Tan giấc mơ... keo!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khổ nhất là những hộ vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, trông chờ vào những rừng keo để trả nợ, giờ cây ngã đổ chẳng biết dựa vào đâu.



Sau bão số 9, Quảng Ngãi đón nhiều đoàn công tác từ thiện về cứu trợ. Những khuôn mặt thẫn thờ vì nhà sập, tốc mái, xiêu vẹo đã ánh lên niềm vui bởi "miếng khi đói bằng gói khi no".

Nỗi lo chất ngất

Nhưng thẳm sâu trong lòng nhiều người vẫn còn đó nỗi lo chất ngất, bởi cái gốc đem lại sự ổn định về cuộc sống cho hàng vạn nông dân Quảng Ngãi là những rừng trồng cây gỗ keo nguyên liệu bây giờ tan hoang. Giấc mơ về cuộc sống ổn định bỗng trở nên quá xa xôi.

Con đường từ huyện Nghĩa Hành về Minh Long, từ đèo Eo Gió xã Hành Minh trở lên, sau bão các rừng keo ngã đổ la liệt, chẳng khác nào sau những trận "mưa bom B52" trong chiến tranh. Rồi từ đó, ngược đường lên vẫn một điệp khúc cũ: Keo ngã đổ dọc đường liên huyện, đường liên xã, dọc ven suối, ven sông, quanh nhưng cụm dân cư.


 

 Những rừng keo non 2 năm tuổi ở Quảng Ngãi ngã đổ sau bão số 9
Những rừng keo non 2 năm tuổi ở Quảng Ngãi ngã đổ sau bão số 9


Ông Đinh Ép - chủ vườn rừng 16 ha keo ở thôn Mai Lãnh Hữu, xã Long Mai - nhìn đồi cây gãy đổ la liệt hút tầm mắt, thở dài: "Lúc 11 giờ trưa hôm bão vào, gió quăng quật, cây gãy phát ra tiếng kêu rôm rốp. Nẫu cả ruột. Rồi lúc xế chiều, gió bắt đầu yếu dần, tui xách rựa đi thăm rừng, mặc cho vợ con ngăn cản.

Những đám keo nằm sát đường liên huyện, giờ cứ ngỡ như là đường trống, gió bão thổi mạnh lồng lên nên cây gãy đổ. Nhưng càng đi vào những khu rừng bên trong, ông Ép thấy sự ngã đổ bày ra trước mắt còn dữ dội hơn. Những cây keo chừng 3 năm tuổi bị gió vặn cắt ngang thân, ngọn cành đổ xuống. Còn loại keo mới trồng chừng một vài năm tuổi thì nằm sắp lớp trên triền đồi.

Ông Đinh Lăng, người dân tộc H’rê ở thôn Trung Thượng, cũng xã Long Mai, sau khi thăm vườn keo ngã đổ la liệt, thấy tôi, mặt ông buồn rười rượi. Ông nói: "Tui nay 62 tuổi, chưa hề chứng kiến cơn bão nào dữ như bão số 9. Keo là loại cây vốn dòn nên gió mạnh là dễ gãy đổ. Nhưng gãy đổ sắp lớp như cơn bão này thì chưa có bao giờ. Tui trồng trên 10.000 cây keo, giờ ngã đổ hơn hai phần. Xót quá!".

Làm củi cũng không xong

"Sau bão số 9, ở Quảng Ngãi, người trồng keo nhiều thì thiệt hại vì ngã đổ nhiều chứ có ai thoát được đâu. Theo thống kê chưa đầy đủ, huyện có đến 3.437 ha rừng, chủ yếu là rừng keo bị ngã đổ, ước thiệt hại khoảng 103 tỉ đồng. Trong đó, có trên 1.320 ha bị hư hỏng hoàn toàn" - ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long, nhận định.

