Theo đánh giá của UBND tỉnh, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn các tiểu dự án, dự án thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm thuộc các CTMTQG rất chậm, chưa đáp ứng với yêu cầu mục tiêu, nhiệm vụ mà các Chương trình đặt ra. Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành là chủ dự án thành phần của các CTMTQG theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự chủ động, trách nhiệm của cơ quan điều hành trong quá trình thực hiện 3 CTMTQG; khắc phục tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát công tác giải ngân nguồn vốn và tiến độ triển khai thực hiện của các địa phương có liên quan.
Từ năm 2022 đến nay, huyện Đức Cơ đã mở được 10 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho người DTTS với bình quân 30 học viên/lớp. Ảnh: Nhâm Tiến |
Cùng với đó, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức triển khai thực hiện về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (trong đó có nội dung đặt hàng đào tạo nghề sơ cấp và đào tạo nghề ngắn hạn dưới 3 tháng), thời gian hoàn thành trong tháng 9-2023.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương khẩn trương tham mưu UBND tỉnh xem xét ban hành Quyết định sửa đổi Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 12-5-2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục đào tạo, mức chi phí đào tạo cho từng nghề, mức hỗ trợ đối với từng nhóm đối tượng tham gia học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh (văn bản tham mưu gửi UBND tỉnh trước ngày 20-10-2023). Đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác giải ngân nguồn vốn và tiến độ triển khai thực hiện của các địa phương về triển triển khai công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm...
Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án/nội dung công việc được bố trí vốn thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, không để mất vốn; hoàn thành việc giải ngân kinh phí năm 2023 trước ngày 31-12-2023.
Sinh viên học nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến |
Tại công văn, UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện tập trung xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm thuộc các CTMTQG; hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo UBND cấp xã và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của 3 Chương trình mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động; đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, không để mất vốn (hoàn thành việc giải ngân kinh phí năm 2023 trước ngày 31-12-2023). Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND cấp xã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề có trọng tâm, trọng điểm gắn với giải quyết việc làm, phù hợp chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương…
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh việc thực hiện các tiểu dự án, dự án thành phần của các CTMTQG trên địa bàn quản lý.