(GLO)- Vừa qua, Báo Gia Lai nhận được đơn kêu cứu của bà Phan Thị Ngọc, cư trú tại xã Kim Tân, huyện Ia Pa với nội dung “Nhiều cán bộ Công an đánh trẻ em vô tội, đánh nhiều lần gây thương tích”.
Phóng viên Báo Gia Lai đã đến gặp bà Ngọc và các bên liên quan để xác minh sự việc.
Đánh người vì một điếu thuốc
Lá đơn kêu cứu của bà Phan Thị Ngọc. Ảnh: Nguyễn Tú |
Theo đơn bà Ngọc trình bày thì vào lúc 17 giờ, ngày 14-6-2013 con trai bà là anh Nguyễn Thế Chung (SN 1996) cùng với Đinh Văn Tú, Dương Đức Sáng, Nguyễn Văn Tú, Hiếu và bạn gái Hiếu góp tiền đi hát karaoke tại nhà hàng Trang Vi tại khu trung tâm huyện Ia Pa.
Sau khi hát xong, người bạn tên Hiếu chở bạn gái về nhà ở xã Ia Ma Rơn. Nguyễn Thế Chung ra ngoài phòng đứng chờ Hiếu quay lại thanh toán tiền đã hát karaoke cho quán, cùng lúc Chung gặp hai thanh niên hát karaoke phòng bên cạnh cũng đứng ở ngoài. Chung đã hỏi xin hai người một điếu thuốc và nhận được câu trả lời: Mày thích hút thuốc thì xuống Công an huyện mà xin.
Sau đó Chung bảo: Nếu vậy thì các anh đi đi. Chung vừa dứt lời, hai người này quay lại hỏi: Mày vừa nói gì? Chung đáp: Em hỏi xin một điếu thuốc chứ có làm gì mà các anh bảo em xuống đồn Công an. Lập tức, một trong hai người xông vào đánh nhiều lần vào mặt Chung, lúc này Chung bị đau và đánh lại người này, cùng lúc mấy người bạn Chung chạy ra và can ngăn được hai bên.
Sau đó, người vừa đánh Chung nói: Nếu mày thiếu tiền mua thuốc, anh cho tiền mua thuốc và đưa cho 200.000 đồng. Chung nhận tiền nhưng một người bạn tên Dương Đức Sáng đã lấy lại 200.000 đồng và trả lại cho người thanh niên đó. Người này nhận lại tiền rồi tiếp tục xông vào và đánh Chung chảy máu mồm, máu mũi. Vì bị những người bạn anh Chung tiếp tục can ngăn, người vừa đánh Chung đã bỏ đi ra ngoài đường và gọi điện thoại.
Chung và đám bạn ra lấy xe máy đi về. Trên đường về Chung lại bị người thanh niên vừa đánh mình cùng một người khác đuổi theo, đến đoạn đường gần Trường Nguyễn Tất Thành thì bị chặn lại, thấy vậy Chung sợ hãi bỏ xe chạy vào rừng cây bên đường, hai người kia đuổi theo một lúc thì dừng lại, không đuổi nữa. Chung chạy lên núi ngồi một lúc rồi về nhà ông Nghiêm (ở khu trung tâm huyện Ia Pa) gọi điện cho bạn là Nguyễn Văn Tú đến đón về và biết chiếc xe máy của mình bị những người đánh đập đưa lên gần Tượng đài huyện Ia Pa. Nguyễn Thế Chung đã nhờ một người tên Việt chở lên đó xin lại chiếc xe máy.
Đến nơi, Chung thấy hai người vừa đuổi theo mình và một người nữa đang ngồi nhậu. Họ bảo Chung ngồi xuống. Vừa ngồi xuống, Chung bị đám người này xông vào đánh vào ngực, mặt chảy máu mặt, mũi. Một lúc sau, người thanh niên đã đánh Chung tại quán karaoke hỏi Chung: Có phải là con của ông Nguyễn Thế Đảng, mày ra đây tao chở mày về với bố mẹ mày nói chuyện.
Chung lên xe ngồi và được chở về nhà. Tuy nhiên, 3 người này không chở Chung về nhà mà chở đến đoạn đường vào xã Kim Năng rồi dừng lại chỗ vắng người và tiếp tục đánh, khiến Chung chảy máu miệng, ngã gục xuống đường. Tiếp sau đó, ba người túm tóc, đánh thêm một lần nữa và to tiếng thách thức gia đình Chung. Sau đó, ba người chở Chung quay lại khu vực gần Tượng đài Ia Pa tiếp tục nhậu và bắt Chung quỳ, chờ nhậu xong mới cho về. Một lúc sau những người này cho Chung về nhà.
Đến ngày 16-6, gia đình bà Phan Thị Ngọc chuyển Chung lên cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 211. Ông Nguyễn Thế Đảng, bố anh Nguyễn Thế Chung cho biết: Ngày 15-6, một trong 3 người đã đánh Chung được ông Nguyễn Văn Hưởng-Trưởng Công an xã Kim Tân dẫn đến nhà ông để nhận sai vì đánh đập Chung và chịu mọi trách nhiệm chạy chữa cho con trai ông. Người thanh niên này cho biết tên là Linh, đồng thời nêu tên hai người thanh niên cùng tham gia đánh Chung là Duy và Cầu, cả 3 đều công tác tại Công an huyện Ia Pa.
Anh Nguyễn Thế Chung khẳng định trong đêm anh bị đánh, cả ba người Linh, Duy và Cầu đều mặc thường phục.
Lãnh đạo Công an huyện Ia Pa nói gì?
P.V đã gặp lãnh đạo Công an huyện để xác minh vấn đề bà Ngọc nêu trong đơn. Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Trịnh Văn Đạt-Đội trưởng Đội Tham mưu-Tổng hợp, cán bộ thanh tra thuộc Công an huyện Ia Pa xác nhận vụ việc trên là có thật. Và cho biết, sau khi nhận đơn tố cáo từ gia đình bà Phạm Thị Ngọc, lãnh đạo Công an huyện đã ký công văn gửi đến gia đình người bị hại thông báo đã nhận đơn tố cáo và mời gia đình bà Ngọc ngày 27-6-2013 đến Công an huyện để làm rõ vấn đề.
Đại diện gia đình đã thông báo lại cho lãnh đạo Công an huyện là chưa thể đến theo đúng giấy hẹn vì anh Chung đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 211. Đồng thời, yêu cầu 3 chiến sĩ có tên trong đơn tố cáo là Trung úy Bùi Văn Duy thuộc Đội An ninh, Thượng sĩ Phan Đức Linh thuộc Đội Tham mưu-Tổng hợp và chiến sĩ nghĩa vụ Nguyễn Văn Cầu viết bản tường trình về sự việc xảy ra ngày 14-6-2013. Anh Đạt cho biết thêm: Bản thân tôi cũng đã thay mặt lãnh đạo Công an huyện Ia Pa đến thăm hỏi, động viên ông Nguyễn Thế Đảng cùng gia đình.
Quan điểm của cơ quan Công an huyện Ia Pa là nếu có đánh người dân, ai đánh người dân thì cũng sẽ làm rõ, xử lý, kỷ luật thật nghiêm theo đúng quy định của pháp luật-ông Đạt nói.
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Ia Pa điều tra và làm rõ.
Nguyễn Tú