Tranh cãi kịch liệt vụ Ngân hàng Đông Á bị chiếm đoạt 981 tỉ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bà Nguyễn Thị Ngọ phủ nhận và tranh cãi kịch liệt trước cáo buộc phạm tội mà đại diện VKSND TP HCM trình bày.

Chiều 29-3, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Đông Á (DAB) đối với Trần Phương Bình (65 tuổi; cựu Tổng Giám đốc DAB); Nguyễn Thị Ngọ (70 tuổi; cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực Châu Á - Thái Bình Dương); Nguyễn Đức Tài, cựu giám đốc DAB sở giao dịch; Nguyễn Thị Ngọc Vân, cựu phó tổng giám đốc DAB.

Do sức khoẻ không đảm bảo, bị cáo Trần Phương Bình được HĐXX cho phép vắng mặt. Tại phiên xử trước đó, bị cáo này thừa nhận đã chỉ đạo cho vay không đúng quy định pháp luật, che giấu tình hình nợ xấu của DAB, gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 981 tỉ đồng.

Bị cáo Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Ngọ tại toà

Bị cáo Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Ngọ tại toà

Bà Ngọ được xác định là đồng phạm giúp sức và thụ hưởng toàn bộ số tiền chiếm đoạt trên. Tại toà, bị cáo Ngọ liên tục phủ nhận và tranh cãi kịch liệt với lý lẽ buộc tội của đại diện VKS.

Nội dung vụ án thể hiện khi thành lập DAB vào năm 1992, ông Bình mời và bà Ngọ đồng ý tham gia góp vốn. Hai bên hợp tác làm ăn suốt thời gian dài. Đến năm 2006, bà Ngọ sử dụng pháp nhân của 4 công ty do vợ chồng bà thành lập, điều hành cùng với việc nhờ cậy con cháu, nhân viên đứng tên nhiều khoản vay tại DAB.

Năm 2007, DAB phát hành cổ phiếu, chào bán ra công chúng hai lần nhằm tăng vốn điều lệ từ 880 tỉ đồng lên 1.600 tỉ đồng. Hai lần này, vợ chồng bà Ngọ đã mua 26.500 cổ phiếu với giá 339 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra kết luận vợ chồng bà Ngọ đã vay tiền DAB rồi dùng mua lại cổ phiếu của ngân hàng này. Lần đầu, chồng bà Ngọ đứng tên mua 1.500 cổ phiếu với giá 39 tỉ đồng; nguồn tiền từ vốn vay DAB. Sau khi sở hữu số cổ phiếu này, bà Ngọ ngồi vào ghế thành viên HĐQT của DAB. Vợ chồng bà Ngọ mua thêm 25.000 cổ phiếu với giá 300 tỉ đồng với danh nghĩa người khác.

Từ đó đến tháng 6-2014, DAB thực hiện 28 lần chia cổ tức cho vợ chồng bà Ngọ. Đến nay, bà Ngọ và người thân của bà này vẫn đang đứng tên sở hữu số cổ phần trên tại DAB.

Bà Ngọ thừa nhận đã cung cấp danh sách nhân viên, người thân cho nhân viên DAB để vay vốn. Bà Ngọ thừa nhận khi "tình hình không ổn", vợ chồng bà đã đứng ra làm giấy bảo lãnh các khoản vay này cho những người nhờ đứng tên. Tuy nhiên, bà phủ nhận việc DAB đã giải ngân cho mình. Bị cáo này nói rằng DAB giải ngân cho ai thì bà không biết.

Theo VKS, bà Ngọ là người phải chịu trách nhiệm về 19 khoản vay tín dụng và 23 khoản vay thấu chi hiện còn dư nợ tại DAB. Đối với 19 khoản vay tín dụng, bà Ngọ nhờ nhân viên của mình là Trần Hồng Sơn đứng tên vay. Ngày 10-6-2008, DAB Sở Giao dịch giải ngân 13.000 chỉ vàng SJC cho Trần Hồng Sơn.

