Gia Lai đào tạo nghề gắn với thị trường lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động là đổi mới công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động”-bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai-nhấn mạnh.

Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Hàng năm, Gia Lai có hơn 23.000 người bước vào tuổi lao động. Đây là nguồn lực quan trọng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị; số lao động đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm còn thấp.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Năm 2022, các cơ sở GDNN trong tỉnh đã đào tạo nghề cho 13.738 người, đạt 119,5% kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 36,95% (năm 2021) lên 38,42% (năm 2022).

Doanh nghiệp và lao động tham gia Hội chợ Việc làm tỉnh Gia Lai năm 2023. Ảnh: Đinh Yến

Doanh nghiệp và lao động tham gia Hội chợ Việc làm tỉnh Gia Lai năm 2023. Ảnh: Đinh Yến

Nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Gia Lai thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Trường được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phê duyệt đào tạo 9 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia và 1 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN. Chương trình, nội dung đào tạo nghề được nhà trường điều chỉnh theo hướng thiết thực, phù hợp với đối tượng sinh viên và tình hình thực tế nhằm phát triển năng lực người học; rèn luyện kỹ năng thực hành, kỹ năng khởi nghiệp, chú trọng giáo dục thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống của người học.

Nhà trường cũng đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra, tích hợp các nội dung đào tạo một cách hợp lý về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp; biên soạn chương trình đào tạo theo phương pháp phân tích nghề, dạy nghề theo mô đun. Cùng với đó, nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; khuyến khích giáo viên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế, xây dựng bài giảng điện tử.

Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã liên kết với các cơ sở đào tạo nghề trực tiếp tư vấn, giới thiệu việc làm và tuyển dụng lao động theo nhu cầu. Ông Đỗ Quốc Dũng-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Gia Lai-cho hay: “Thời gian qua, Công ty đã tạo điều kiện để nhiều sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai đến thực tập và vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Đa số các em được học nghề may tại trường thích ứng và tiếp cận nhanh với công việc. Tôi đánh giá cao việc đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu thị trường lao động tại chỗ của Trường Cao đẳng Gia Lai. Việc này không chỉ giúp các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn dễ dàng tuyển dụng lao động mà còn góp phần giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường”.

Đứng chân trên địa bàn tỉnh, Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai cũng đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiến sĩ Trần Cao Bảo-Phó Giám đốc Phân hiệu-cho hay: Phân hiệu hiện có 8 ngành đào tạo gồm: Nông học, Bác sĩ thú y, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Lâm nghiệp đô thị, Bất động sản, Công nghệ thông tin và Du lịch sinh thái. Trong đó, ngành Lâm nghiệp đô thị được chuyển đổi từ ngành Lâm học trước đây; ngành Du lịch sinh thái vừa được mở trong năm học 2022-2023 để phù hợp với nhu cầu học tập và định hướng phát triển kinh tế-xã hội, thị trường lao động của tỉnh.

“Nhiều năm qua, nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ nhà giáo; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo, mở rộng học thực hành tại doanh nghiệp cho sinh viên. Đồng thời, tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng nhằm đảm bảo đầu ra cho người học; lựa chọn đào tạo những ngành nghề đang thiếu lao động. Nhờ đó, 100% sinh viên khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng. Riêng ngành Nông học và Bác sĩ thú y không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp”-ông Bảo cho hay.

Đáp ứng nguồn nhân lực thời kỳ hội nhập

Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 26.500 lao động, trong đó, đưa 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để đạt mục tiêu đề ra, cùng với giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai một số giải pháp như: đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho người lao động; đổi mới hình thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm để thu hút nhiều doanh nghiệp và người lao động tham gia; đẩy mạnh các phiên giao dịch việc làm lưu động tại những địa bàn có đông người lao động...

Sinh viên học nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến

Sinh viên học nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa-thông tin: Hàng năm, huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Từ đầu năm đến nay, hơn 500 lao động trên địa bàn huyện được các doanh nghiệp tuyển dụng và tổ chức đào tạo nghề phù hợp với vị trí làm việc. “Huyện xác định công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa”-bà Nga cho hay.

Đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh. Để làm được điều này, tỉnh chú trọng xây dựng các mô hình gắn kết GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, địa phương; sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, trình độ vùng miền, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đẩy mạnh dự báo nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là ngành nghề khoa học, công nghệ mới, công nghệ cao.

Cùng với đó, UBND tỉnh áp dụng chính sách thu hút đầu tư, trong đó có nội dung doanh nghiệp và người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề. Đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có chất lượng giáo dục-đào tạo, trọng tâm là chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, thay đổi phương thức giáo dục-đào tạo, nhất là giáo dục đại học và GDNN.

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.