Phản đối"đất tặc"trên núi Mò O, một người phụ nữ ngất xỉu rồi tử vong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong lúc đang cùng với dân làng ngăn chặn, phản đối "đất tặc" trên núi Mò O (đoạn thuộc thôn Chánh Lý, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định) để bảo vệ mồ mả của tổ tiên, bà B. bị ngất xỉu và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.
Buông lỏng quản lý?
Sáng 6-5, làm việc với báochí, ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cát Tường cho biết: Sáng nay, một số người dân ở thôn Chánh Lý đã kéo đến trụ sở UBND xã Cát Tường để trình báo sự việc một người dân trong thôn đã tử vong khi đang chặn "đất tặc" trên núi Mò O vào đêm 5-5.
Theo ông Hoàng, khoảng 19 giờ đêm 5-5, Công ty Bình Diễm (trụ sở xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đưa 1 máy đào, 4 xe tải tiếp tục lên núi Mò O (đoạn thôn Chánh Lý) để khai thác đất trái phép trong đêm. Người dân ở thôn Chánh Lý đã phát hiện sự việc này rồi báo cho lãnh đạo thôn Chánh Lý và UBND xã Cát Tường.
 
Người dân thôn Chánh Lý liên tục tự lập rào chặn doanh nghiệp khai thác đất trái phép trên núi Mò O
“Sau khi nhận được tin báo, chúng tôi đã chỉ đạo Công an xã và báo cáo sự việc lên trực ban Công an huyện Phù Cát để đến hiện trường kiểm tra, xử lý. Tại hiện trường, người dân thôn Chánh Lý đã chặn 4 xe tải của Công ty Bình Diễm lại, trong đó có 1 chiếc chở đất, 3 xe còn lại không chở đất trên núi Mò O xuống…”, ông Hoàng thông tin thêm.
Chủ tịch UBND xã Cát Tường cũng cho biết, thời điểm đó, bà Tr.Th.B. (60 tuổi, thôn Chánh Lý) đang đi bộ thì thấy có xe tải lên đào phá núi Mò O trong đêm. Bà B. cùng với dân làng chạy lên núi, chặn các xe tải chở đất.
“Bà B. la lên để phản đối rồi ngất xỉu và được dân làng đưa đến Trung tâm y tế huyện Phù Cát để cấp cứu. Sáng nay, chúng tôi nhận được tin báo bà này đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Việc bà B. ngất xỉu tại hiện trường là không có ai tác động hay xô đẩy cả, người dân cũng xác nhận về việc này. Hiện, chúng tôi đã mời Công an huyện Phù Cát và đơn vị pháp y đến khám nghiệm tử thi, điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc bà B. tử vong…”, ông Hoàng cho biết.
Ngay trong đêm 5-5, đại diện UBND xã Cát Tường đã lập biên bản vi phạm tạm giữ tại hiện trường đối với 1 xe tải 43C – 04570 và 1 máy đào của Công ty TNHH Xây Dựng Bình Diễm.
 
Các phương tiện của Công ty Bình Diễm bị tạm giữ tại hiện trường
“Thời điểm lập biên bản xử lý vi phạm, các tài xế xe tải khai thác đất trái phép trên núi Mò O đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Công an xã, Tư pháp xã Cát Tường đã lấy chữ ký xác nhận và ý kiến của người dân tại hiện trường”, ông Hoàng nói thêm.
Có mặt tại UBND xã Cát Tường vào sáng 5-5, ông Phạm Trường Sơn (28 tuổi, con của bà Tr.Th.B.) bức xúc, cho biết: “Cái chết của mẹ tôi vô cùng oan ức. Lý do gián tiếp dẫn đến cái chết của mẹ tôi phải chăng là sự buông lỏng quản lý của cơ quan nhà nước?”.
Anh Sơn cho biết, từ cuối tháng 1-2019 đến nay, gia đình anh đã gửi đến UBND xã Cát Tường 2 tờ đơn tố cáo việc các doanh nghiệp (DN) khai thác đất trên núi Mò O làm ảnh hưởng đến mồ mả của gia đình anh. Sau đó, đích thân anh Sơn đã cầm 1 tờ đơn có chữ ký của đại diện 12 hộ dân ở thôn Chánh Lý gửi lên UBND huyện Phù Cát đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền có biện pháp ngăn chặn DN khai thác đất trái phép trên núi Mò O.
Mặc dù vậy, đến nay, chính quyền UBND xã Cát Tường và UBND huyện Phù Cát vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn kịp, buông lỏng quản lý để DN tiếp tục ngang nhiên đào phá núi Mò O lấy đất đi bán, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mồ mả, ruộng đồng của người dân. 
Lãnh đạo UBND huyện Phù Cát đang bận?
Trước đó, Báo SGGP Online đã liên tục có bài viết điều tra, phản ánh về tình trạng nhiều DN đổ xô lên núi Mò O để khai thác đất trái phép.
Người dân thôn Chánh Lý phản ánh, tình trạng này đã diễn ra hơn 3 tháng nay, người dân đã liên tục phản ánh lên chính quyền địa phương. Việc đào phá núi để lấy đất trái phép làm ảnh hưởng đến nhiều mồ mả và dẫn đến nguy cơ bồi lấp, hoang hóa ruộng đồng của dân của người dân thôn Chánh Lý. Cụ thể, đã có 3 ngôi mộ của họ Đặng trong làng Chánh Lý đã bị xe tải của "đất tặc" ủi phá, mất dấu.
 
