Sau bão lũ, mầm Xuân lại nảy nở trên vùng núi cao Trà Leng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ánh mắt trẻ con Trà Leng không còn ngơ ngác, sợ hãi trước thảm họa bất ngờ, đau khổ tột cùng mà thay vào đó là những cái nhìn trìu mến, biết ơn, hy vọng vào sự hồi sinh mới.

Nhà mới cho đồng bào vùng bị sạt lở núi xã Trà Leng. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
Nhà mới cho đồng bào vùng bị sạt lở núi xã Trà Leng. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)


Mùa Xuân 2021 đã về. Những cơn mưa rừng dai dẳng đã dứt. Đường về xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam giờ đã bớt khó khăn hơn.

Những vách đá cheo leo, dựng đứng, có thể đổ sập xuống mặt đường bất cứ lúc nào đã được bốc dỡ.

Những chiếc cầu, ngầm, tràn bắt qua suối bị nước lũ cuốn trôi đã được khôi phục tạm bước một để đảm bảo lưu thông.

Chỗ ở cũ của người dân thôn 1, xã Trà Leng bị trận lũ ống kinh hoàng dẫn đến sạt lở núi, san phẳng vào cuối tháng 10/2020 gây ra đã được lắp mới những hàng trụ điện sử dụng năng lượng Mặt Trời thắp sáng thâu đêm.

Cách đó không xa, một khu tái định cư khang trang đang gấp rút được hoàn thiện để đồng bào có nhà bị hư hại hoàn toàn có chỗ ở mới.

Những ánh mắt trẻ con Trà Leng không còn ngơ ngác, sợ hãi trước thảm họa bất ngờ, đau khổ tột cùng mà thay vào đó là những cái nhìn trìu mến, biết ơn, hy vọng vào sự hồi sinh mới.

Cả nước cưu mang Trà Leng

Thị sát tình hình, chỉ đạo khẩn những giải pháp quyết liệt để khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất cho nhân dân các tỉnh miền Trung ngay sau trận bão lịch sử số 9 đi qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chưa bao giờ miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng phải liên tiếp hứng chịu nhiều trận lũ chồng lũ và cơn bão số 9 có sức tàn phá khủng khiếp như trận bão này.

Nhiệm vụ của chúng ta ngay bây giờ là tuyệt đối không để bất cứ hộ gia đình nào, nhất là đồng bào ở vùng sâu vùng xa, vùng sạt lở núi phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” và bị thiếu ăn, không để xảy ra dịch bệnh, phải tìm cho bằng được những người mất tích, phải nhanh chóng ổn định đời sống và khôi phục sản xuất cho nhân dân.

Bí thư Huyện ủy Nam Trà My Lê Thanh Hưng cho biết sau các trận bão và mưa lũ lớn, gây sạt lở nặng vào tháng 10/2020, huyện Nam Trà My có 19 người chết, 13 người mất tích và 33 người bị thương nặng, trong đó riêng tại xã Trà Leng có 10 người chết, 20 người bị thương và hiện còn 13 người mất tích, 95 ngôi nhà của đồng bào bị sụp đổ, vùi lấp, nước cuốn trôi.

Ông Lê Thanh Hưng cho biết hiện công tác tìm kiếm những người mất tích vẫn được huyện tiếp tục thực hiện. Hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã, công trình nước sạch bị hư hại nặng. Hàng nghìn ha cây trồng bị phá hủy, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

Với sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Quân khu V, tỉnh Quảng Nam và đặc biệt là sự cưu mang của đồng bào cả nước, huyện Nam Trà My đã thực hiện tốt việc đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho đồng bào, ngăn ngừa dịch bệnh có khả năng bùng phát, khôi phục việc giảng dạy và học tập, từng bước ổn định cuộc sống cho đồng bào.

Gần đây nhất, người dân Trà Leng còn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tài trợ 3 tỷ đồng để xây dựng Trường Mẫu giáo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tặng xã Trà Leng 1 Trạm đo mưa tự động, 30 bộ đèn năng lượng Mặt Trời và 6 tấn gạo nếp cho đồng bào ăn Tết.

"Thiên tai gây ra mất mát to lớn về người và tài sản nhưng đồng bào Trà Leng cảm thấy rất ấm lòng bởi sự quan tâm của đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự cưu mang của đồng bào cả nước," Bí thư Huyện ủy Nam Trà My Lê Thanh Hưng cảm kích.

