Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 18-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối từ điểm cầu chính tại Hà Nội tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trần Hồng Hà-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ban Tuyên giáo Trung ương; các Ủy ban của Quốc hội; các bộ, ngành, cơ quan trung ương; các chuyên gia, nhà giáo lão thành, đại diện các cơ sở giáo dục.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, lãnh đạo Sở GD-ĐT và các phòng chuyên môn trực thuộc; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và các phòng GD-ĐT.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học qua, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đã tích cực xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới; triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình. Đội ngũ giáo viên cơ bản thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc tổ chức quản lý đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì tại điểm cầu Hội trường 2-9. Ảnh: Ngọc Sang

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì tại điểm cầu Hội trường 2-9. Ảnh: Ngọc Sang

Cùng với đó, tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022-2023. Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế đạt kết quả cao với 11 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 12 huy chương đồng và 5 bằng khen. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung toàn quốc đạt 98,88% đã phản ánh kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương. Ngoài ra, học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2023 tại Hoa Kỳ; các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).

Năm học qua, cả nước có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non (giảm 67 trường so với năm học trước) và 25.467 cơ sở giáo dục phổ thông. Có 1.976.744 học sinh các cấp (tăng 499.960 em). Tỷ lệ học sinh/lớp ở cấp tiểu học là 32,1, THCS là 37,71, và THPT là 40,27. Bộ GD-ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022-2026. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT trình và được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác…

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Ngọc Sang

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Ngọc Sang

Để thực hiện thành công kế hoạch năm học và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của ngành Giáo dục, tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá những kết quả cũng như tồn tại, hạn chế, bất cập trong năm học vừa qua. Đồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đã làm được của địa phương, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học tới.

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, trong năm học 2023-2024, toàn ngành Giáo dục tập trung triển khai thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao kết quả đạt được của ngành giáo dục trong năm học 2022-2023. Những kết quả đạt được của ngành Giáo dục đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Giáo dục sớm khắc phục những khó khăn, hạn chế, tiếp tục triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn. Thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp, khẩn trương ban hành các chiến lược quy hoạch trong giai đoạn mới. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện phát triển Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới. Bổ sung chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên phù hợp với thực tiễn ở các địa phương. Làm tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan trong việc phối hợp với ngành Giáo dục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao nhằm góp phần thúc đẩy sự nghiệp GD-ĐT không ngừng phát triển.

Trước thềm năm học mới 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng rằng, toàn ngành giáo dục tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, luôn trách nhiệm, nhiệt huyết với nghề, nỗ lực vượt khó, kiên quyết và quyết liệt hành động thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đóng góp xứng đáng vào sự hùng cường của đất nước.

Có thể bạn quan tâm