Trường THPT chuyên Hùng Vương: Dấu ấn 30 năm giáo dục mũi nhọn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Một chuyên gia giáo dục từng nhận định, học tập là sự đồng hành hạnh phúc của giáo viên và học sinh trên con đường chinh phục giấc mơ tri thức. Đúng với ý nghĩa đó, suốt 30 năm qua, thầy-trò Trường THPT chuyên Hùng Vương đã cùng nhau làm tốt sứ mệnh đào tạo nhân tài cho tỉnh, ghi dấu nhiều thành tích nổi bật trong hành trình thực hiện sứ mệnh “trồng người”.

Ký ức trường xưa

Khi những cánh phượng bung nở đỏ rực báo hiệu hè về, các thế hệ thầy và trò Trường THPT chuyên Hùng Vương lại hân hoan bao niềm xúc cảm. Bởi lẽ, vào ngày 28-5 của 30 năm về trước, ngôi trường mà họ gắn bó được thành lập với tên gọi Trường Phổ thông chuyên tỉnh Gia Lai, mang trên vai sứ mệnh đào tạo nhân tài cho địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Thầy Nguyễn Chương là một trong những người có mặt đầu tiên khi trường vừa thành lập trên cương vị Phó Hiệu trưởng. Đến năm 1996, khi thầy Nguyễn Đức Tài nghỉ hưu, thầy Chương trở thành Hiệu trưởng kế nhiệm trong suốt 12 năm sau đó. “Đã là trường chuyên thì phải khác biệt và là đầu tàu. Làm thế nào để dạy giỏi, đổi mới trong sinh hoạt chuyên môn? Làm sao để đột phá, tăng tốc để tạo tiền đề cho sự phát triển của nhà trường qua từng năm? Đó là yêu cầu, cũng là trách nhiệm mà đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường lúc bấy giờ trăn trở và quyết tâm thực hiện”-thầy Chương nhớ lại.

Những cán bộ, giáo viên, nhân viên đầu tiên của Trường Phổ thông chuyên tỉnh năm 1993 (ảnh đơn vị cung cấp).

Những cán bộ, giáo viên, nhân viên đầu tiên của Trường Phổ thông chuyên tỉnh năm 1993 (ảnh đơn vị cung cấp).

Thời điểm ấy, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường chưa đến 20 người, song thuận lợi đều là đội ngũ có chất lượng cao được chọn từ Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh và sinh viên sư phạm ưu tú mới ra trường. Như nhận định của thầy Nguyễn Chương: Những “viên ngọc” từ các nơi hội tụ lại đã cùng tỏa sáng, hiểu nhanh, làm tốt mọi việc từ thực hiện chương trình, giáo án, quản lý sinh hoạt học tập, nội trú, căng tin… đến công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp. Từng cái khó được mọi người đồng lòng tháo gỡ trong tâm thế phải phát triển trường mình dần ngang tầm với các trường chuyên trên cả nước.

Trong ký ức của cô Mai Thị Huyền-1 trong 2 giáo viên trẻ đầu tiên về trường chuyên nhận công tác năm 1993 ngay khi vừa tốt nghiệp đại học: Ngôi trường khi đó chỉ có 3 dãy phòng học 1 tầng cũ kỹ, tạm bợ; cơ sở vật chất, trang-thiết bị còn nhiều thiếu thốn. Năm học đầu tiên, toàn trường có 450 học sinh với 13 lớp ở 2 bậc học THCS và THPT; trong đó có 3 lớp 6, 4 lớp 8, 2 lớp 9 và 4 lớp 10.

“Tôi được phân công chủ nhiệm lớp 6 và dạy Ngữ văn cho khối 6 cùng với 1 lớp khối 10. Ban đầu, tôi thấy khá lo lắng bởi mình còn non kém cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề; trong khi đồng nghiệp đều là những người có chuyên môn giỏi. Tuy nhiên, sau một thời gian được các thầy-cô nhiệt tình giúp đỡ, cộng với sự nỗ lực của bản thân, tôi đã dần phát huy được thế mạnh của mình, cùng tập thể sư phạm nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 30 năm qua”-cô Huyền chia sẻ.

Quang cảnh Trường THPT chuyên Hùng Vương (ảnh đơn vị cung cấp).

Quang cảnh Trường THPT chuyên Hùng Vương (ảnh đơn vị cung cấp).

