Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn: Ưu tiên thực hiện những mục tiêu cấp bách, quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 6-10, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gồm các ông, bà: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với Ban Dân tộc tỉnh trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Tham dự buổi tiếp xúc còn có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun HBút, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với Ban Dân tộc tỉnh trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Nguyễn Quang
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với Ban Dân tộc tỉnh trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Nguyễn Quang


Khó khăn trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Sau khi nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo chương trình, nội dung kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, đại diện Ban Dân tộc tỉnh đã báo cáo về tình hình công tác dân tộc; tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025). Theo đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở đều đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản: Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh, Kế hoạch giao vốn của UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hiện các cơ quan, đơn vị, địa phương đã được giao vốn và đang tiến hành các bước lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số dự án, tiểu dự án chưa có thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành dẫn đến việc xây dựng kế hoạch triển khai của các địa phương còn gặp khó khăn; một số nội dung, tiểu dự án chưa đủ cơ sở để tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Sung nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Nguyễn Quang
Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Sung nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Nguyễn Quang


Tham gia ý kiến tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Hữu Sung-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Năm 2022, thành phố được giao thực hiện 9 tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nguồn vốn giao không lớn nhưng thời gian còn lại của năm 2022 khá ngắn nên việc giải ngân 100% vốn các tiểu dự án rất áp lực. Bên cạnh đó, đây là chương trình mới nên việc triển khai thực hiện của các ngành, địa phương còn gặp nhiều lúng túng. Để thực hiện tốt chương trình, chúng tôi mong các sở, ngành của tỉnh quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn, tập huấn cho đội ngũ cán bộ ở các địa phương triển khai cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.


Còn ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện thì cho hay: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong năm nay, Trung ương phân bổ vốn chậm nên việc triển khai thực hiện, giải ngân 100% vốn trước ngày 31-12 là một áp lực không hề nhỏ đối với địa phương. Bên cạnh đó, một số tiểu dự án, dự án chưa có văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành nên chưa thể triển khai thực hiện. Đề nghị các đại biểu Quốc hội có ý kiến với các bộ, ngành nhanh chóng có văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ được giao. Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho rằng: Hiện nay, ở cấp xã, công tác dân tộc, tôn giáo được giao cho cán bộ bán chuyên trách phụ trách. Điều này không phù hợp đối với một huyện có tỷ lệ người DTTS chiếm hơn 60% như Phú Thiện. Để thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đề nghị các cấp, các ngành quan tâm bố trí cán bộ chuyên trách cấp xã nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.  

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan tham mưu

Hầu hết ý kiến của cử tri đều cho rằng, nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phân bổ chậm, khả năng hoàn thành giải ngân 100% trước ngày 31-12-2022 là rất khó. Do đó, cử tri các địa phương đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương gia hạn thời gian thực hiện chương trình trong năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện Nguyễn Ngọc Ngô có nhiều ý kiến, kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Nguyễn Quang
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện Nguyễn Ngọc Ngô nêu ý kiến, kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Nguyễn Quang


Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình trả lời một số nội dung liên quan.

Phát biểu kết thúc buổi tiếp xúc, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022. Đồng thời, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: Những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia về: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS. Đặc biệt, để cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Chương trình hành động xác định cụ thể 9 nhóm mục tiêu đến năm 2025 và 6 nhóm mục tiêu đến năm 2030.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn đề nghị các cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp việc cần phát huy vai trò, trách nhiệm để tham mưu thực hiện có hiệu quả chương trình này, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào DTTS. “Có thể thấy rằng, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của tỉnh và mong muốn của cử tri rất nhiều. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí thực hiện của Trung ương, của tỉnh còn khó khăn nên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ xem xét, lựa chọn những mục tiêu cấp bách, quan trọng trước mắt để kiến nghị với Trung ương, tỉnh cân nhắc, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí thực hiện. Đồng thời, Đoàn sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát kết quả giải quyết của tỉnh, Trung ương để đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri”-Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh.

 

NGUYỄN QUANG

 

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Nhiều tập thể, cá nhân của Công an tỉnh Gia Lai được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

Nhiều tập thể, cá nhân của Công an tỉnh Gia Lai được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

(GLO)- Sáng 6-1, tại lễ chào cờ đầu năm 2025, Đại tá Phạm Hữu Trường-Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã đọc thư chúc mừng năm mới của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh và trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc liên quan đến vụ án Phan Thị Thảo.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.