Tăng cường quản lý lao động nước ngoài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Qua công tác thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng vừa phát hiện 474 lao động người Trung Quốc, Đài Loan đang làm việc tại các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh nhưng không có giấy phép lao động. Liên quan vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.
* P.V: Công tác quản lý nguồn lao động nước ngoài tại các dự án trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa bà?
Bà Rcom Sa Duyên. Ảnh: Đức Thụy
Bà Rcom Sa Duyên. Ảnh: Đức Thụy
- Bà RCOM SA DUYÊN: Tính đến đầu tháng 10-2021, toàn tỉnh có gần 500 lao động nước ngoài làm việc tại 37 đơn vị, doanh nghiệp, dự án. Trong số này có 76 trường hợp đã được cấp giấy phép lao động và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hợp lệ. Những năm trước, hầu hết doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Đa số lao động này làm việc tại những doanh nghiệp chuyên lắp đặt thiết bị, máy móc, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thi đấu thể dục thể thao và giảng dạy tiếng Anh.
Đến nay, UBND tỉnh cấp quyết định đầu tư 17 dự án điện gió với tổng công suất 1.200 MW, trong đó có 16 dự án đã đi vào hoạt động nên nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài ngày càng tăng. Tuy nhiên, phần đông lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có giấy phép hợp lệ. Từ đó, việc quản lý cư trú tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và dịch bệnh. Vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành đã xử phạt 24 đơn vị sử dụng lao động nước ngoài không phép với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cấp giấy phép cho lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh. Để việc tiếp nhận hồ sơ, thủ tục và giải quyết thuận lợi, Sở phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh thực hiện nhanh gọn, kịp thời, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Tồn tại trong công tác này là ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, nhà thầu sử dụng lao động nước ngoài chưa tốt. Công tác phối hợp trong trao đổi thông tin, thanh-kiểm tra, quản lý lao động nước ngoài chưa thực sự chặt chẽ và kịp thời.
* P.V: Bà có thể cho biết nguyên nhân của những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý lao động nước ngoài ở tỉnh ta?
- Bà RCOM SA DUYÊN: Việc chấp hành các quy định của Nhà nước về tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài tại một số đơn vị, doanh nghiệp, nhà thầu trên địa bàn tỉnh chưa đầy đủ và nghiêm túc. Việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo tình hình lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp cho ngành chức năng, cấp thẩm quyền thiếu kịp thời và chính xác gây ra những khó khăn trong công tác quản lý.
Một số doanh nghiệp, đơn vị, nhà thầu chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đồng thời chưa làm tốt việc đề nghị tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển lao động nước ngoài; không báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài; chưa đảm bảo theo quy định các thủ tục đề nghị cấp giấy phép cho lao động nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp còn tìm cách lách luật để không phải xin giấy phép như đưa số lao động nước ngoài có visa dưới 3 tháng vào làm việc rồi cho về nước, sau đó tiếp tục tuyển dụng lại nên rất khó cho công tác quản lý.  
Một doanh nghiệp thuê mặt bằng tại thị trấn huyện Chư Prông để thực hiện dự án điện gió trên địa bàn huyện sử dụng lao động nước ngoài. Ảnh: Đinh Yến
Một doanh nghiệp thuê mặt bằng tại thị trấn Chư Prông để thực hiện dự án điện gió trên địa bàn huyện sử dụng lao động nước ngoài. Ảnh: Đinh Yến
* P.V: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ có những giải pháp gì để quản lý lao động nước ngoài tốt hơn trong thời gian tới, thưa bà?
- Bà RCOM SA DUYÊN: Trước mắt, Sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đến các doanh nghiệp, đơn vị, nhà thầu có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, Sở chủ động phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan và UBND các cấp để hướng dẫn doanh nghiệp, đơn vị, nhà đầu tư nắm vững các thủ tục, quy định về sử dụng lao động nước ngoài theo đúng quy định. Tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường thực hiện Quyết định số 57/2016/QĐ-UBND ngày 30-12-2016 của UBND tỉnh về ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý cư trú và hoạt động của lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh-kiểm tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp, nhà thầu có sử dụng lao động nước ngoài. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các dự án điện gió đang triển khai tại tỉnh để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm.
Tỉnh ta luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến hợp tác làm ăn, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương cũng như việc sử dụng lao động nước ngoài. Tuy nhiên, nhà đầu tư, doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật trong việc tuyển dụng, xin cấp giấy phép lao động để không gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và lây lan dịch bệnh trên địa bàn. Cùng với đó, thực hiện nghiêm Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27-5-2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19 về việc ban hành hướng dẫn phòng-chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động.
* P.V: Xin cảm ơn bà!
ĐINH YẾN (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).