Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Năm 2023, Sở Công thương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và đạt nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, Sở đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh được giao lưu, tìm hiểu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, cách tiếp cận khách hàng, cách định giá sản phẩm cũng như đưa sản phẩm vào các chuỗi cung ứng, siêu thị.

Các giải pháp này đã góp phần tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh với thị trường trong và ngoài nước. Sở Công thương cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức Hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Gia Lai (trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023); phối hợp với Công ty TNHH Xúc tiến thương mại Đức Việt tổ chức Hội chợ thương mại Gia Lai 2023 và 4 hội chợ triển lãm thương mại tại các huyện, thị xã; tổ chức các phiên chợ giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và chương trình đưa hàng Việt về biên giới; hỗ trợ các đơn vị trong tỉnh tham gia kết nối giao thương, triển lãm thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tại các sự kiện, hội nghị, hội chợ do các tỉnh, thành phố tổ chức.

Bên cạnh đó, đã tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia Hội chợ thương mại Trung Quốc-ASEAN lần thứ 20 (CAEXPO 2023) tại Trung Quốc; tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại Singapore; tham dự chương trình kết nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam-Lào-Thái Lan; tham gia Diễn đàn kết nối hợp tác và phát triển tỉnh Gia Lai và tỉnh Miyagi (Nhật Bản).

Đặc biệt, phối hợp tổ chức thành công Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Hội nghị kết nối cung cầu tại Gia Lai; Hội nghị giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp nước ngoài năm 2023.

Các chương trình xúc tiến thương mại góp phần tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh với các thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: V.T

Các chương trình xúc tiến thương mại góp phần tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh với các thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: V.T

Ngoài ra, đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng triển khai thực hiện việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý, thông tin thị trường các mặt hàng thế mạnh của địa phương, tìm kiếm nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, Sở đã xây dựng 2 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam” tại huyện Chư Păh và Chư Prông. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) xây dựng website thương mại điện tử, phần mềm ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia giới thiệu và mua bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử uy tín.

Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực quản lý và năng lực tài chính còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp quan tâm doanh số bán hàng hơn là phát triển thương hiệu sản phẩm.

Việc tiếp cận công nghệ số và kết nối giao thương trực tuyến của doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp nên còn hạn chế trong việc chốt đơn, giao hàng. Nhiều doanh nghiệp cho biết chi phí logistics còn ở mức cao, việc tiếp cận vốn tín dụng còn nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng không đủ vốn để mua hàng vào thời điểm nông sản thu hoạch rộ. Đây là những hạn chế khiến việc mở rộng mạng lưới kinh doanh, quảng bá sản phẩm gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện nay, việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh phần lớn là tự phát. Công tác xúc tiến thương mại thiếu sự đồng bộ, hầu như mỗi tổ chức tiến hành một chương trình riêng, chưa có kế hoạch phối hợp, gắn kết với các tổ chức khác trong tỉnh để thực hiện một chương trình xúc tiến thương mại hoàn chỉnh, đa dạng và có quy mô lớn.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp cây ăn trái Tây Nguyên (TP. Pleiku) cho hay: “Hợp tác xã chuyên về lĩnh vực đầu tư vùng trồng, thu mua và chế biến các loại cây ăn quả. Chúng tôi đang phát triển vùng trồng và liên kết với các hộ nông dân xây dựng các farm mẫu nhằm chứng minh được giá trị gia tăng từ việc đầu tư để bà con thấy hiệu quả và cùng tham gia liên kết xây dựng những vùng chuyên canh đủ lớn. Chúng tôi cũng đang có các chương trình tiếp xúc, tiếp thị, quảng bá mặt hàng nông sản của Gia Lai ra thế giới”.

Theo ông Lâm, hiện nay, các tổ chức tín dụng chỉ nhìn nhận đánh giá trên vấn đề thế chấp tài sản chứ chưa thực sự song hành với các HTX, doanh nghiệp trong triển khai các dự án khả thi. Vấn đề tiếp cận các nguồn vốn dành cho HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất khó.

“Nông nghiệp Việt Nam đang dần khẳng định uy tín từ các sản phẩm chủ lực như cà phê, trái cây. Ví dụ như sau khi Việt Nam ký 5 nghị định thư xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, trong đó có sầu riêng thì ngay lập tức mặt hàng này đã tạo ra sự đột phá về giá trị xuất khẩu với gần 2 tỷ USD. Đó là một trong những mặt hàng mà chúng ta không bao giờ nghĩ đến trước đây nhưng hiện đang mang lại giá trị kinh tế cũng như giá trị xuất khẩu cao như vậy”-ông Lâm nói.

Hội nghị giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp nước ngoài năm 2023 đã mang đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp. Ảnh: V.T

Hội nghị giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp nước ngoài năm 2023 đã mang đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp. Ảnh: V.T

Ông Lương Đình Trọng-Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh-cho rằng: Việc phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương cũng như các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thông qua đó, các biên bản ghi nhớ hợp tác, hợp đồng hợp tác đã được ký kết.

Tuy nhiên, hiện nay, đa phần các HTX kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ, năng lực quản trị, năng lực tài chính còn nhiều hạn chế. Bộ máy quản lý của các HTX đa phần thiếu những con người có kỹ năng để có thể đảm nhiệm tốt vai trò quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, thương mại điện tử như hiện nay. Mặt khác, trên thị trường hiện đang có quá nhiều sản phẩm tương đồng, trong khi đó, các sản phẩm nông nghiệp của các HTX trên địa bàn tỉnh chưa tạo ra nhiều sự khác biệt về chất lượng, mẫu mã.

“Để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong thời gian tới, các HTX cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cũng như xây dựng câu chuyện về sản phẩm nông nghiệp nhằm tạo ra sự khác biệt, sự độc đáo cho sản phẩm; từng bước củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý, trong đó quan tâm lựa chọn những cán bộ có năng lực để đảm nhiệm công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là trên các nền tảng số”-ông Trọng cho biết thêm.

Còn theo bà Đào Thị Thu Nguyệt, để công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các chương trình xúc tiến thương mại đạt hiệu quả hơn, Sở Công thương sẽ tích cực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản qua việc kết nối tham gia sự kiện, hội nghị do Bộ Công thương và các tỉnh tổ chức.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tham mưu triển khai chương trình hợp tác phát triển giữa Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động tham gia chuỗi giá trị chế biến sâu với hàng hóa có chứng nhận, có thương hiệu, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, chú trọng các quốc gia tham gia các hiệp định thương mại tự do CPTTP, EVFTA, UKVFTA, RCEP...

Ngoài ra, Sở sẽ thiết lập mối quan hệ với các cơ quan thương vụ, tham tán thương mại Việt Nam tại các nước để tiếp nhận và phổ biến thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh xây dựng website thương mại điện tử, cung cấp phần mềm quản trị; hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị thực hiện phương pháp tiếp cận thị trường theo xu hướng hiện đại như: hội chợ triển lãm trực tuyến, đào tạo trực tuyến, tìm kiếm đối tác trên không gian mạng thông qua việc thuê gian hàng của các website bán hàng trực tuyến lớn trên thế giới như Amazon, Alibaba... để tăng cường quảng bá sản phẩm, giảm chi phí trong giao dịch, hạ giá thành sản phẩm xuất khẩu.

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.