Xây dựng nông thôn mới: Nhiều khó khăn, thách thức

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Năm 2021, do tác động từ nhiều yếu tố bất lợi, nhất là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên 20 xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) không thể về đích như kỳ vọng. Cùng với đó, bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 nâng cao hơn so với trước đây. Đó là những khó khăn, thách thức không nhỏ mà các địa phương phải đối mặt trong quá trình xây dựng NTM.

Nhiều xã gặp khó

Năm 2021, toàn tỉnh có 20 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM. Điểm chung của các xã là qua nhiều năm thực hiện chương trình NTM đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên, một số xã đạt 18/19 tiêu chí. Tuy nhiên, đến hết quý I-2022, chỉ có 4 xã gồm: Hbông (huyện Chư Sê), Uar (huyện Krông Pa), Ia O và Ia Krai (huyện Ia Grai) hoàn thành hồ sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2021. Qua rà soát cho thấy, 16 xã còn lại khó về đích NTM bởi vướng một số tiêu chí như: thu nhập; hộ nghèo; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; y tế…

Ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: Năm 2021, 3 xã An Thành, Yang Bắc và Ya Hội đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, qua rà soát, cả 3 xã gặp khó ở một số tiêu chí như: thu nhập; hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật cùng một vài chỉ tiêu nhỏ trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.

 Thi công đường giao thông nội đồng tại xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Diệp
Thi công đường giao thông nội đồng tại xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Diệp


Về nguyên nhân xã An Thành chưa đạt chuẩn NTM, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phạm Thành Tú cho hay: Năm 2021, diễn biến thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến một số loại rau quả khó tiêu thụ, giảm giá. Theo đó, nguồn thu nhập của người dân sụt giảm. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tiêu chí thu nhập. Hiện thu nhập bình quân đầu người mới đạt hơn 35 triệu đồng/năm, trong khi quy định phải đạt 41 triệu đồng/năm.

Tại Kbang, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Thanh Sơn: 6 xã gồm: Kông Lơng Khơng, Lơ Ku, Đak Smar, Kon Pne, Krong, Đak Rong đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, qua rà soát thực tế, các địa phương này đều vướng vào tiêu chí thu nhập. Hiện thu nhập bình quân đầu người mới đạt 29-33 triệu đồng/năm. “Ngoài chịu ảnh hưởng chung bởi dịch Covid-19 thì việc thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 cũng tác động không nhỏ đến chương trình xây dựng NTM. Trước đây, cả 6 xã đều thuộc vùng III. Tuy nhiên, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg thì 5 xã gồm: Kông Lơng Khơng, Lơ Ku, Đak Smar, Kon Pne và Krong không còn là xã vùng III. Để đạt chuẩn NTM thì mức thu nhập phải đạt 41 triệu đồng/người/năm. Không những vậy, các chính sách cho người dân xã vùng III bị cắt giảm nên nhiều tiêu chí khó thực hiện”-ông Sơn nói.

Tương tự, việc xây dựng NTM tại xã Chư Mố (huyện Ia Pa) cũng gặp nhiều khó khăn. Qua rà soát, đến cuối năm 2021, xã đạt 14/19 tiêu chí, còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm: thủy lợi, trường học, thu nhập, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm. Ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-thông tin: Người dân xã Chư Mố chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Từ tháng 4 đến 6-2021, nắng hạn kéo dài khiến gần 200 ha lúa không đủ nước tưới, khoảng 600 ha mì bị ảnh hưởng. Đặc biệt, nhận thức của người dân về xây dựng NTM còn hạn chế nên quá trình triển khai gặp nhiều trở ngại.

Không chỉ các xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2021 mà các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao của 2 huyện Kbang và Đak Pơ đến thời điểm này cũng không đạt được kế hoạch đề ra.

Khó khăn, thách thức

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 với nhiều tiêu chí cao hơn so với bộ tiêu chí cũ. Đây là thách thức không nhỏ trong quá trình xây dựng NTM của các địa phương trong những năm tới. Đến thời điểm này, chưa có huyện nào đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2022 và mới có 4 xã có văn bản đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm nay.

Năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá ớt giảm khiến thu nhập của người dân xã An Thành( huyện Đak Pơ) sụt giảm. Ảnh: Nguyễn Diệp
Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên giá ớt giảm khiến thu nhập của người dân xã An Thành (huyện Đak Pơ) đạt thấp. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM đều là những địa phương có điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế. Giai đoạn 2021-2025, các xã còn lại sẽ gặp nhiều trở ngại hơn vì điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn. Trong khi đó, theo bộ tiêu chí mới, mức thu nhập phải đạt từ 44 triệu đồng/người/năm, một số chỉ tiêu khác cũng cao hơn.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang thì cho hay: Trong giai đoạn 2021-2025, cùng với tập trung duy trì các tiêu chí đạt được, huyện sẽ hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn NTM và 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Ngọc Huyền-Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh-cho biết: Đến thời điểm này, có 4 xã đã hoàn chỉnh hồ sơ để được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2021, các xã còn lại chưa hoàn thiện hồ sơ. Nguyên nhân không đạt chuẩn là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số xã từ vùng III lên vùng I nên ảnh hưởng đến nhiều tiêu chí như: thu nhập, hộ nghèo, bảo hiểm y tế, giáo dục… Không những vậy, đến cuối tháng 9-2021, Trung ương mới phân bổ kinh phí xây dựng NTM nên việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Huyền, thời gian tới, các sở, ngành phụ trách tiêu chí cần tiếp tục phấn đấu thực hiện chương trình. Đặc biệt, theo bộ tiêu chí mới, các huyện cần điều chỉnh đề án, kế hoạch xây dựng NTM cho phù hợp. Một số xã đã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn trong năm nay.

 

 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.