Sau mưa lũ, nông dân cần được hỗ trợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, trận mưa lớn diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16-12-2016 kèm với việc Thủy điện An Khê-Ka Nak xả lũ đã gây thiệt hại rất lớn về nhà ở, sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng cho địa phương.

Krông Pa: Người trồng mì bị thiệt hại nặng

Trong 2 đợt mưa lũ kéo dài xảy ra vào tháng 11 và 12-2016, huyện Krông Pa là một trong những địa phương gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất tỉnh. Lũ lớn đã cuốn trôi, gây ngập hàng ngàn ha cây trồng, trong đó có gần 3.000 ha mì bị ngập nước. Do bị ngâm trong nước nhiều ngày liền nên nhiều diện tích mì đã bị thối rữa, giảm năng suất, thậm chí mất trắng.
 

Anh Tiêu đang gom những gốc mì bị thối rửa. Ảnh: Quang Tấn
Ông Rơ Ô Tiêu đang gom những gốc mì bị thối rửa. Ảnh: Quang Tấn

Ông Rơ Ô Tiêu (buôn Puh, xã ia Rsai) vừa gom những cây mì chết mới được nhổ lên chất thành từng đống để tiêu hủy vừa buồn bã nói: “Mưa lũ nhiều ngày đã làm cho rẫy mì hơn 1 ha của gia đình mình thối hết rồi”. Để có tiền đầu tư cho rẫy mì, vào tháng 4, gia đình ông vay 20 triệu đồng của đại lý trên địa bàn để mua giống, phân bón… dự định sau khi thu hoạch sẽ trả, số tiền còn lại để mua sắm Tết. Nào ngờ, đợt mưa lũ kéo dài vào giữa tháng 12 đã làm rẫy mì của gia đình ông ngập trong nước nhiều ngày dẫn đến bị thối hơn một nửa, diện tích còn lại thì chất lượng tinh bột giảm nên giá chỉ bằng 1/3 so với năm trước.

Tương tự, gia đình bà Rơ Châm Ngân (buôn Trai, xã Chư Drăng) cũng đang đứng ngồi không yên vì không biết lấy gì để trả khoản nợ 10 triệu đồng vay của đại lý để đầu tư trồng 6 sào mì. Trong đợt lũ vừa rồi cả 6 sào mì của gia đình bị ngập nước nên bị mất trắng. “Mình vay tiền của đại lý với lãi suất mỗi tháng 40 ngàn đồng/triệu đồng. Bây giờ không thu được đồng nào, không biết lấy gì để trả lãi chứ chưa nói đến tiền gốc”-bà Ngân nói.

 

Những củ mì đã bị thối rữa toàn bộ. Ảnh: Q.T
Những củ mì đã bị thối rữa toàn bộ. Ảnh: Q.T

Ông Nay Drôh-Trưởng buôn Trai (xã Chư Drăng) cho biết, cả buôn có 170/270 ha mì bị mất trắng. “Gia đình mình có 1,5 ha mì bị thối rữa hoàn toàn. Hiện tại, mình đã cho người ta thuê đất trồng thuốc lá để lấy tiền trả lãi cho ngân hàng. May là gia đình mình vay ngân hàng nên lãi suất thấp chứ như nhiều hộ dân trong buôn trót vay tiền của đại lý để trồng mì thì phải trả lãi cao lắm, mỗi tháng từ 30 ngàn đến 40 ngàn đồng/triệu đồng”-ông Drôh nói.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa-Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, cho biết: Sau khi nước lũ rút, Phòng đã khuyến cáo người dân tiến hành thu hoạch nhanh những diện tích bị ngập để tránh mì thối rữa. Đồng thời, Phòng đề nghị các xã lập danh sách các hộ bị thiệt hại. Huyện cũng đã đề nghị tỉnh có biện pháp hỗ trợ. Nhà máy tinh bột sắn Gia Lai cũng đã ưu tiên tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Đak Pơ: Rau màu bị dập nát

 