Sau nhiều ngày kiểm tra rừng nguyên liệu sau bão, ông Nguyễn Văn Hân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi - cho hay toàn tỉnh có khoảng 80.000 ha rừng gỗ keo bị ngã đổ với nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, có hơn 8.000 ha rừng keo từ 1 đến 3 năm tuổi bị thiệt hại hoàn toàn.


 

Một rừng keo tan hoang sau bão
Một rừng keo tan hoang sau bão


Ở xã Long Mai cũng như nhiều xã của huyện Minh Long, bão số 9 đi qua, nhiều bà con sau khi lo sửa tạm nhà cửa là tiến lên đồi keo xem cây để tính toán đốn chặt hy vọng vớt vát ít nhiều vốn liếng.

Ông Đinh Dố, ngụ xã Long Mai, nói: "Một chu kỳ trồng cây keo là 5 năm. Những vườn cây đạt tuổi thì phần lớn bà con đã thu hoạch trước mùa mưa, bán cho các nhà máy chế biến gỗ dăm xuất khẩu rồi. Phần cây đứng trên rừng hầu hết là loại từ 4 tuổi trở xuống. Nay bão số 9 làm cây ngã đổ, nhà máy vẫn thu mua cây gỗ đạt 4 hoặc 3 năm tuổi nhưng phải là những cây tốt. Còn loại keo 2 hoặc 1 năm tuổi thì có ai mua đâu mà bán".

"Nhưng không bán được thì có làm củi được không?". Nghe tôi hỏi, ông Dố cười như mếu: "Miền núi củi đầy, cần gì củi keo. Mà củi keo đem nhóm lửa khói mù mịt, lửa cháy không đượm nên không ai mang cây gỗ keo về nhà làm củi".

Anh Đinh Văn Phương, một chủ vườn keo, đang tận thu đám keo ngã đổ dưới chân cầu Long Mai. Nghe tôi hỏi chuyện bán mua gỗ keo sau bão, anh nói: "Vợ chồng mình trồng 6 ha keo. Cây 4 năm tuổi chỉ có 1 ha, còn lại là keo từ 3 năm tuổi trở xuống. Để trồng được một rừng keo, công sức và tiền của bỏ ra nhiều lắm. Giờ thì như vậy đó".

Hai vợ chồng anh Phương được bà con trong thôn Trung Thượng khen ngợi về sự chăm chỉ. Ngày mùa, vợ chồng anh cấy cày gieo hạt, hết mùa thì đi xuống các xã vùng thấp làm thuê cho người Kinh. Tiền kiếm được phần lớn là để mua cây keo giống, mua phân về chăm bón. Nhiều lúc trời mưa, ngôi nhà xập xệ, nước thấm dột nhiều chỗ, vợ con lo ngại, anh động viên vợ con cố gắng ít năm nữa, bán được keo rồi cộng với tiền bán trâu xây ngôi nhà mới. Rồi cũng sẽ nhà cửa khang trang như mọi người thôi.

Nhưng cơn bão ác quá, xô ngã rừng keo, xô ngã giấc mơ của đôi vợ chồng chăm chỉ này. Bây giờ thì anh chị chỉ bán được 1 ha keo trồng 4 năm tuổi, thu về chỉ non vài ba chục triệu đồng. Giấc mơ về một tổ ấm, một ngôi nhà mới thoáng rộng cho vợ con đành phải kéo dài thêm nhiều năm sau nữa.

Không chỉ gia đình anh Phương, ở nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi, nhất là những vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 5 huyện miền núi, nguồn thu từ rừng keo là đáng kể nhất. Ngoài việc làm nhà còn là để cưới vợ, gả chồng cho con, cho con ăn học. Giờ keo ngã đổ, những dự định về ngày mai cũng đổ theo.

