Nông dân thị trấn Phú Thiện làm giàu nhờ trồng rau xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tận dụng nguồn nước mát quanh năm của công trình thủy lợi Ayun Hạ, nông dân thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện) đã biến những mảnh vườn tạp kém hiệu quả thành những vườn rau xanh tốt cung cấp cho khắp vùng với lợi nhuận gấp 20 lần trồng lúa.

Ông Đỗ Minh Huấn-Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Thiện dẫn chúng tôi tham quan khu vườn nhà ông trước khi rảo một vòng quanh các tổ dân phố trồng nhiều rau xanh của thị trấn. Trong khu vườn hơn 500 m2, ông trồng nhiều loại rau như: mồng tơi, bí lấy ngọn, rau thơm, cúc tần ô, ngò… Ông không hề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chủ yếu bán cho người quen là chính. “Làm chơi thế mà mỗi buổi sáng bà nhà tôi cắt một thúng đi bán dạo cũng có năm bảy chục ngàn đồng đấy”-ông Huấn cười nói. Ông nói khiêm tốn thế thôi chứ qua tìm hiểu, tôi biết, vườn rau chừng nửa sào này là “cần câu cơm” của cả nhà.

 

Ông Hoàng Văn Thủy trồng 1.000 m2 rau xanh trong nhà lưới cho thu nhập cao. Ảnh: Đ.P
Ông Hoàng Văn Thủy trồng 1.000 m2 rau xanh trong nhà lưới cho thu nhập cao. Ảnh: Đ.P

Gia đình ông Hoàng Văn Thủy (tổ dân phố 11) trồng 1.000 m2 rau xanh trong nhà lưới cho thu nhập mỗi tháng gần chục triệu đồng. Ông Thủy cho biết: “Từ nhà lưới rộng 550 m2 do Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ, tôi bỏ tiền ra làm thêm 1 nhà lưới nữa rộng 250 m2 để chuyên canh rau theo định hướng rau an toàn. Năm nay, hành, ngò được mùa và được giá. Cây rau vốn đỏng đảnh như con gái, chỉ cần một ngày không ra vườn bắt sâu, tưới nước thì hôm sau đã thấy lá rau ngả màu ủ rũ ngay. Trồng 1 sào rau mỗi năm cho thu nhập 50 triệu đồng, lãi gấp gần 20 lần trồng lúa”. Nhờ 1 sào rau xanh mà ông Thủy đã xây được căn nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và nuôi dạy 4 người con ăn học chu đáo.

Tại thị trấn Phú Thiện, một số hộ nông dân chuyên canh rau trái vụ cho thu nhập cao. Gia đình chị Vũ Thị Thanh (tổ dân phố 8) trồng 3.000 m2 rau xanh trong vườn nhà. Mùa Tết chị trồng bắp cải, tháng 7-8 mưa nhiều thì trồng xà lách, các tháng còn lại chuyên trồng hành lá. Theo chị Thanh, mùa hè trồng hành lá rất khó vì trái vụ, dễ bị cháy nắng nhưng cho thu nhập cao vì được giá. “Có đợt, tôi bán rau trái vụ thu 50 triệu đồng/sào. Trồng rau cốt ở tính cần cù, lấy công làm lãi. Bí quyết là ở việc làm đất kỹ càng, chừng 2-3 năm phải phủ lên đất 1 lớp trấu dày 20 cm rồi châm lửa đốt để diệt mầm bệnh, nấm mốc trong đất. Sau đó, cày cho thật kỹ để đất tơi xốp. Dùng phân chuồng ủ với nấm vi sinh bón cho rau để cung cấp chất dinh dưỡng và hạn chế phân hóa học, hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật”-chị Thanh nói. Nhờ trồng rau mà gia đình chị Thanh xây được căn nhà khang trang, nuôi 6 người con gái ăn học đến nơi đến chốn, trong đó có 4 con gái lớn đã vào đại học.

Nghề trồng rau xanh xuất hiện tại thị trấn Phú Thiện từ năm 1981, do các hộ kinh tế mới khởi xướng. Ban đầu, bà con chỉ trồng tự phát trong vườn nhà, mạnh ai nấy làm không theo quy hoạch. Đến năm 2005, Đảng ủy thị trấn có nghị quyết chuyên đề về cải tạo vườn tạp trồng rau xanh, khi đó phong trào trồng rau mới phát triển mạnh. Tận dụng nguồn nước từ công trình thủy lợi Ayun Hạ, người dân thị trấn Phú Thiện đã đưa các giống rau vào trồng thay thế những loại cây kém hiệu quả. Hiện nay, thị trấn Phú Thiện đã có trên 20 ha rau xanh các loại, tập trung chủ yếu ở các tổ dân phố: 8, 9, 10, 11, 16. Nhờ trồng rau xanh cho thu nhập cao mà hệ thống cơ sở vật chất đường sá, nhà cửa ở đây khang trang hơn các khu phố khác.

Rau xanh của thị trấn Phú Thiện không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng trong huyện mà còn vươn đến các huyện: Chư Sê, Krông Pa, Ia Pa, thị xã Ayun Pa, TP. Pleiku và tỉnh Đak Lak. “Hàng ngày, có 3 xe ô tô tải của thương lái thu gom rau của thị trấn Phú Thiện để cung cấp cho các địa phương. Tính bình quân mỗi sào rau xanh cho thu nhập 50 triệu đồng/năm, cao gấp gần 20 lần trồng lúa. Trồng rau xanh đang mở ra triển vọng thoát nghèo bền vững và làm giàu cho nông dân thị trấn Phú Thiện”-ông Nguyễn Ngọc Sáu-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện cho biết.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.