Tại thị xã An Khê, mưa lớn gây thiệt hại ước tính khoảng 6 tỷ đồng. Cụ thể, gần 40 km đường giao thông bị sạt lở; hơn 100 ha lúa hai vụ mới gieo sạ và mì chuẩn bị thu hoạch bị ngập úng, mất trắng; trên 1.000 con gia cầm bị chết. Đặc biệt, đã có 59 hộ dân phải di dời do nước lũ.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, người dân Đak Pơ đã chứng kiến 2 lần hoa màu bị tàn phá bởi mưa lũ. Ông Lê Ngọc Khương (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ) nói: “Cuối tháng 11, ruộng rau nhà tôi chưa kịp thu hoạch thì mưa lũ làm hư hết. Ngớt mưa được gần chục ngày, gia đình vội làm đất, gieo trồng để bù lại thiệt hại thì vừa xuống giống hơn chục ngày trời lại đổ mưa lớn, rau lại gập úng chết hết. Hai trận mưa lớn liên tiếp diễn ra chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đã khiến 5 sào bắp sú, 5 thiên ớt và 3 thiên cúc Đà Lạt trồng đợi bán trong dịp Tết Nguyên đán của gia đình ông Khương tiêu tan vào dòng nước lũ. “Chỉ tính riêng tiền giống, phân bón, thuốc phun cho hai đợt rau ấy đã tiêu tốn mất hơn chục triệu đồng. Số tiền ấy phần gia đình có được nhờ tích góp từ trước, phần còn lại đang ký nợ của đại lý. Tết không có cái thu lại còn mang nợ người ta, buồn lắm”-ông Khương rầu rĩ nói.

Không riêng gia đình ông Khương mà hầu hết hộ trồng rau ở thôn Hiệp An đều có chung tình cảnh, bởi đây là vùng trũng, giáp với sông suối. Khi mưa lớn, nước dâng, cả cánh đồng rộng lớn bao quanh làng ngập trong nước… “Hơn 1,2 sào đậu cô ve đang leo giàn, 2 thiên bắp sú và 6 thiên ớt vừa mới trồng trở lại sau đợt mưa lũ trước vừa bén rễ, trổ lá xanh tốt thì trời lại tiếp tục mưa, nước dâng ngập mặt ruộng và rau màu chết úng hết sạch. Chỉ còn có mấy chục cây ớt phủ bạt nhựa còn sống thoi thóp. Giờ có bắt tay làm rau vụ Tết cũng không còn kịp, chẳng biết Tết này lấy gì lo cho tụi nhỏ đây?”-ông Cao Văn Cường (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ) than thở.

Theo ông Nguyễn Văn Huỳnh-Phó Chủ tịch UBND xã Tân An, chỉ riêng đợt mưa lũ diễn ra vào giữa tháng 12-2016, trên địa bàn xã Cư An có khoảng 133 ha cây trồng bị thiệt hại trên 70%, ước tính tổng giá trị thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Khoảng 3 km đường giao thông liên thôn bị xói lở, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. “Xã đã thống kê cụ thể từng hộ bị thiệt hại và báo cáo lên huyện để đề nghị tỉnh có chủ trương hỗ trợ. Trước mắt, địa phương động viên bà con chuẩn bị các điều kiện để tái sản xuất”-ông Huỳnh thông tin.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, trận mưa lớn diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16-12-2016 kèm với việc Thủy điện An Khê-Ka Nak xả lũ đã gây thiệt hại rất lớn về nhà ở, sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng cho địa phương. Cụ thể, có 2 căn nhà, gần 120 ha lúa và trên 392 ha rau màu bị thiệt hại, gần 56 ha cây trồng hàng năm bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nhiều tuyến đường, cầu cống bị hư hỏng, gia súc bị chết, thủy sản bị cuốn trôi… “Ước tính tổng thiệt hại khoảng gần 18 tỷ đồng. Con số này quá lớn, vượt khả năng cân đối ngân sách của huyện nên rất mong tỉnh quan tâm hỗ trợ cho người dân”-ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết.

Quang Tấn - Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.