Tổng thư ký NATO “bật đèn xanh” cho Ukraine dùng F-16 tấn công lãnh thổ Nga

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố Ukraine có quyền tấn công mục tiêu quân sự Nga bên ngoài lãnh thổ, kể cả bằng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp.

Trả lời phỏng vấn của RFE/RL, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg lập luận rằng Ukraine có quyền tự vệ trước “hành vi gây hấn” của Nga. “Theo luật quốc tế, Ukraine có quyền tự vệ, trong đó có việc tấn công vào các mục tiêu quân sự hợp pháp của Nga ở bên ngoài lãnh thổ Ukraine bằng tiêm kích F-16”. Tuy nhiên, ông Stoltenberg không nêu rõ khi nào chính quyền Kiev thực sự có thể nhận được các tiêm kích như đã hứa.

Tiêm kích F-16 Fighting Falcon Mỹ bay tại Alaska tháng 6-2021. Ảnh: Không quân Mỹ

Tiêm kích F-16 Fighting Falcon Mỹ bay tại Alaska tháng 6-2021. Ảnh: Không quân Mỹ

Đây là lần đầu tiên ông Jens Stoltenberg công khai khẳng định Ukraine có quyền tự vệ bằng cách tấn công mục tiêu quân sự Nga bên ngoài lãnh thổ, kể cả bằng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp.

Mỹ và các thành viên NATO trước đây cấm Ukraine sử dụng những khí tài được họ viện trợ để tập kích lãnh thổ Nga, do lo ngại chiến sự vượt tầm kiểm soát. Phương Tây ban đầu cũng trì hoãn chuyển giao nhiều loại vũ khí tầm xa cho Ukraine, do sợ rằng Kiev có thể sử dụng chúng để tấn công mục tiêu bên ngoài lãnh thổ.

Tuy nhiên, khi chiến sự kéo dài, quan điểm này dần thay đổi. Mỗi thành viên NATO cam kết chuyển giao F-16 đều có những chính sách khác nhau và sẽ tự quyết định. Song, việc ông ông Jens Stoltenberg tuyên bố có thể vượt qua “lằn ranh đỏ” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin vạch ra và sẽ làm xung đột leo thang.

Trước đó, ngày 6-2, Hà Lan đã thông báo sẽ cung cấp thêm 6 tiêm kích F-16 cho Ukraine, nâng tổng số máy bay mà nước này cam kết chuyển giao cho Kiev lên 24 chiếc.

Ngoài Hà Lan và Đan Mạch, Bỉ cũng đã công bố kế hoạch cung cấp F-16 cho Ukraine. Kiev dự kiến tiếp nhận những chiếc F-16 đầu tiên trong năm nay.

Máy bay tiêm kích F-16B tại căn cứ không quân Skrydstrup ở thị trấn Vojens, Đan Mạch, ngày 20-8-2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phân tích từ nhiều nguồn tin, cách thiết kế máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất khiến loại máy bay này có thể gặp khó khăn khi vận hành từ đường băng của Ukraine, làm dấy lên suy đoán rằng chúng có thể sẽ bay từ Ba Lan, Romania hoặc các nước vùng Baltic. Và, việc triển khai F-16 ở những nơi này sẽ càng làm leo thang xung đột và thậm chí có thể gây ra nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.121 km/h ở độ cao 12.000 m, trần bay tối đa 18.000 m với tầm hoạt động 546 km. Mẫu tiêm kích này được trang bị một pháo 6 nòng 20 mm, 11 giá treo có thể mang bom trọng lực B61 nặng 7,7 tấn. Mỗi chiếc F-16 có giá khoảng 30-35 triệu USD tùy biến thể.

Có thể bạn quan tâm