Thi công tuyến tránh TP. Pleiku cần bồi thường cho hộ dân bị ảnh hưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quá trình thi công đường Hồ Chí Minh tuyến tránh TP. Pleiku đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhà cửa, cây cối của nhiều hộ dân xã Ia Sao (huyện Ia Grai).
 
Ông Nguyễn Xuân Tú (thôn Tân Lập, xã Ia Sao) cho biết: Vừa qua, gia đình ông đã phải làm đơn cầu cứu các ngành chức năng của huyện Ia Grai vào cuộc để xác định thiệt hại và có phương án hỗ trợ cho gia đình. Cụ thể, theo ông Tú, đường Hồ Chí Minh tuyến tránh TP. Pleiku đi qua khu vực vườn cà phê 700 cây đang kinh doanh của gia đình. Từ tháng 11-2017, khi các đơn vị thi công bắt đầu ủi đất, san lấp mặt bằng để làm đường thì vườn cà phê nhà ông bị ảnh hưởng nặng nề. Lớp bụi dày đặc phủ lên vườn cà phê đúng vào thời kỳ cây chuẩn bị ra hoa khiến nhiều cây bị chết và khoảng 90% số cây không thể ra hoa.

 

Gia đình bà Kha buộc phải dùng cây gỗ chống bức tường bị nứt. Ảnh: L.V.N
Gia đình bà Kha buộc phải dùng cây gỗ chống bức tường bị nứt. Ảnh: L.V.N

Bà Nguyễn Thị Kha (vợ ông Tú) cho hay, gia đình bà đã phải lắp đặt máy tưới béc với hy vọng cuốn trôi lớp bụi trên cây cà phê. Tuy nhiên, lớp bụi này vừa trôi đi thì lớp bụi khác lại phủ lên khiến cây cà phê dần lụi tàn. “Hơn 300 cây cà phê bị lụi dần rồi chết khô khiến tôi phải phá đi để làm đất trồng tái canh. Số còn lại cũng không ra hoa nổi, phải chấp nhận bỏ một mùa. Nhà tôi chỉ trông cậy vào vườn cà phê này mà mùa tới trắng tay, không biết phải làm sao nữa. Tôi chỉ mong được hỗ trợ phần nào để tiếp tục cứu vườn cà phê, rồi lấy vốn đầu tư năm sau”-bà Kha chia sẻ.

Không chỉ ảnh hưởng đến vườn cà phê, quá trình thi công làm đường còn khiến  căn nhà rẫy của gia đình bà Kha bị rạn nứt, có bức tường đã nghiêng phải dùng cây để chống. Bà Kha cho hay: “Nhà xây cũng lâu rồi nhưng trước đây không sao, giờ xe lu đi qua rung lắc ghê quá nên tường nứt hết. Đến mùa thu hoạch, vợ chồng tôi ở căn nhà này để trông rẫy, giờ thế này thì chịu không dám ở vì không biết nó sẽ sập khi nào”.

Bên cạnh vườn cà phê của bà Kha, hơn 2 ha cà phê của gia đình bà Lê Thị Thu cũng đứng trước nguy cơ sụt giảm sản lượng nghiêm trọng do bụi gây nên. “Trước giờ, chúng tôi thu mỗi héc-ta được 25-27 tấn, nhưng với tỷ lệ ra hoa thế này vụ tới có lẽ chỉ được khoảng 10 tấn/ha mà thôi. Bụi bám dày quá cà phê không ra hoa nổi, làm mọi cách rồi cũng chỉ cứu được phần nào. Bể chứa nước trong rẫy cũng bị nứt đáy do xe lu, giờ không còn chứa nước được nữa. Có đường qua thì chúng tôi cũng vui mừng, nhưng thiệt hại nhiều thế này cũng mong được hỗ trợ phần nào chứ không năm nay chắc chắn lỗ vốn”-bà Thu than thở.

Việc thi công đường Hồ Chí Minh tuyến tránh TP. Pleiku cũng khiến nhiều ngôi nhà ở xã Ia Sao xuất hiện các vết nứt lớn, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Tân Lập) cho hay: “Khi giải tỏa đền bù thì nhà tôi nằm sát lề đường. Mỗi khi xe lu đi qua, căn nhà lại rung ầm ầm. Trong nhà, bức tường nào cũng bị nứt, vết nứt dài và rộng. Ba mẹ con tôi không có chỗ ở nào khác nên vẫn phải ở trong căn nhà này nhưng lúc nào cũng lo sợ tường sập. Hy vọng các ngành chức năng đền bù luôn phần diện tích của nhà tôi để tôi tìm mảnh đất mới cất nhà, chứ ở gần đường thế này nguy hiểm quá”.

 

Sẽ đền bù hợp lý cho người dân

Ông Phạm Xuân Điệp-Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh: “Hiện Ban Quản lý dự án đã tiếp nhận thông tin về việc người dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến đường này. Trước đây, trong quá trình thi công, giải phóng mặt bằng, các đơn vị đã tiến hành mua bảo hiểm rủi ro khi thi công dọc tuyến đường với người dân. Việc thi công gây ảnh hưởng, đơn vị bảo hiểm sẽ tiến hành kiểm tra, giám định, đồng thời xác định hư hỏng tài sản và có hướng đền bù hợp lý. Còn đối với việc cà phê không đậu quả do bụi khi thi công, Ban Quản lý sẽ tiến hành kiểm tra để có hướng xử lý”.

Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Rơ Chăm Úk-Chủ tịch UBND xã Ia Sao, cho hay: “Đúng là việc thi công đường Hồ Chí Minh tuyến tránh TP. Pleiku gây không ít thiệt hại cho người dân trong xã. Ủy ban nhân dân xã đã hướng dẫn bà con làm đơn gửi UBND huyện, từ đó cấp trên có hướng giải quyết, hỗ trợ cho người dân một cách hợp lý”.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Thư Tòa soạn

Thư Tòa soạn

(GLO)- Cùng với việc sáp nhập tỉnh, từ ngày 1-7, Báo Gia Lai hợp nhất với Báo Bình Định thành Báo Gia Lai mới.

Gia Lai bố trí lại hơn 179,5 tỷ đồng từ nguồn sử dụng đất cho dự án hồ sơ địa chính

Gia Lai bố trí lại hơn 179,5 tỷ đồng từ nguồn sử dụng đất cho dự án hồ sơ địa chính

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 27, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 505/NQ-HĐND về việc sử dụng nguồn tiền sử dụng đất của dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và dữ liệu địa chính tỉnh Gia Lai chưa phân bổ để cấp cho các dự án đầu tư từ nguồn tiền sử dụng đất chưa được cấp.

Các cây gỗ lớn bị cưa hạ nằm chỏng chơ tại khuôn viên trụ sở UBND phường Cheo Reo. Ảnh: NLĐO

Việc chặt cây gỗ lớn tại trụ sở phường Cheo Reo: Nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định

(GLO)- Theo một số thông tin báo chí đăng tải, trước ngày sáp nhập xã, phường, hàng loạt cây gỗ lớn trong khuôn viên trụ sở UBND phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa) bị cưa hạ rồi đem bán, khiến nhiều người dân bức xúc. Để làm rõ thông tin này, P.V Báo Gia Lai đã vào cuộc tìm hiểu.

Lời cảm ơn

Lời cảm ơn

(GLO)- Báo Gia Lai trân trọng cảm ơn những tình cảm quý báu của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, quý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

null