150 quy định "báo tự đảm bảo chi phí hoạt động được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định hình thành từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của báo và tài sản cố định dùng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT". Do đó, nếu bỏ quy định này thì sẽ bất cập cho báo.

Tương tự, TT150 cho phép: "Chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của báo là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp".

Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, cơ quan báo chí lúc thì được xem như hoạt động của một DN, nhưng lúc thì xem là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu. Nếu áp dụng mô hình DN thì toàn bộ chi phí tiền lương của cơ quan báo chí sẽ được đưa vào chi phí hợp lý hợp lệ. Thế nhưng, nếu ở góc độ sự nghiệp có thu thì hệ số lương năng suất, tiền làm đêm… sẽ không được đưa vào chi phí lương trước khi tính thuế TNDN. Điều này dẫn đến thu nhập sau thuế của các đơn vị báo chí tăng và phải nộp thuế TNDN nhiều hơn so với các DN khác có doanh thu tương đương. Hiện TT150 chính thức bị bãi bỏ thì cần có thông tư khác thay thế, chứ không sẽ gặp lúng túng trong khâu thực hiện. Đó là chưa kể gây ra bất cập đối với công tác thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng đối với báo chí. Lúc này xác định cơ quan báo chí là DN hay sự nghiệp có thu để áp dụng quy định cho chính xác.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng việc Bộ Tài chính bãi bỏ TT150 và cho biết các quy định được áp dụng thống nhất theo luật Thuế GTGT, luật Thuế TNDN hiện hành là đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong các quy định của 2 luật thuế nêu trên, thì tất cả loại hình DN, tổ chức đều được tính chung tất cả doanh thu trong hoạt động để xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Vì vậy, các báo tất nhiên cũng phải được áp dụng tương tự. Ví dụ như thu nhập từ quảng cáo, doanh thu tài chính, hội thảo, sự kiện… thì cũng tính chung vào thu nhập và để bù đắp chi phí cho tất cả hoạt động của cơ quan báo. Tương tự, khi đã áp dụng thống nhất theo luật thì mọi chi phí của báo có chứng từ hợp lệ, hợp pháp, bao gồm chi phí lương thực tế trả cho người lao động cũng phải được tính vào chi phí chung trước khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Với một DN hay tổ chức nào tự kinh doanh, tự đảm bảo kinh phí thì các chi phí phải được khấu trừ trước khi nộp thuế. Trong đó, cơ chế lương thưởng, đãi ngộ cho người lao động là do tổ chức tự quyết định và thỏa thuận với người lao động. Với cơ quan báo chí không lấy từ ngân sách để trả lương cho nhân viên thì tại sao phải hạn chế chỉ theo ngạch bậc áp dụng cho viên chức nhà nước? Nếu vậy làm sao thu hút được người lao động. Đây là điều phi lý. Nếu cơ quan thuế có định nghĩa báo chí là một loại hình kinh doanh khác biệt thì phải nêu rõ theo quy định, điều luật nào? Nếu không thì báo chí tự chủ về kinh phí hoạt động (không hưởng ngân sách nhà nước) thì sẽ áp dụng theo quy định của luật Thuế GTGT và luật Thuế TNDN hiện hành.

Luật sư Trương Thanh Đức

Có thể bạn quan tâm