Về nhận công tác sau cô Huyền 1 năm, cô Lê Thị Thu-Hiệu trưởng nhà trường-cũng không khỏi xúc động khi nhớ lại những tháng ngày khó khổ mà ấm áp tình đồng nghiệp, thầy trò. “Ngày đó, công nghệ thông tin chưa phát triển như bây giờ nên chúng tôi mất rất nhiều thời gian cho việc soạn giáo án và trau dồi chuyên môn. Mục tiêu là tìm ra phương pháp truyền đạt kiến thức hiệu quả nhất cho học sinh, đáp ứng tối đa yêu cầu nhiệm vụ của một giáo viên trường chuyên. Trân quý là trong môi trường ấy, những giáo viên trẻ chúng tôi được rèn luyện và vững vàng nhanh”-cô Thu hồi tưởng.

Không chỉ giáo viên, những học sinh khóa đầu tiên (1993-1996) cũng đong đầy kỷ niệm về trường xưa mỗi lần nhắc nhớ. Chị Dương Như Thảo-Giám đốc điều hành Học viện Nghệ thuật Serenade (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Có lúc, tôi tự hỏi rằng, nếu ngay từ đầu chúng tôi được học ở một ngôi trường khang trang, đủ đầy mọi thứ, liệu kỷ niệm có đầy ắp như những năm tháng qua? Tôi vẫn còn nhớ như in sân trường đất đỏ gồ ghề, vị trí của từng gốc phượng và những dãy phòng học đơn sơ với bàn ghế cũ kỹ… Thời điểm ấy, một buổi học chính khóa, một buổi học chuyên nên chúng tôi hầu như ở trường; thậm chí còn là “khách mời” thường xuyên của các thầy cô ở khu tập thể. Giờ đây, dù sống xa Pleiku nhưng mỗi lần về, ngang qua trường cũ, chúng tôi vẫn chưa bao giờ thôi xúc động khi nhớ về ngày xưa”.

“Đầu tàu” giáo dục mũi nhọn

Ngày 20-7-1998, Trường Phổ thông chuyên tỉnh Gia Lai được đổi tên thành Trường THPT Hùng Vương, trong đó có hệ chuyên. Đến ngày 12-9-2008, UBND tỉnh ra quyết định thành lập lại Trường THPT chuyên Hùng Vương trên nền tảng là Trường THPT Hùng Vương. Từ đây, cùng với cơ sở vật chất, trang-thiết bị được quan tâm đầu tư, chất lượng dạy và học của nhà trường cũng bắt đầu có những bước tiến rõ rệt, đặc biệt là ở lĩnh vực giáo dục mũi nhọn; đóng góp quan trọng vào thành tích chung của ngành Giáo dục tỉnh nhà.

Theo Hiệu trưởng Lê Thị Thu, từ vài trăm học sinh ban đầu, năm học 2022-2023, toàn trường đã có 1.375 học sinh với 39 lớp (33 lớp chuyên, 6 lớp không chuyên). Nhà trường hiện có 116 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó có 1 tiến sĩ và 76 thạc sĩ. Hàng năm, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và kịp thời của Sở GD-ĐT, Ban Giám hiệu đã định hướng mục tiêu nhiệm vụ, hoạch định chiến lược cụ thể và triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt được kết quả tốt nhất trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Trong đó, Ban Giám hiệu tin tưởng và trao quyền chủ động cho lãnh đội trong việc lên kế hoạch chi tiết, phân công giảng dạy, lựa chọn chuyên đề, đội tuyển, phối hợp mời chuyên gia thỉnh giảng… Đồng thời, đầu tư và tạo điều kiện tối đa cho các em tham gia đội tuyển học sinh giỏi các cấp; khen thưởng kịp thời, tạo động lực cho thầy và trò trong hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT, Trường THPT chuyên Hùng Vương chụp ảnh lưu niệm cùng 58 học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà

Lãnh đạo Sở GD-ĐT, Trường THPT chuyên Hùng Vương chụp ảnh lưu niệm cùng 58 học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà

Hành trình 30 năm xây dựng và phát triển của Trường THPT chuyên Hùng Vương đã được Đảng, Nhà nước và tỉnh Gia Lai ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; cờ thi đua của Chính phủ, UBND tỉnh, bằng khen của Bộ GD-ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh.

Cô Thu thông tin: Trong 30 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường có trên 2.000 ngàn học sinh giỏi cấp tỉnh và 575 học sinh giỏi cấp quốc gia (10 giải nhất, 73 giải nhì, 219 giải ba và 273 giải khuyến khích). Đặc biệt, 3 năm gần đây, nhà trường liên tiếp có học sinh đạt giải nhất học sinh giỏi cấp quốc gia và tham gia vòng tuyển chọn đội tuyển dự thi Olympic quốc tế. Ngoài ra, tại cuộc thi Olympic truyền thống 30-4, tính từ năm 2010 đến nay, nhà trường còn có 74 học sinh đạt huy chương vàng, 343 em đạt huy chương bạc và đồng. Ở cuộc thi khoa học kỹ thuật, 23 dự án của học sinh đã đạt giải cấp quốc gia (4 dự án đạt giải nhất, 2 dự án được tham dự kỳ thi quốc tế tại Hoa Kỳ).

