Thêm một bếp ăn thiện nguyện ấm lòng người nghèo Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khai trương ngày 24-4 vừa qua, Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy (38 Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, đối diện cổng sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã góp phần chia sẻ khó khăn với người nghèo, nhất là bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị tại các bệnh viện.

Bếp ăn thiện nguyện 2K do chị Nguyễn Thị Huy (tổ 4, phường Hội Thương, TP. Pleiku) khởi xướng và tự bỏ kinh phí thực hiện. Chị Huy chia sẻ: Một số lần tôi nuôi người thân nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và chứng kiến rất nhiều bệnh nhân nghèo, khó khăn và người nhà của họ phải chi trả nhiều kinh phí trong quá trình điều trị và ăn ở tại bệnh viện. Vì không có tiền, nhiều người phải ăn uống kham khổ, mỳ tôm, cháo gói qua ngày hoặc gộp 2 bữa thành 1 bữa… “Chứng kiến điều đó, tôi quyết định bỏ kinh phí tổ chức bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy với mong muốn giúp những bệnh nhân nghèo, người khó khăn có bữa cơm đủ dinh dưỡng, an tâm điều trị bệnh và giúp họ vượt qua một phần khó khăn trong cuộc sống”- chị Huy nói.

Chị Huy (người đứng) tự bỏ kinh phí tổ chức Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy nhằm giúp đỡ những người nghèo, khó khăn, bệnh nhân nằm điều trị tại các bệnh viện. Ảnh: Như Nguyện

Chị Huy (người đứng) tự bỏ kinh phí tổ chức Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy nhằm giúp đỡ những người nghèo, khó khăn, bệnh nhân nằm điều trị tại các bệnh viện. Ảnh: Như Nguyện

Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy phục vụ mọi người có nhu cầu vào các buổi trưa thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Mỗi buổi, bếp ăn nấu và phát từ 250 đến 300 phần ăn. “Mỗi suất ăn gồm có cơm trắng, món kho, rau xào, canh, trái cây và 1 phần nước đậu nành (có khi là chè, nước mía) đảm bảo đủ dinh dưỡng cho mọi người; riêng về cơm trắng thì không hạn chế. Khi đến ăn, mọi người tự lấy nước, đồ ăn đã được chia đều trong các khay và chỉ lấy thêm cơm. Ăn xong, mọi người dọn dẹp khay ăn vào vị trí quy định. Mỗi phần cơm chỉ phải trả 2.000 đồng tượng trưng, ai có thêm thì đóng góp tùy tâm hoặc không trả tiền cũng không sao”- chị Huy thông tin.

Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy đã mang lại những phần cơm đủ dinh dưỡng cho các bệnh nhân, người nghèo, khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Như Nguyện

Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy đã mang lại những phần cơm đủ dinh dưỡng cho các bệnh nhân, người nghèo, khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Như Nguyện

Để bếp ăn hoạt động, chị Huy thuê 3 người để nấu ăn và dọn dẹp và trả thù lao 1 buổi 200.000 đồng/người. Ngoài ra, vợ chồng chị còn huy động thêm nhiều người trợ giúp. Trung bình mỗi ngày, chi phí nấu các phần ăn và chi trả nhân công khoảng trên 2,5 triệu đồng.

Theo chị Huy, gia đình chị buôn bán quần áo, kinh tế tuy không giàu có nhưng chị mong muốn được góp chút sức mình giúp ích cho xã hội và giúp đỡ những người khó khăn hơn. “Mặc dù hiện nay, kinh tế suy thoái, việc làm ăn không suôn sẻ như các năm trước nhưng tôi nghĩ mình cứ làm hết sức mình, giúp được ai cái gì thì cố hết sức, cứ cho đi… Những việc mình làm có ý nghĩa, thiết thực thì cũng sẽ nhận lại niềm vui, sự may mắn khác bù đắp”- chị Huy vui vẻ cho biết.