Tôi đã gặp quá nhiều những đôi mắt đợm buồn, những cái lắc đầu ngao ngán. Khổ nhất là những hộ vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, trông chờ vào những rừng keo để trả nợ, giờ cây ngã đổ chẳng biết dựa vào đâu. Mặt khác, trồng keo đúng chu kỳ phải 5 năm mới thu hoạch. Giá thu mua gỗ keo trước bão là 1,1 triệu đồng/tấn. Sau bão, keo non ngã đổ quá nhiều nên các doanh nghiệp chỉ thu mua 930.000 đồng/tấn. Trong khi đó, vừa sau bão nên chi phí tiền công thu hoạch cũng tăng.

Tốn công chặt bỏ

Anh Đinh Trung Sanh, nhà ở thôn Mai Lãnh Hạ, xã Long Mai, là người khá tỉnh táo sau nỗi buồn keo ngã đổ. Anh nói với tôi: "Tui trồng vài ha, cây keo đã 2 năm tuổi. Giờ bão làm cây ngã đổ thì cũng ngã đổ rồi, có thở vắn than dài cũng không dựng cây dậy được. Do vậy chỉ còn cách phải sửa sang lại rừng thôi".

Cái khó của những hộ trồng rừng cây từ vài năm tuổi trở xuống là cây keo bị gãy phải chặt phá trồng lại, chứ nếu để nguyên thì cây sẽ nảy chồi, sản lượng thấp. Trước đây, khai thác rừng trồng đúng 5 năm tuổi, bà con có đồng ra đồng vào thì việc trồng rừng trở lại rất dễ dàng. Còn bây giờ, muốn trồng lại thì phải bỏ công chặt cây non rồi đốt, đào hố, mua cây giống về trồng lại. Tiền giống, tiền công bỏ xuống mà chẳng thu được đồng nào nên phải đối diện với khó khăn.

Anh Đinh Văn Quang, ngụ xã Thanh An, có 2 ha keo đã hơn 2 năm tuổi, nói: "Bây giờ, chờ trời dừng mưa thì hai vợ chồng tôi sẽ lên đồi chặt cây, đào hố, rồi bán con bò lấy tiền mua cây giống trồng lại chứ chẳng còn cách nào tốt hơn".

Điều anh Quang nghĩ cũng là suy nghĩ của nhiều người. Nhưng rồi sau bão số 9 lại đến bão số 10, số 11, rồi 12. Ở nhiều huyện miền núi Quảng Ngãi mưa lũ dầm dề, nhiều vùng sạt lở, lại phải di dời dân nên việc chặt rừng ngã đổ trồng lại rừng mới chưa thể tiến hành được.

Theo ông Nguyễn Văn Hân, ngoài việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc tổ chức họp với các doanh nghiệp trên địa bàn để thống nhất việc tận thu gỗ keo ngã đổ sau bão trên tinh thần hỗ trợ nông dân giảm bớt thiệt hại, sắp tới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ đề xuất tỉnh chỉ đạo các địa phương mua keo giống hỗ trợ dân trồng lại rừng.

Đó là chuyên của nay mai. Còn bây giờ, tôi đang nhìn lên các sườn đồi, nơi từng có những rừng keo bát ngát xanh, nay chỉ thấy cảnh hoang tàn.


Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng

Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, bão số 9 gây thiệt hại vô cùng lớn về nhà ở và tài sản đối với nhân dân trong tỉnh. Đặt biệt, dân sinh sống trên các huyện miền núi vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn khi nguồn thu hoạch chính của nhiều người là cây keo đã ngã đổ. Do vậy, các doanh nghiệp thu mua gỗ keo cần chia sẻ kịp thời, cụ thể có chính sách hỗ trợ giá thu mua ổn định, giá ngang bằng với mức trước bão số 9. Sở Công Thương Quảng Ngãi phối hợp các đơn vị, địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai, bão lũ ép giá thu mua gỗ keo.

Đối với người dân, nên trực tiếp bán gỗ keo cho các cơ sở kinh doanh được cấp phép, bảo đảm quyền lợi giữa người trồng keo với doanh nghiệp chế biến gỗ.

Bài và ảnh: VÕ QUÝ CẦU
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.