Trường THPT chuyên Hùng Vương cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu khối THPT của tỉnh về chất lượng đào tạo khi tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT nhiều năm liền đạt 100%; nhiều em đỗ vào các trường đại học top đầu cả nước. Bên cạnh đó, tại các “sân chơi” tri thức khác như: Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp, Đường lên đỉnh Olympia, Tài năng Tiếng Anh, Olympic Tin học khu vực miền Trung-Tây Nguyên, Olympic Toán học khu vực miền Trung, Đại sứ văn hóa đọc…, học sinh của trường cũng gặt hái được nhiều thành tích. Tất cả đã góp phần khẳng định “thương hiệu” và nâng cao vị thế của Trường THPT chuyên Hùng Vương trong hệ thống các trường chuyên trên toàn quốc.

Thầy trò Trường THPT chuyên Hùng Vương cùng nhau nghiên cứu khoa học. Ảnh: Đức Thụy

Thầy trò Trường THPT chuyên Hùng Vương cùng nhau nghiên cứu khoa học. Ảnh: Đức Thụy

Em Trần Duy Tiến (lớp 12C5A) tâm sự: Từ một học trò trường huyện, em mạnh dạn đăng ký thi vào lớp chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Hùng Vương với mong muốn có nhiều cơ hội phát triển bản thân. 3 năm qua, em đã có được một môi trường học tập tuyệt vời bên những người bạn tốt và thầy cô giỏi chuyên môn. Nhờ đó, em dần phát huy thế mạnh của mình ở môn Hóa học với một số thành tích như: huy chương đồng Olympic 30-4 năm lớp 10, giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh bảng A, giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia năm lớp 11, giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh bảng A, giải nhì học sinh giỏi quốc gia năm học lớp 12 và vinh dự là 1 trong 32 thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế môn Hóa học năm học 2022-2023. Em rất vui vì đã đóng góp một phần vào bảng vàng thành tích 30 năm của trường.

Không chỉ ghi dấu ấn khi ngồi trên ghế nhà trường, các thế hệ học sinh của Trường THPT chuyên Hùng Vương còn khẳng định bản thân bằng những cống hiến cho xã hội. Nhiều người trong số họ giữ cương vị lãnh đạo trong hệ thống chính trị của tỉnh hay trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học, doanh nhân, nhà giáo… “Kế thừa và phát huy những thành tích đã đạt được, nhà trường sẽ tiếp tục phấn đấu để hoàn thành sứ mệnh nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và đào tạo nhân tài trong giai đoạn mới. Đặc biệt, chú trọng xây dựng môi trường học tập năng động, hiện đại, vươn tới mọi đỉnh cao để mở lối cho việc phát huy tiềm năng, tính sáng tạo và năng lực tư duy của mỗi học sinh”-Hiệu trưởng Lê Thị Thu khẳng định.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định đánh giá: Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, có thể khẳng định, Trường THPT chuyên Hùng Vương đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Tuy nhiên, để sánh vai với 77 trường THPT chuyên trên cả nước, nhà trường cần tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học, các nguồn học liệu mở theo hướng hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đào tạo chuyên sâu.

“Về chương trình đào tạo, nhà trường phải bảo đảm tính toàn diện, căn bản và vững chắc, dạy chuyên nhưng phải lấy chương trình phổ thông làm gốc; không chỉ đơn giản đào tạo vì tấm huy chương, chạy theo thành tích mà phải thật sự tạo ra sản phẩm là nhân lực, nhân tài chất lượng cao cho tỉnh cũng như cho đất nước”-Giám đốc Sở GD-ĐT đề nghị.

Có thể bạn quan tâm

Học trò nông trường năm ấy

Học trò nông trường năm ấy

(GLO)- Tôi được chuyển từ Trường Sư phạm Mẫu giáo Gia Lai-Kon Tum (đóng ở Kon Tum) về Trường Phổ thông cơ sở xã Ia Grai, huyện Chư Păh (nay là xã Ia Tô, huyện Ia Grai) từ đầu năm học 1977-1978. Sau đó, nhà trường điều tôi vào dạy lớp 1 tại điểm trường làng Delung.