Những suất ăn thiện nguyện đã giúp nhiều bệnh nhân, người nghèo, khó khăn đỡ một phần chi phí ăn uống trong ngày. Ảnh: Như Nguyện

Những suất ăn thiện nguyện đã giúp nhiều bệnh nhân, người nghèo, khó khăn đỡ một phần chi phí ăn uống trong ngày. Ảnh: Như Nguyện

Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy tuy mới đi vào hoạt động gần 10 ngày qua nhưng đã trở thành điểm đến được nhiều người biết đến. Bà Hồ Thị Quy (thôn Thanh Giáo, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) chia sẻ: Tôi là mẹ đơn thân nuôi con khuyết tật, kinh tế rất khó khăn. Vừa qua, con tôi bị tai nạn té xe nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nên càng khó khăn hơn. Biết đến bếp ăn thiện nguyện này nên các buổi trưa tôi đến đây để ăn cơm và mang 1 phần về cho con. “Nhờ có những phần cơm hỗ trợ từ bếp mà tôi đỡ một phần chi phí ăn uống và có thêm tiền cho con điều trị bệnh. Tôi cảm ơn mọi người đã chia sẻ và hỗ trợ các phần ăn ý nghĩa, thiết thực này”- bà Quy bộc bạch.

Nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh mấy ngày qua, được mọi người giới thiệu đến bếp ăn thiện nguyện, ông Lê Bá Hương (thôn 2, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) đã đến ăn. Ông Hương cho hay: Cơm các cô nấu ngon lắm, sạch sẽ, đảm bảo dinh dưỡng. Có được suất cơm như thế này những bệnh nhân khó khăn như chúng tôi sẽ tiết kiệm được một phần chi phí và có thêm điều kiện điều trị bệnh. Việc làm này hết sức ý nghĩa, thiết thực và nhân văn.

Nhân viên bếp ăn phát cơm cho người dân. Ảnh: Như Nguyện

Nhân viên bếp ăn phát cơm cho người dân. Ảnh: Như Nguyện

Chăm sóc ba bị bệnh tim nằm viện điều trị, anh Yung (làng Kđung, xã Hra, huyện Mang Yang) cũng thường xuyên đến ăn cơm tại đây. “Gia đình tôi là hộ nghèo nên khi ba tôi đau nhập viện điều trị thì gia đình vô cùng lo lắng. Thứ nhất lo vì tiền thuốc men điều trị, hai là tiền ăn ở cho người đi theo chăm sóc. May mắn những ngày gần đây, bếp ăn thiện nguyện này đi vào hoạt động tôi đã có những phần cơm ngon, đầy đủ dinh dưỡng và yên tâm hơn khi tiết kiệm được một phần kinh phí để lo cho ba. Tôi cảm ơn mọi người đã tổ chức nấu và chia sẻ những phần cơm thiện nguyện đến người nghèo, khó khăn”- anh Yung xúc động nói.

Theo chị Nguyễn Thị Huy, trong khả năng của mình, chị sẽ cố gắng duy trì bếp ăn ổn định lâu dài. Hiện nay, bếp chỉ có thể nấu từ 250 đến 300 suất/buổi, trong khi đó số lượng bệnh nhân nghèo và người khó khăn còn rất nhiều. “Rất nhiều buổi mọi người đến ăn nhưng bếp hết cơm, chúng tôi chỉ có thể phát mỳ tôm cho họ ăn tạm. Dù muốn nấu nhiều hơn nhưng khả năng ban đầu của tôi chỉ có thể làm được bao nhiêu đó. Tôi mong muốn có sự chung tay hỗ trợ hiện vật như gạo, mắm, muối, gia vị hoặc kinh phí của các Mạnh Thường Quân, các nhà hảo tâm…để có thể tăng thêm suất ăn giúp cho nhiều người hơn. Tôi cũng mong các bạn tình nguyện viên biết và đến phụ giúp trong các buổi nấu ăn”-chị Huy cho biết.

Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy tổ chức vào các buổi trưa thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, mỗi buổi từ 250 đến 300 suất ăn. Ảnh: Như Nguyện

Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy tổ chức vào các buổi trưa thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, mỗi buổi từ 250 đến 300 suất ăn. Ảnh: Như Nguyện

Đồng hành với vợ những ngày qua, anh Phạm Phúc Anh tâm sự: Vợ tôi thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện và tôi luôn ủng hộ vợ. Khi vợ tôi chia sẻ về việc tổ chức Bếp ăn thiện nguyện 2K, tôi ủng hộ ngay vì việc làm này hết sức ý nghĩa, giúp đỡ được những người khó khăn, bất hạnh.

Có thể bạn quan tâm

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.