Xanh mãi cánh "rừng làng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm nay, diện tích rừng giao cho người dân quản lý bảo vệ luôn giữ được một màu xanh tốt. Sức mạnh cộng đồng được phát huy, người dân luân phiên tuần tra làm nhiệm vụ gác rừng. Rừng được bảo vệ, đời sống người dân cũng được nâng lên nhờ vào số tiền chi trả từ Dịch vụ môi trường rừng.

Sức mạnh cộng đồng

 

Mới hơn 5 giờ sáng, già làng Đinh Hip (làng Klah, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) cùng con trai Đinh Hưt đã thức dậy, lục đục nấu cơm, nướng cá khô, chuẩn bị thức ăn, nước uống cho chuyến đi rừng. Từ khi làng giao khoán quản lý, bảo vệ gần 400 ha rừng thì những chuyến đi tuần tra rừng trở nên quen thuộc với cha con ông và người dân làng Klah.  

Trưởng thôn làng Klah Đinh Hưt cho biết: Với vai trò trưởng ban quản lý rừng cộng đồng của làng, anh đã tổ chức họp dân, thông báo đây là diện tích rừng mà làng được giao đất, giao rừng chăm sóc, quản lý và bảo vệ. Nhà nước hỗ trợ tiền nên dân làng không được chặt phá cây rừng, lấn đất rừng làm nương rẫy, phải cùng tham gia bảo vệ, phòng cháy-chữa cháy rừng. Người dân làng Klah đồng thuận lập quy ước nghiêm cấm mọi hoạt động phát, đốt phá rừng làm rẫy; khai thác lâm sản phụ sai quy định. Gần 100 đàn ông trong làng được chia thành 5 tổ (mỗi tổ từ 16 đến 20 người), thay phiên nhau đi tuần tra bảo vệ rừng.

Theo Trưởng thôn làng Klah Đinh Hưt, những năm trước việc lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, chặt cây về làm củi của người dân trong làng diễn ra thường xuyên. Nhưng từ lúc được giao rừng, nhận tiền dịch vụ môi trường rừng thì tình trạng này đã không còn. Số tiền dịch vụ môi trường rừng nhận được, thôn trưởng Hưt chia đều cho các hộ dân trong làng, nên ai cũng có trách nhiệm bảo vệ khu rừng của mình quản lý. Đối với những người “lỡ quên” hương ước làng, chặt phá cây rừng, đốt nương rẫy, lấy mật ong không đúng quy định… đều bị làng nhắc nhở, xử phạt bằng cách cắt khoản tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, đồng thời đưa ra kiểm điểm trước thôn làng.

 

Cũng nhờ thường xuyên tuần tra bảo vệ, đầu năm 2016, dân làng Klah kịp thời phát hiện vụ xâm chiếm đất rừng với quy mô gần 3ha, thu giữ 3 chiếc xe máy và 2 cưa máy. Ngồi dưới tán rừng xanh mát, lấy vội điếu thuốc ra đốt sau 1 buổi đi tuần, ông Đinh Chhưng chia sẻ: “Lúc trước, cứ mỗi tháng vào ngày 15 và 30, chúng tôi tổ chức đi tuần. Tuy nhiên, những kẻ có ý đồ xấu nhanh chóng nắm bắt được quy luật này nên thỉnh thoảng rừng vẫn bị xâm hại vào thời điểm trước và sau khi chúng tôi đi tuần tra. Rút kinh nghiệm này, người dân làng Klah chúng tôi không quy định ngày nào cụ thể mà có thể đi bất cứ lúc nào, thời điểm nào mà nhóm trưởng thông báo”.

Tương tự, hơn 2.228 ha rừng mà cộng đồng làng Pẹk, xã Ia Bă (huyện Ia Grai) hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai luôn được giữ một xanh tốt. Hơn 205 hộ dân làng Pẹk từ lâu đã xem việc giữ rừng như một phần không thể tách rời trong đời sống sinh hoạt và lao động của mình. Nếu người dân nào trong làng Pẹk cố tình vi phạm sẽ bị luật làng phân xử. Già làng Kpuih Nhen cho hay: “Gần đây, có 2 hộ dân trong làng lấn chiếm đất rừng, làng đã kết hợp với lâm trường tổ chức giáo dục, trừ tiền dịch vụ môi trường rừng của những hộ này, mua cây giống bắt họ trồng lại khoảnh rừng đã phá đó”.

