Tham dự có Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo một số phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT, các trung tâm ngoại ngữ, tư vấn du học và kỹ năng sống trên địa bàn tỉnh; thí sinh cùng đại diện các đơn vị, phụ huynh có học sinh dự thi vòng chung kết và 100 học sinh dự khán.
Trải qua 2 vòng thi cơ sở và bán kết, Ban tổ chức đã chọn ra 24 thí sinh xuất sắc nhất ở 3 bậc học: Tiểu học, THCS và THPT (8 thí sinh/bậc học) trong tổng số 410 thí sinh dự thi để tiếp tục tham gia tranh tài ở vòng chung kết.
Vòng chung kết diễn ra trong thời gian 1 ngày. Các thí sinh thi theo thứ tự từng bậc học. Trong vòng 5 phút, mỗi thí sinh sẽ thể hiện phần thi tài năng sử dụng tiếng Anh dưới hình thức thuyết trình, hoạt cảnh, diễn kịch hoặc lồng tiếng...
Sau khi kết thúc phần thi tài năng, thí sinh tiếp tục bốc thăm 1 tình huống giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống thường ngày và có 2 phút để trình bày cách xử lý tình huống đã chọn cũng như trả lời câu hỏi phụ do Ban Giám khảo đưa ra (nếu có).
Kết quả, Ban tổ chức đã trao 3 giải nhất, 6 giải nhì, 6 giải ba và 9 giải khuyến khích cho các thí sinh. Theo đó, 3 thí sinh đạt giải nhất của 3 bậc học lần lượt là: Lê Minh Quân (Trường Tiểu học Ia Nhin, huyện Chư Păh); Phan Bùi Thanh Trúc (Trường THCS Chu Văn An, huyện Đak Pơ) và Nguyễn Hoàng Khanh (Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku).
Ngoài ra, tương ứng với từng bậc học, Ban tổ chức đã trao 12 giải tập thể (nhất, nhì, ba, khuyến khích) cho các đơn vị. Theo đó, Phòng GD-ĐT TP. Pleiku xuất sắc đạt giải nhất ở bậc tiểu học và THCS; Trường THPT chuyên Hùng Vương đạt giải nhất ở bậc THPT.
Cuộc thi “Tài năng tiếng Anh” trong học sinh phổ thông tỉnh Gia Lai lần thứ IV do Sở GD-ĐT tổ chức nhằm tiếp tục phát động, tạo dựng và phát triển môi trường dạy học và sử dụng tiếng Anh. Cuộc thi còn là một trong những cơ sở để đánh giá thực trạng việc dạy và học tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục, các đơn vị, các vùng khác nhau trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, các đơn vị sẽ có định hướng, xây dựng kế hoạch dạy học theo chuẩn năng lực ngôn ngữ, góp phần triển khai thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với điều kiện của địa phương.