Phát triển kinh tế nông-lâm bền vững gắn với bảo vệ rừng, nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc triển khai Tiểu dự án 1-Dự án 3 về phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Vấn đề này cần được quan tâm tháo gỡ để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn.

Vướng mắc từ cơ sở

Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Tiêu chí hỗ trợ đối tượng trồng rừng sản xuất hiện chưa có sự thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện của Bộ Nông nghiệp và PTNT với Bộ Tài chính.

Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, để được hỗ trợ, diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch phát triển rừng sản xuất và hộ gia đình phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền hoặc đã sử dụng đất ổn định trong vòng 3 năm trở lên, không có tranh chấp.

Còn Bộ Tài chính thì quy định hỗ trợ 1 lần cho chu kỳ đầu tiên để trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ đối với diện tích đất được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình.

Áp theo các quy định trên, huyện Krông Pa không có trường hợp hộ được cấp, giao đất quy hoạch phát triển rừng là đất chưa có rừng. Vì vậy, trường hợp hộ tham gia trồng rừng trên đất chưa được cấp, được giao thì không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Chính vì thế, nguồn vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 đối với nội dung phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân là hơn 15 tỷ đồng (năm 2022 hơn 3,4 tỷ đồng, năm 2023 trên 11,6 tỷ đồng) phải xin điều chỉnh sang thực hiện dự án khác.

Nhiều vướng mắc, bất cập khiến Tiểu dự án 1-Dự án 3 về phát triển nông-lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng khó triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Nhiều vướng mắc, bất cập khiến Tiểu dự án 1-Dự án 3 về phát triển nông-lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng khó triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Hiện nay, huyện Kbang có hơn 130.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 36.000 ha rừng được giao khoán quản lý, bảo vệ cho cộng đồng, các nhóm hộ với mức chi trả bình quân 400 ngàn đồng/ha/năm. Việc triển khai Tiểu dự án 1-Dự án 3 được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn.

Tuy nhiên, theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vũ Quang Sáng thì: Qua rà soát diện tích trồng rừng sản xuất trên đất lâm nghiệp được giao thuộc Tiểu dự án 1-Dự án 3, hiện có 55 ha (xã Lơ Ku 25 ha, xã Đăk Rong 30 ha) chưa đáp ứng quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Cụ thể, Thông tư số 12 quy định: “Hộ gia đình trồng rừng sản xuất bằng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển rừng sản xuất được giao”. Do vậy, huyện không triển khai thực hiện nội dung trên và đề xuất điều chuyển vốn sang thực hiện dự án khác.

Ông Nguyễn Đình Nam (làng Groi, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) có thêm nguồn thu nhập nhờ trồng nấm linh chi dưới rừng keo. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Nguyễn Đình Nam (làng Groi, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) có thêm nguồn thu nhập nhờ trồng nấm linh chi dưới rừng keo. Ảnh: Ngọc Minh

Ngoài ra, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang cũng nêu bất cập: Tiểu dự án 1-Dự án 3 quy định về thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ. Tuy nhiên, phần lớn các hộ trồng rừng sản xuất chưa có đủ năng lực, trình độ để tự xây dựng thiết kế, dự toán theo quy định hướng dẫn.

Trong trường hợp thuê đơn vị tư vấn có năng lực về lĩnh vực lâm nghiệp để xây dựng thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất thì chi phí thiết kế, dự toán lại khá lớn nên các hộ không đủ tiền chi trả.

“Mặt khác, nhiều diện tích đăng ký trồng rừng sản xuất là đất lâm nghiệp chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa thể thực hiện. Do vậy, Trung ương cần mở rộng thêm đối tượng hộ gia đình thực hiện trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp đã sử dụng đất ổn định trong vòng 3 năm trở lên không tranh chấp để khuyến khích người dân cùng tham gia trồng rừng”-ông Sáng đề nghị.

Đề xuất tháo gỡ vướng mắc

Theo ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Chính sách về phát triển lâm nghiệp, nâng cao đời sống người dân sống gần rừng, phụ thuộc vào rừng còn chưa cụ thể; việc quy định đối tượng hưởng lợi chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Vì vậy, các huyện đã chủ động phân bổ vốn cho các xã có nhu cầu để triển khai thực hiện các hạng mục hỗ trợ của Tiểu dự án 1-Dự án 3 trong năm 2024. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao hoặc một số huyện còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện vì một số tiêu chí hỗ trợ theo Thông tư số 12 nên còn nhiều vướng mắc.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng nguồn vốn ngân sách trung ương giao năm 2024 thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 là gần 79 tỷ đồng (bao gồm vốn năm 2022, năm 2023 được kéo dài sang thực hiện năm 2024 hơn 55 tỷ đồng) nhưng đến nay mới giải ngân được gần 400 triệu đồng, đạt 0,5%. Trong đó, nguồn vốn năm 2024 được giao hơn 23,8 tỷ đồng hiện chưa giải ngân được.

Để tháo gỡ vướng mắc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhằm đảm bảo điều kiện, tiêu chí được nhận hỗ trợ từ nguồn vốn của Tiểu dự án 1-Dự án 3.

Mặt khác, xem xét, tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết “Quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng từ nguồn ngân sách nhà nước được quy định tại Nghị định số 58/2024/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Đối với số kinh phí dôi dư qua các năm của giai đoạn I (2021-2025) do không giải ngân hết vì nhiều nguyên nhân khác nhau thì đề xuất Chính phủ cho phép chuyển sang năm 2026 và các năm tiếp theo của giai đoạn II (2026-2030) để địa phương chủ động trong quá trình thực hiện.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kpă Đô, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về phát triển nông-lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Ảnh: M.P

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kpă Đô, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về phát triển nông-lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Ảnh: M.P

Trao đổi về vấn đề này, ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh-cho biết: Tại buổi làm việc mới đây, Ban Dân tộc tỉnh đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định rõ mức hỗ trợ chi phí xây dựng hồ sơ thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ. Đồng thời, cần điều chỉnh, bổ sung quy định cụ thể về hình thức hỗ trợ đầu tư trồng rừng, chỉ cần thể hiện đơn giản, dễ thực hiện về diện tích, vị trí, loài cây trồng rừng và đánh giá thành rừng theo tiêu chí rừng trồng quy định.

Cùng với đó, kiến nghị quy định cụ thể thời gian hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ là hỗ trợ theo từng năm đến khi nghiệm thu thành rừng hoặc hỗ trợ 1 lần sau khi nghiệm thu thành rừng.

“Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT bổ sung quy định được phép chuyển kinh phí từ các nội dung chưa triển khai thực hiện được (bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ; trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; hỗ trợ gạo bảo vệ và phát triển rừng) của chương trình sang kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính để giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng đúng đối tượng quy định”-Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.