 

Ông Võ Văn Hạnh-Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng: “Hiện trên địa bàn tỉnh có 25 cộng đồng dân cư thôn được giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Trong đó có 9 cộng đồng thuộc các tổ chức của nhà nước; 9 cộng đồng thuộc UBND các xã và 7 cộng đồng dân cư thôn là chủ rừng (được UBND huyện cấp sổ đỏ). Tính sơ bộ thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/năm đối với cộng đồng dân cư thôn thuộc các tổ chức nhà nước và 2,2 triệu đồng/người/năm đối với cộng đồng dân cư các xã. Tuy nguồn thu nhập chưa cao nhưng đây là nguồn lực có ý nghĩa đối với việc xóa đói giảm nghèo, góp phần cải thiện sinh kế của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sống gần rừng”.

Chính sách giảm nghèo bền vững

Ông Võ Đình Huy-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng khẳng định: Tính cộng đồng của người dân trong việc bảo vệ rừng rất cao, đặc biệt đây chủ yếu là những hộ dân sống gần rừng nên mỗi khi rừng bị xâm hại người dân sẽ nhanh chóng phát hiện và thông báo chính quyền địa phương. “Gần 400 ha rừng được người dân làng Klah bảo vệ luôn xanh tốt, chúng tôi đã khảo sát và sắp tới sẽ đề xuất nhân rộng mô hình này bằng hình thức ký hợp đồng giao khoán đối với  2  làng Ktu và Deng”- ông Huy cho biết.

Một lý do khác cũng được ông Huy chia sẻ: Hiện tại, UBND xã quản lý bảo vệ hơn 1.200 ha rừng. “Diện tích rừng lớn, lực lượng giữ rừng mỏng, chủ yếu là các cán bộ đoàn thể xã kiêm nhiệm nên việc tuần tra bảo vệ rừng không được thường xuyên và không hiệu quả bằng người dân. Chỉ có nhờ sức mạnh cộng đồng thì rừng mới không bị xâm hại. Rừng được giữ cũng nhờ vào chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân được kịp thời”- ông Huy khẳng định.

Tương tự, ông Nguyễn Trường Hải-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai xác nhận: Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rùng đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với người dân tộc thiểu số. “Qua kiểm tra rừng tại các làng nhận giao khoán, chúng tôi cho rằng nên tăng cường giao khoán đối với các hộ dân sống gần rừng, người dân vừa có thu nhập mà môi trường sinh thái rừng cũng bền vững hơn”.

 

Những cánh rừng được người dân quản lý, bảo vệ luôn giữ được màu xanh tốt. Ảnh: M.N
Những cánh rừng được người dân quản lý, bảo vệ luôn giữ được màu xanh tốt. Ảnh: M.N

Theo ông Hải, trong diện tích gần 15.000 ha rừng cung ứng, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai đã hợp đồng giao khoán cho 6 làng trên địa bàn huyện với diện tích hơn 7.604 ha, trong đó làng Pẹk có diện tích lớn nhất với 2.228 ha. Đặc biệt, ở những khu vực rừng gần dân, gần làng, nơi xung yếu, dễ bị xâm hại, Ban Quản lý cũng tin tưởng giao khoán cho người dân.

Còn ông Võ Văn Hạnh-Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng-đề xuất: Để nâng cao tính hiệu quả việc giao đất, giao rừng hay hợp đồng giao khoán cho cộng đồng dân cư thôn thì các ngành liên quan cần triển khai tốt Nghị định 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020. Trong đó đáng chú ý là việc khoán quản lý bảo vệ rừng đối với các hộ dân tộc thiểu số sống gần rừng với mức thu nhập được nâng lên 400.000 đồng/ha/năm. “Nếu lồng ghép nguồn lực giữa tiền dịch vụ môi trường rừng và ngân sách nhà nước thì chính sách này có khả năng thực thi rất cao”.

Ngoài ra, hiện nay diện tích rừng do UBND các xã quản lý còn lớn, xấp xỉ 150.000 ha (5 xã có diện tích quản lý hơn 20.000 ha) nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong công tác quản lý bảo vệ rừng, trong khi các địa phương đánh giá cộng đồng dân cư thôn tham gia giữ rừng rất tốt. “Nếu việc giao khoán này thật sự hiệu quả, chúng tôi đề nghị các ngành liên quan xem xét thu hồi một phần diện tích rừng ở một số UBND xã giao cho người dân quản lý, bảo vệ”- ông Hạnh đề nghị.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.