Người dân thôn Chánh Lý phản ánh "đất tặc" đào phá núi Mò O
Ông Nguyễn Đức Hoàng khẳng định, tại xã Cát Tường đến thời điểm này vẫn chưa có một mỏ đất nào được cấp phép khai thác đất. Từ khi có dự án đường trục khu kinh tế nối dài (do Ban Quản lý dự án tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư - PV) đi qua địa phương thì các DN liên kết với nhau đổ xô lên núi Mò O để khai thác đất trái phép, trao tay san lấp đường trục KKT nối dài và khu tái định cư phục vụ cho dự án đường trục này.
“Hiện, tại địa phương UBND tỉnh mới chỉ cho phép thăm dò, đánh giá tác động môi trường tại mỏ đất núi Hóc Giản  (thôn Chánh Liêm, xã Cát Tường) đối với 2 Công ty Nam Ngân và Công ty TPV thôi. Tuy nhiên, đó mới chỉ cho phép thăm đò chứ có quyết định cấp phép chính thức. Còn tại núi Mò O có 4 DN khai thác đất trái phép. Công ty Bình Diễm lấy đất trái phép ở núi Mò O để bán lại cho Công ty An Phước, san lấp khu tái định cư phục vụ dự án đường trục KKT nối dài…”, ông Hoàng cho biết.
Từ thời điểm người dân phản ảnh đến báo chí (ngày 24-4-2019), sau đó PV Báo SGGP Online đã liên tục liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) để làm rõ sự tình và có giải pháp ngăn chặn kịp thời, ổn định dư luận và nhân dân.
 
Người dân thôn Chánh Lý chặn xe tải chở đất trái phép trên núi Mò O
 
Núi Mò O đang bị "đất tặc" đào phá để lấy đất trái phép
Cụ thể, ngày 26-4, trao đổi với PV Báo SGGP Online, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: Tôi chỉ vừa mới nhận chức nên chưa rõ tình hình, đã giao vụ việc này lại cho ông Trần Văn Hương (Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát), đề nghị báo chí liên hệ tới anh Hương để nắm thông tin cụ thể hơn.
Trong ngày 26-4, PV Báo SGGP Online liên hệ đến ông Hương, ông này cho biết: “Đã chỉ đạo phòng Tài nguyên - Môi trường của huyện phối hợp với UBND xã Cát Tường kiểm tra, xử lý do tôi bận, không có dự được nên chưa thể cung cấp thông tin được”. Ông Hương hứa, qua lễ 30-4  và 1-5 sẽ có làm viêc và có câu trả lời chính thức cho báo chí về sự việc trên.
Chiều 5-5, PV Báo SGGP Online tiếp tục liên hệ với ông Hương về vụ việc này. Tuy nhiên, ông Hương lại nói rất bận, chưa thể làm việc được với báo chí và tiếp tục hẹn lúc khác. “Tôi hứa tuần này sẽ xếp lịch gặp các anh nhưng do lịch làm việc dày quá không rảnh được…. Tuần sau thì lịch dày quá, kín hết rồi anh ơi. Khi rảnh, tôi thu xếp chứ có gì đâu, tôi sẽ điện….” - lời ông Hương.
Doanh nghiệp ngang nhiên tái phạm?
Theo hồ sơ do UBND xã Cát Tường cung cấp, từ tháng 2 đến tháng 4-2019, UBND xã Cát Tường liên tục phối hợp với người dân thôn Chánh Lý kiểm tra, phát hiện và lập 9 biên bản vi phạm đối với các Công ty TNHH xây dựng Bình Diễm (Công ty Bình Diễm, thị xã An Nhơn, Bình Định); Công ty xây dựng Trường Sơn (Công ty 98); Công ty TNHH xây dựng Trường Quang (xã Cát Tường); Công ty Hiếu Ngọc (huyện Tây Sơn, Bình Định)…
 
Công ty Bình Diễm tiếp tục huy động phương tiện lên khai thác đất trái phép trên núi Mò O
Riêng với Công ty Bình Diễm có đến 5 vi phạm, nhưng vẫn tiếp tục huy động máy móc, phương tiện ngang nhiên hoạt động, còn công ty Hiếu Ngọc đưa máy móc đến ủi phá nhằm 3 ngôi mộ của dòng họ Đặng ở làng Chánh Lý nên bị dân làng chặn lại.
Bất chấp sự vào cuộc của địa phương, dân làng Chánh Lý và báo chí phản ánh, đến tối 5-5, Công ty Bình Diễm tiếp tục huy động máy móc lên núi Mò O để đào phá núi, trộm đất trái phép.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cát Tường thừa nhận: “Mặc dù lập nhiều biên bản vi phạm nhưng chúng tôi chưa xử phạt một DN nào hết. Cái này phải ở cấp trên chứ cấp xã chúng tôi chỉ làm được đến đó thôi chứ không thể tịch thu, giữ phương tiện được. Riêng với Công ty Bình Diễm, trước đây từng bị Công an huyện Phù Cát lập biên bản xử phạt rồi. Tại núi Mò O, Công an xã Cát Tường, Công an huyện Phù Cát, Phòng TN-MT huyện Phù Cát đã lập biên bản vi phạm nhưng vẫn ngang nhiên tái diễn hoạt động khai thác đất trái phép trên núi Mò O…”

Ngọc Oai (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.