Tại toà, bà Ngọ cho rằng thời điểm đó, DAB không có vàng để giải ngân, điều này được thể hiện qua sổ quỹ ngân hàng. Bà Ngọ nói gia đình bà bị ông Bình lừa để che đậy việc ông ta chiếm đoạt tiền, vàng gây thất thoát cho DAB. Bà Ngọ cho rằng "VKS đang cố gắng ghép tội tôi".

Liên tục phủ nhận cáo buộc phạm tội, bà Ngọ nói để không làm ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình nên "một ngày đi tù tôi cũng kêu oan".

Đối đáp với bị cáo, đại diện VKS cho rằng cáo trạng truy tố của VKSND Tối cao là đúng người, đúng tội. Riêng về bà Ngọ, VKS cho rằng thời điểm nhờ nhân viên, người thân đứng tên các khoản vay khống, bà đang là thành viên HĐQT, lãnh đạo của DAB và buộc nắm rõ "kịch bản" tăng vốn điều lệ.

VKS cáo buộc bà Ngọ biết việc vay tiền của DAB để mua chính cổ phiếu của DAB bị cấm nên đã đưa danh sách nhân viên, người thân đứng tên. Khi DAB giải ngân, bà Ngọ không nhận tiền, vàng, lý do việc giải ngân chỉ là thủ tục. Sau đó, tiền được nộp cho DAB để mua cổ phần. Đến nay, bà Ngọ và gia đình vẫn đang đứng tên sở hữu số cổ phần này tại DAB.

Đại diện DAB tham dự phiên xét xử nói rằng việc DAB giải quyết cho vay bằng vàng nhưng không xuất vàng cho người vay là chuyện "dễ hiểu". Đại diện DAB lý giải khi giải ngân, khách hàng có thể rút vàng hoặc chuyển vàng thành tiền để thanh toán các khoản vay khác, trả nợ, gửi tín dụng... Do đó, sổ quỹ không ghi nhận có vàng là hiểu được.

Đại diện DAB nêu quan điểm "hoàn toàn nhất trí với VKS về truy tố các bị cáo gây thiệt hại cho ngân hàng". Đại diện DAB cũng yêu cầu "vay vàng phải trả vàng, vay tiền thì trả theo tỉ giá".

Đối với đề nghị của DAB về việc các cá nhân liên đới vay hộ tiền phải bồi thường cho DAB, VKS cho rằng không có căn cứ. Theo VKS, các cá nhân đứng tên vay là không đúng quy định nhưng toàn bộ số tiền vay chuyển mua cổ phần và hiện tại số cổ phần này đang được bà Ngọ và gia đình thụ hưởng. Cơ quan điều tra cũng thu giữ được nhiều giấy tờ thể hiện bà Ngọ đã ký cam kết chịu trách nhiệm hoàn toàn về các khoản vay mà bà ta nhờ đứng tên.

Nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, bị cáo này tiếp tục kêu oan. Khép lại 2 ngày xét xử vụ án, HĐXX cho biết sẽ tuyên án vào thứ 2.

Trước đó, VKSND TP HCM đề nghị tuyên phạt các bị cáo trong vụ án về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Trần Phương Bình từ 8-9 năm tù; Nguyễn Thị Ngọ từ 7-8 năm tù; Nguyễn Đức Tài và Nguyễn Thị Ngọc Vân cùng mức đề nghị 2-3 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Ngọ từ 7-8 năm tù.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Khởi tố nữ kế toán trưởng tham ô tài sản

Gia Lai: Khởi tố nữ kế toán trưởng tham ô tài sản

(GLO)-Ngày 13-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Thanh Nghĩa (SN 1984, trú tại xã Kông Yang, huyện Kông Chro) là kế toán trưởng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de để điều tra về hành vi tham ô tài sản.