Phú Thiện khôi phục đàn heo sau dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hiện nay, dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã cơ bản được kiểm soát, người chăn nuôi đang tích cực tái đàn với hy vọng khôi phục đàn vật nuôi. Các biện pháp phòng-chống dịch được tuân thủ nghiêm ngặt nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh tái phát.

Năm 2020, dịch tả heo châu Phi khiến đàn heo hơn 20 con của gia đình chị Siu H'Đẹp (tổ 6, thị trấn Phú Thiện) lần lượt bị tiêu hủy. Sau 1 năm để trống chuồng trại và xử lý mầm bệnh, cuối năm 2021, chị H'Đẹp quyết định tái đàn. Cách đây 2 tuần, chị vừa xuất chuồng lứa heo đầu tiên gồm 18 con. Chị cho biết: Vợ chồng mình làm công ăn lương nên muốn chăn nuôi thêm để tăng thu nhập. Rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, gia đình nuôi 2 con heo nái để đảm bảo con giống, tránh lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài. Đàn vật nuôi đều được tiêm phòng đầy đủ, bổ sung thêm rau xanh, tinh bột để tăng sức đề kháng. Gia đình xây hầm biogas vừa tránh ô nhiễm môi trường vừa phục vụ chất đốt sinh hoạt gia đình. Chuồng trại được vệ sinh thường xuyên, sau mỗi lứa heo xuất bán thì rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng, đảm bảo an toàn trước khi nuôi lứa tiếp theo. “Hy vọng dịch được kiểm soát để người chăn nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi yên tâm tái đàn”-chị H'Đẹp bày tỏ nguyện vọng.

 Anh Nguyễn Văn Xuân (buôn Plei Glung Mơ Lan, xã Ia Ake) đầu tư chuồng trại chăn nuôi heo theo hướng công nghệ cao. Ảnh: Vũ Chi
Anh Nguyễn Văn Xuân (buôn Plei Glung Mơ Lan, xã Ia Ake) đầu tư chuồng trại chăn nuôi heo theo hướng công nghệ cao. Ảnh: Vũ Chi


Tương tự, ngay sau khi dịch tả heo châu Phi cơ bản được kiểm soát, gia đình anh Nguyễn Văn Xuân (buôn Plei Glung Mơ Lan, xã Ia Ake) đã tranh thủ tái đàn. Nhận thấy nhu cầu heo giống trên thị trường tăng cao sau dịch, anh quyết định nuôi 12 con heo nái. Anh đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại theo hướng công nghệ cao với diện tích 400 m2. Bình quân mỗi con heo nái cho xuất chuồng 2 lứa heo con/năm. Với giá heo con trung bình ở mức 75.000 đồng/kg, gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Theo anh Xuân, nuôi heo giống thời gian ngắn nên ít rủi ro dịch bệnh hơn heo thịt, giá cả cũng ổn định hơn. Hiện ngoài số heo nái, anh còn nuôi thêm 20 con heo thịt. “Gia đình áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng khép kín, hiện đại, tiết kiệm thời gian, công sức và đảm bảo vệ sinh chuồng trại, hạn chế dịch bệnh. Tới đây, gia đình đầu tư mở rộng chuồng trại để tăng đàn heo giống, đáp ứng nhu cầu thị trường”-anh Xuân chia sẻ.

Chị Phạm Thị Thanh Nhàn-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ake-cho biết: Toàn xã có 10 hộ chăn nuôi heo theo hướng công nghệ cao. Khi dịch tả heo châu Phi xảy ra đã gây nhiều khó khăn và thiệt hại cho người chăn nuôi. Sau khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, người chăn nuôi tích cực nhân đàn trở lại. Hội Nông dân xã phối hợp với các ban, ngành tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi cho các hộ. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền giúp người chăn nuôi nâng cao ý thức, chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để các hộ dân áp dụng vào điều kiện thực tế gia đình, hạn chế nguy cơ dịch bệnh tái phát.

Trao đổi với P.V, ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho hay: Đàn heo đang phát triển ổn định trở lại với hơn 25.000 con, bằng với thời kỳ trước khi bùng phát dịch năm 2019. Đây là tín hiệu vui cho ngành chăn nuôi. Người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi như tiêm phòng đầy đủ, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, giúp đàn heo sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.

Tuy nhiên, theo ông Quý, đa số hộ chăn nuôi heo có quy mô nhỏ lẻ nên nguy cơ dịch bệnh tái phát vẫn còn. Để kiểm soát dịch bệnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khuyến cáo các hộ chăn nuôi nhập giống heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Nếu phát hiện dịch bệnh phải nhanh chóng báo với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan.

 

 VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.