Thu nhập ổn định nhờ vườn măng tây ở Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chư Sê, Gia Lai đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sinh kế. Một trong số đó là mô hình trồng măng tây của gia đình chị Tạ Thị Năm (thôn 6, xã Ia Blang).
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Tạ Thị Năm vui vẻ cho biết: Gần đây, giá cà phê, hồ tiêu giảm mạnh và bị bệnh chết nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Do đó, chị đã đi tham quan một số mô hình chuyển đổi của người dân trong và ngoài huyện để học hỏi, đồng thời tìm hiểu thị trường. Thấy cây măng tây dễ trồng, thích nghi với thời tiết, khí hậu, kháng được sâu bệnh, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, tháng 5-2018, vợ chồng chị đã tiến hành cày xới 1.400 m2 đất, đầu tư lắp đặt hệ thống béc phun tự động và chọn mua giống măng F1 của Mỹ đưa vào trồng. Tổng chi phí đầu tư ban đầu khoảng 15 triệu đồng/sào. Nhờ biết cách chăm sóc, bón phân đúng quy trình kỹ thuật, vườn măng tây của chị phát triển xanh tốt. Vào thời điểm chính vụ, chị thu gần 20 kg măng/ngày, sản phẩm được người dân và các nhà hàng đặt mua trước nên không lo về đầu ra. Chị Năm cho hay: “Đối với măng loại 1, tôi bán 100.000 đồng/kg, loại 2 là 60.000 đồng/kg. Thu nhập lúc chính vụ sau khi trừ chi phí khoảng 15-20 triệu đồng/tháng, còn những vụ phụ thì khoảng 10-12 triệu đồng/tháng”.
 Chị Tạ Thị Năm (bìa phải) kiểm tra vườn măng tây sắp đến kỳ thu hoạch. Ảnh: H.V
Chị Tạ Thị Năm (bìa phải) kiểm tra vườn măng tây sắp đến kỳ thu hoạch. Ảnh: H.V
Theo chị Năm, trồng măng tây quan trọng nhất là khâu chọn giống và làm đất. Hạt giống khi mua về đem ủ mộng rồi cho vào bầu ươm, sau 2 tháng thì đem trồng. Khi trồng cần phân luống có độ rộng 80 cm, tiến hành cuốc hố, dùng phân hữu cơ đã ủ hoai mục để bón lót, khoảng cách lý tưởng là hàng cách hàng, cây cách cây 40 cm. Vì măng tây là cây thân thảo nên khi trồng cần chôn cọc và giăng dây làm giá đỡ để khi cây phát triển cao không bị đổ. Để giữ ẩm cho cây cần tưới 2 lần/tuần, nếu lắp hệ thống tưới nước phun tự động sẽ giảm bớt chi phí công chăm sóc. Khi măng lên khỏi mặt đất đạt độ cao từ 20 đến 25 cm thì thu hoạch. Mỗi ngày thu hoạch một lần vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối vì lúc đó măng sẽ tươi hơn, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn. Nếu thu vào thời điểm mặt trời lên cao, cây măng dễ bị đắng, bán không được giá. Sau mỗi vụ thu khoảng 6 tháng, người trồng măng sẽ dừng thu từ 20 đến 30 ngày để phục hồi và phát triển cây mới, như vậy măng sẽ cho năng suất cao.
Bà Nguyễn Thị Hồng Gấm-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Blang-cho biết: “Qua tham quan vườn măng tây của chị Năm, chúng tôi thấy đây là mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân. Vì vậy, tới đây Hội sẽ vận động hội viên, phụ nữ trồng măng tây và trồng thêm rau sạch để cung cấp nguồn thực phẩm sạch, đầy đủ dinh dưỡng cho gia đình, đồng thời cải thiện thu nhập”. 
 HOÀNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.