“Vé thông hành” cho mặt hàng chanh dây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sự kiện Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch mặt hàng chanh dây không chỉ mở ra cơ hội lớn cho nông sản của Gia Lai thâm nhập thị trường tỷ dân mà còn trao cho ngành hàng này “vé thông hành” để bước vào thị trường lớn.

Tiền đề định vị thương hiệu trên thị trường quốc tế

Gia Lai hiện có khoảng 5.450 ha chanh dây. Toàn tỉnh đã được cấp 48 mã số vùng trồng chanh dây, tạo nền tảng quan trọng để tham gia thị trường xuất khẩu chính ngạch. Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang) chia sẻ: “Việc được xuất khẩu chính ngạch sang một thị trường lớn như Trung Quốc sẽ là tiền đề để định vị thương hiệu chanh dây Gia Lai trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là vấn đề kiểm soát chất lượng và uy tín. Chỉ cần một vài lô hàng vi phạm quy định về mã số vùng trồng hoặc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt quá quy chuẩn thì ngành hàng này có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

3tn.jpg
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang) đang liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn trồng khoảng 300 ha chanh dây. Ảnh: T.N

Theo bà Thơm, giá chanh dây trên thị trường đang ở mức cao. Đây là tín hiệu vui cho người sản xuất. Hợp tác xã đang liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn trồng khoảng 300 ha chanh dây, trong đó có 85 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng cùng kinh nghiệm canh tác, Gia Lai có cơ hội để xác lập vị thế mới cho sản phẩm chanh dây trên bản đồ xuất khẩu. Khi cánh cửa chính ngạch đã mở, Gia Lai có thể xây dựng kế hoạch dài hơi, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu đạt chuẩn, xây dựng các mối liên kết chuỗi, trồng có hợp đồng, có kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc.

Cơ hội mở rộng thị trường

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đak Đoa-cho biết: “Toàn huyện có khoảng 650-700 ha chanh dây, chủ yếu là trồng trên diện tích tái canh cà phê và hồ tiêu. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu theo định hướng thị trường hiện nay, Phòng đã tập trung tạo các vườn cây đầu dòng có nguồn giống tốt, ổn định; hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng hữu cơ để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Bên cạnh đó, xây dựng mã số vùng trồng, triển khai truy xuất nguồn gốc để tạo điều kiện cho các thương lái, doanh nghiệp có thể xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này. Tại Đak Đoa, mặt hàng chanh dây đã xây dựng được 1 sản phẩm OCOP 3 sao”.

1tn.jpg
Mô hình trồng chanh dây trong nhà kính của HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 360 (xã Trang, huyện Đak Đoa). Ảnh: T.N

Còn bà Lê Thị Bảo Trâm-Giám đốc HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 360 (xã Trang, huyện Đak Đoa) thì chia sẻ: “Nắm bắt nhu cầu về hàng chanh dây trái tươi, HTX đã áp dụng mô hình trồng chanh dây trong nhà kính. Lợi ích của việc trồng chanh dây trong nhà kính giúp kiểm soát, duy trì nhiệt độ ổn định và độ ẩm lý tưởng cho sự sinh trưởng của cây, bảo vệ cây trước tác động của thời tiết khắc nghiệt bên ngoài, hạn chế sự xâm nhập của sâu bệnh gây hại.

Đồng thời, giúp người trồng có thể dễ dàng theo dõi và xử lý vấn đề khi phát sinh, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Khi đưa được cây chanh dây vào làm trong nhà kính thì khoảng thời gian khai thác cũng kéo dài hơn, có thể thu hoạch đến 2 năm và kéo dài quanh năm”.

Cũng theo bà Trâm, năng suất chanh dây trồng trong nhà kính đạt khoảng 80 tấn/ha/năm. Song, qua tìm hiểu, mô hình có thể đạt năng suất cao hơn. Vì vậy, HTX tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật, áp dụng công nghệ để tối ưu hóa trong sản xuất trong thời gian tới.

2tn.jpg
Giống chanh dây và sản phẩm chanh dây của Công ty cổ phần quốc tế Thông đỏ (huyện Chư Pưh). Ảnh: T.N

Năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Chanh dây Gia Lai”. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng với ngành hàng chanh dây của tỉnh, giúp khẳng định chất lượng, nguồn gốc đặc thù của sản phẩm, là bước đệm để chuẩn hóa vùng nguyên liệu, quản lý chuỗi giá trị và nâng cao giá trị cho loại cây trồng này.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường-cho biết: “Chanh dây là 1 trong 4 loại cây trồng được tỉnh quy hoạch vào nhóm xuất khẩu chủ lực, đồng thời định hướng phát triển lên khoảng 10 ngàn ha.

Những năm gần đây, Sở phối hợp cùng các địa phương, doanh nghiệp, HTX chú trọng xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ giống và vật tư nông nghiệp đầu vào, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Việc sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường sẽ giúp ngành hàng chanh dây có cơ hội phát triển, khai thác tốt tiềm năng lợi thế về quỹ đất nông nghiệp rộng lớn, nâng cao nguồn thu nhập cho người dân”.

Có thể bạn quan tâm

Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tăng 45,6%

Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tăng 45,6%

(GLO)- Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 3-2025, Việt Nam xuất khẩu 20.244 tấn hồ tiêu, trị giá 141,6 triệu USD (tăng 41,3% về lượng và tăng 45,6% về trị giá so với tháng 2-2025).