Quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29 xóa bớt những bất hợp lý tồn tại rất lâu nay về thực trạng này. Cho nên, dư luận cũng rất mong lãnh đạo ngành giáo dục xử lý mạnh tay để việc dạy học thêm đi vào thực chất, nền nếp, quy củ. Nếu xử lý mạnh tay, sẽ "xóa sổ" nhiều nghịch lý trong giáo dục từ việc dạy thêm, học thêm.

Thứ nhất, việc học sinh học thêm quá nhiều sẽ triệt tiêu thói quen, kỹ năng và phương pháp tự học của bản thân. Siết dạy thêm, học thêm không đồng nghĩa với cấm hoàn toàn việc học thêm của một số bộ phận học sinh, nhưng sẽ giúp học sinh nhận thức lại, ý thức hơn với việc tự học. Học sinh thiếu tinh thần tự học là một nghịch lý vì với điều kiện công nghệ số như hiện nay học sinh rất dễ dàng tự học, tự khám phá và củng cố kiến thức.
Thứ hai, quan điểm về cách xây dựng chương trình giáo dục phổ thông hiện nay là chú trọng đến kỹ năng chứ không phải quá đề cao kiến thức. Trong việc tổ chức dạy học, thời khóa biểu và các môn học cũng hướng đến rèn luyện phẩm chất, thái độ, thao tác, hành vi. Vì vậy, việc dạy thêm để củng cố thêm về kiến thức tràn lan như bấy nay là đi ngược lại quan điểm giáo dục hiện đại, chỉ gây quá tải, nặng nề thêm cho người học, nhất là học sinh tiểu học.
Thứ ba, đánh giá kết quả học tập trong nhà trường theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng không còn xem trọng môn này, xem nhẹ môn kia, mà các môn học đều được chú trọng như nhau. Kết quả học tập trong lớp cũng không còn xếp hạng cao thấp. Thế nên việc học sinh (nhất là bậc tiểu học) học thêm các môn được xem là môn chính là một sự bất hợp lý, đi ngược lại quan điểm giáo dục toàn diện. Nếu quá chú trọng một số môn khi học tiểu học, THCS, học sinh khi lên THPT sẽ hỏng kiến thức trầm trọng.
Trừ lớp cuối cấp THCS phải học thêm để thi tuyển sinh vào lớp 10, các lớp THPT phải học thêm để có cơ hội vào đại học, phải thừa nhận một thực tế là, chính học sinh là "nạn nhân" của cha mẹ mình. Phụ huynh hơn thua với nhau về việc học của con trong lớp, với con phụ huynh khác, nên đã đặt "tảng đá áp lực" việc học lên vai của con, nhất là học sinh tiểu học.
Ngoài ra, không thể không nói đến tiêu cực khi học sinh bị buộc học thêm. Một giáo viên dạy toán THPT tại TP.HCM thẳng thắn thừa nhận: "Học sinh đi học thêm với thầy cô dạy thì làm bài kiểm tra ở lớp điểm cao. Ngược lại, không đi học thêm thì không biết đề kiểm tra sắp tới giáo viên sẽ ra đề là gì". Bản thân người viết bài này cũng có trải nghiệm nho nhỏ: Từ tiểu học đến THCS chưa hề biết đến học thêm. Lên THPT, cũng không tham gia lớp học thêm nào, chỉ học miễn phí lớp bồi dưỡng thi học sinh giỏi cấp tỉnh do trường dạy, song ám ảnh mãi bất công từ thầy cô của mình. Đó là trò nào có học thêm thì điểm cao, vì đề kiểm tra đã luyện ở buổi học thêm.
Xóa bỏ bất hợp lý về dạy thêm, học thêm cũng là cách nhân văn đem đến quan hệ trong sáng giữa giáo viên và học sinh.
Theo Ngọc Tuấn (TNO)