Vạch trần thủ đoạn tiếp cận, lừa đảo chạy án với giá hàng trăm nghìn USD

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Khi người thân, hay chính cá nhân vướng lao lý, bị điều tra, những người này đã tìm mọi cách để hòng thoát tội, rồi rơi vào bẫy lừa đảo, “tiền mất, tật mang” và có thể vi phạm pháp luật. Chuyên gia đã vạch ra thủ đoạn tiếp cận của những kẻ lừa đảo chạy án. 
 
Bị cáo Quyền trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến
Bị cáo Quyền trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến "chạy án". Ảnh: V.D
Vung tiền tỉ cho những kẻ lừa đảo chạy án
Hôm 27.9 vừa qua, Công an tỉnh Hải Dương thông tin về việc làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Lê Hoàng Linh (45 tuổi, Hải Phòng) và Phạm Văn Kiên (34 tuổi, Hải Dương).
Vụ án bắt đầu từ việc Nguyễn Thị T (36 tuổi) bị Công an huyện An Dương, TP.Hải Phòng bắt giữ, điều tra về hành vi “Mua bán trái phép hoá đơn”. Trong lúc lo lắng, anh B - chồng của T đã tìm các mối quan hệ để vợ sớm được tại ngoại. Ngoài T, còn có vợ của người đàn ông tên H cũng bị công an triệu tập để làm rõ hành vi liên quan đến vụ án.
Hai người đàn ông này qua quan hệ xã hội đã gặp Kiên rồi được giới thiệu đến gặp Lê Hoàng Linh ở một quán cà phê trên địa bàn quận Kiến An, TP.Hải Phòng để nhờ chạy án. Linh nhận lời và cho hay, T đã bị tạm giam nên chạy án tốn kém.
Cùng thời điểm này, Linh thông báo cho Kiên về các mức giá, theo đó chi phí 300.000USD thì T được “trắng án”, còn tại ngoại là 200.000USD. Anh B đồng ý, nhưng thông qua Kiên nói để Linh giảm một phần chi phí.  Để có tiền, anh B đã vay mượn, đòi nợ được hơn 1,8 tỉ đồng, chuyển vào tài khoản ngân hàng cho Kiên. Song Kiên chỉ chuyển cho Linh 1 tỉ đồng, còn giữ lại 870 triệu đồng. Sau đó, Kiên thông báo cần đưa thêm nên anh B đã đôn đáo vay được 1,1 tỉ đồng chuyển cho Kiên.
Thời gian sau, thấy vợ không được về, anh B liên tục hỏi Kiên, đòi lại tiền nhưng không được, đành báo công an. Ngoài vụ trên, thời gian qua, lực lượng chức năng đã triệt phá và đưa ra xét xử nhiều đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức “chạy án”. Điển hình hôm 22.8 vừa qua, Toà án Nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên phạt  Nguyễn Mạnh Quyền (32 tuổi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quyền vốn chỉ là nhân viên quán karaoke song khi nghe vợ của một bị can đánh bạc chia sẻ, anh ta nói có thể lo lót “chạy tại ngoại”, “chạy trắng án” để chiếm đoạt 950 triệu đồng. Hành vi của Quyền bị phát giác khi chồng của chị này không được “trắng án” như lời hứa.
Thủ đoạn tiếp cận để lừa đảo của tội phạm
Từng nghiên cứu, theo dõi các vụ án hình sự, trong đó có lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tội phạm lừa đảo thông qua hoạt động chạy việc, chạy chức, chạy quyền, chạy án... có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội.
Trong đó, nhiều người dân thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin vào những vẻ ngoài hào nhoáng, tin vào những mối quan hệ của những đối tượng lừa đảo. Vì thế, khi các đối tượng khoe mẽ về vị trí công tác, mối quan hệ, thậm chí một số đối tượng làm giả giấy tờ, tài liệu... để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì nhiều người cả tin đã giao tài sản cho các đối tượng lừa đảo.
Ở góc độ pháp lý, theo luật sư, nhiều người dân thiếu hiểu biết pháp luật, không biết về trình tự thủ tục tố tụng nên bị các đối tượng xấu lừa đảo, đưa ra các thông tin gian dối là sử dụng tiền có thể làm thay đổi được kết quả giải quyết vụ án của cơ quan tố tụng. Nhiều người tin rằng có tiền thì mới có được kết quả tốt nên đã sẵn sàng đưa tiền cho các đối tượng môi giới, lừa đảo.
Một chuyên gia tội phạm cho hay, để giảm thiểu các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các chiêu trò chạy án, chạy việc, chạy chức, chạy quyền thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao sự hiểu biết của người dân đối với các thủ tục hành chính pháp lý, hiểu biết vào hệ thống các cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng.
Đồng thời cần phải công khai, minh bạch các thủ tục hành chính pháp lý. Cần nâng cao đạo đức cán bộ, kịp thời xử lý nghiêm minh các cán bộ nhận hối lộ, các đối tượng môi giới hối lộ và xử lý đối với những người đưa hối lộ theo quy định của pháp luật để tránh việc có thể xảy ra chuyện sử dụng tiền bạc làm thay đổi cán cân công lý.
Thực tế, hành vi lừa đảo của các đối tượng đã thể hiện rõ trong các vụ việc. Tuy nhiên, điều cần bàn đến ở đây là hành vi đưa tiền cho người có chức vụ quyền hạn hoặc qua trung gian để yêu cầu người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của mình. Luật pháp quy định, đó là hành vi đưa hối lộ, người nhận tiền là người nhận hối lộ.
Luật sư Cường và chuyên gia tội phạm cho rằng, cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động thi hành công vụ đặc biệt là những cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng cần phải nghiêm túc, các cán bộ tham gia vào hoạt động tố tụng cần phải liêm chính, chí công vô tư. Cần đảm bảo điều kiện vật chất, tinh thần và nâng cao đạo đức của đội ngũ cán bộ để người dân có niềm tin rằng họ không thể bị mua chuộc được bởi tiền bạc. Khi đó người dân sẽ không dễ gì bỏ tiền cho các đối tượng lừa đảo để tác động đến những người này.
Theo Q.Việt (LĐO)

Có thể bạn quan tâm