Niềm tin mãnh liệt về sự hồi sinh

Ngắm ngôi làng mới đang được khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dần từng ngày, già làng Hồ Văn Đề, người đặc biệt có uy tín ở xã Trà Leng, cũng là người có đến 8 người thân trong gia đình có người chết và mất tích sau trận sạt lở núi kinh hoàng vào đêm 28/10/2020 nói: “Sự mất mát người thân trong gia đình tôi, trong làng tôi do thiên tai gây ra là quá sức chịu đựng. Tuy nhiên ngay sau khi thảm họa xảy ra và cho đến bây giờ, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước và sự cưu mang của đồng bào cả nước nên chúng tôi không đơn độc, không đói rét, rất ấm lòng và hy vọng vào cuộc sống mới. Tết này, bà con sẽ về ở trong những ngôi nhà mới bền vững hơn, bề thế hơn, theo đúng mẫu nhà truyền thống của người Mơ Nông, bà con mừng lắm”.

 

Nhà mới cho đồng bào vùng bị sạt lở núi xã Trà Leng. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
Nhà mới cho đồng bào vùng bị sạt lở núi xã Trà Leng. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)


Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trà Leng Phan Quốc Cường chia sẻ bên cạnh việc tìm kiếm những người còn mất tích, công tác ổn định chỗ ở và tạo sinh kế mới cho bà con đang được địa phương thực hiện một cách quyết liệt.

Huyện Nam Trà My đã tìm được quỹ đất rộng 6ha, khá bằng phẳng, tại thôn 2 xã Trà Dơn, cách Ủy ban Nhân dân xã Trà Leng khoảng 800 mét và không xa làng cũ bị núi sạt lở vùi lấp để xây dựng khu tái định cư cho bà con. Theo đó, khu vực này sẽ phân 80 lô đất, mỗi lô có diện tích 200 mét vuông.

Trước mắt huyện sẽ hỗ trợ kinh phí để làm nhà cho 51 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 xã Trà Leng đến tái định cư trước Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, với mức 150 triệu đồng/căn nhà, các hạng mục hạ tầng thiết yếu khác đang được khẩn trương thi công.

Đại điện cho đơn vị xây dựng khu tái định cư, anh Nguyễn Đức Xuân, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên An Xuân Phát, chia sẻ cùng với số tiền 150 triệu đồng cho một ngôi nhà từ nguồn hỗ trợ của đồng bào cả nước, bản thân tôi hỗ trợ thêm cho mỗi ngôi nhà hơn 20 triệu đồng để làm nhà cho bà con. Nhà ở mới của đồng bào được xây dựng theo kết cấu nhà sàn bêtông cốt thép, do bà con lựa chọn mẫu đúng theo mô hình nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mơ Nông. Ngôi nhà chính có 2 phòng ngủ, một phòng khách, mái xà gồ sắt, lợp tôn, đặt trên 12 trụ bêtông cắm sâu vào lòng đất, đảm bảo chỗ ở bền vững lâu dài.

Cùng với nhà chính, huyện Nam Trà My đang tiếp tục xây dựng cho mỗi gia đình tái định cư một nhà bếp, nhà vệ sinh, đảm bảo chỗ ở mới của bà con có điều kiện sinh hoạt tốt hơn rất nhiều lần so với nơi ở cũ.

Các hạng mục hạ tầng dân sinh thiết yếu như điện thắp sáng, nước sạch phục vụ sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trường mẫu giáo, đường giao thông liên gia, khôi phục đất canh tác được gấp rút thi công để khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Trong khuôn viên khu tái định cư cho đồng bào vùng sạt lở núi xã Trà Leng, Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo đúng mô hình nhà cộng đồng truyền thống của đồng bào Mơ Nông, trị giá 3 tỷ đồng, do cán bộ, chiến sỹ Quân khu V tặng cũng đã được xây dựng để làm nơi sinh hoạt cộng đồng và làm nơi trú ẩn an toàn cho bà con trong mùa mưa bão lớn.

Cách đây không lâu, trong lần về thăm, chia sẻ khó khăn, động viên và tặng quà Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho đồng bào xã Trà Leng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã biểu dương và ghi nhận sự nỗ lực tích cực, đầy trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Trà My, xã Trà Leng và các lực lượng vũ trang để giúp đồng bào vùng bị thiên tai sớm vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.

Với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự giúp đỡ của nhân dân cả nước và nghị lực của đồng bào, cuộc sống của bà con vùng sạt lở núi xã Trà Leng sẽ sớm ổn định và phát triển hơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tin tưởng .

Theo Đoàn Hữu Trung (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.