"Nữ hoàng hạt khô" đất Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cây mắc ca được mệnh danh là “nữ hoàng hạt khô” ở Gia Lai vì có hạt đặc biệt thơm ngon, giàu calo, không chứa cholesterol, có lợi cho sức khỏe. Hạt mắc ca còn là món ăn không thể thiếu trong các bữa ăn sang trọng. Từ hiệu quả và giá trị mang lại, cây mắc ca được trồng ở nhiều nơi, giúp nhiều hộ nông dân đổi đời.

“Trụ đỡ” kinh tế của nông dân

Năm 1998, trong chuyến tham quan trang trại lâm nghiệp trồng cây mắc ca ở bang New South Wales của Australia, GS. Hoàng Hòe-Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam nhận thấy giá trị to lớn của cây mắc ca và ngành công nghiệp chế biến từ hạt mắc ca. Từ đó, GS. Hoàng Hòe học hỏi kinh nghiệm, đưa cây mắc ca về Việt Nam trồng, chăm sóc, nghiên cứu. Nhận thấy cây mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt, hiệu quả kinh tế không kém gì ở Australia, GS. Hoàng Hòe liền trao đổi với Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Ít lâu sau, Phó Thủ tướng đồng ý cho nhân giống, trồng ra diện rộng trên vùng đồi núi để góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân.

Với Gia Lai, năm 2011, Nhà nước hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật để bà con nông dân tham gia mô hình trồng cây mắc ca xen trong vườn cà phê. Sau 3 năm trồng và chăm sóc, cây mắc ca cho thu bói khoảng 1 tấn quả tươi/ha, sau đó, năng suất dần tăng qua từng năm. Dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao có tác dụng chắn gió, tạo bóng mát, cải thiện môi trường sinh thái, giữ nguồn nước ngầm nên cây mắc ca được người dân lựa chọn, diện tích liên tục tăng cao. Đến nay, 11/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã trồng khoảng 1.500 ha mắc ca, trong đó diện tích trồng thuần khoảng 250 ha, trồng xen trên 1.200 ha. Riêng huyện Kbang đã trồng trên 1.000 ha mắc ca, trong đó gần 200 ha trồng mới. Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho hay: “Nhiều năm nay, giá hạt mắc ca tươi dao động trong khoảng 80.000-95.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm. Nguồn thu tốt làm “trụ đỡ” cho bà con mở rộng sản xuất cây mắc ca”.

 Ông Phạm Hữu Đương kiểm tra vườn mắc ca của gia đình ở xã Ia Phìn (huyện Chư Prông). Ảnh: Hoàng Cư
Ông Phạm Hữu Đương kiểm tra vườn mắc ca của gia đình ở xã Ia Phìn (huyện Chư Prông). Ảnh: Hoàng Cư


Không chỉ ở Kbang, nhiều hộ dân huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Chư Păh, Đak Đoa... cũng bội thu từ cây mắc ca. Ông Bùi Viết Khả (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) kể: Năm 2012, ông và nhiều người trong xã trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê. Hiện nay, ông có 2,5 ha cây mắc ca xen canh cà phê, cây ăn quả. Với mô hình sản xuất này, trừ các khoản chi phí, ông Khả lãi hơn 300 triệu đồng trong năm 2020 và trên 400 triệu đồng vào năm 2021. Gia đình ông Phạm Hữu Đương (thôn Hưng Tiến, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cũng thu gần 1 tỷ đồng từ 7,5 ha cây mắc ca trồng xen canh. Ông Đương hy vọng: “Năm 2022 là đến thời điểm cây mắc ca cho năng suất, sản lượng khá, cộng với việc nâng cao chất lượng chế biến, gia đình tôi có nhiều khả năng thu tới 1,5 tỷ đồng”.

Triển vọng từ nữ hoàng hạt khô”

Sau hơn 10 năm bám rễ, cây mắc ca chứng tỏ sự thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng bazan. Theo đánh giá của những người trực tiếp sản xuất kinh doanh và nghiên cứu về cây mắc ca thì các giống QN1, 842, 849  được trồng trên đất đỏ bazan đều sinh trưởng rất tốt, cho hạt nhân to, năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm hỗ trợ nông dân phát triển cây mắc ca, LienVietPostBank đã ký hợp đồng với nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh để cung cấp cây giống, phân bón, tiền công cho người trồng, chăm sóc, cam kết thu mua với giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. Ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ bà con xây dựng sản phẩm mắc ca theo chứng nhận OCOP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4 cơ sở có sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đó là hạt mắc ca Minh Quang của hộ kinh doanh Lê Thị Cẩm Như, hạt mắc ca Phương Linh của hộ kinh doanh Đỗ Thị Thu Hằng, hạt mắc ca Phố núi Damia của hộ kinh doanh Phan Thị Ngọc Diễm (đều ở thị trấn Kbang) và hạt mắc ca sấy Phố núi của Hợp tác xã nông nghiệp Thảo Nguyên (thôn Hoàng Ân, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông). Chị Lê Thị Cẩm Như-chủ cơ sở kinh doanh hạt mắc ca Minh Quang-cho biết: “Hạt mắc ca Kbang bán sỉ ra thị trường từ 280 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng/kg khô. Thời gian qua, tình hình kinh doanh hạt mắc ca bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng nay Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế tiếp tục “ăn hàng” trở lại. Từ nay đến Tết Nguyên đán, cơ sở chúng tôi hy vọng sẽ tiêu thụ hơn 30 tấn hạt mắc ca”.

Thực tế cho thấy, cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây cà phê, hồ tiêu, cao su. Đây là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển “tam nông” căn cơ, hiệu quả hơn. Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Sở đang phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch phát triển bền vững cây mắc ca tại Gia Lai. Căn cứ quỹ đất hiện có cũng như nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, dự kiến giai đoạn 2021-2030, Gia Lai trồng thêm 2.815 ha, phấn đấu tổng diện tích trồng thêm từ năm 2021 đến năm 2045 hơn 5.537 ha ở các huyện trong tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu giúp UBND tỉnh tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư ở lĩnh vực này, nhất là đầu tư chế biến sâu hạt mắc ca xuất khẩu”.

 

HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.