Nhọc nhằn nghề điều dưỡng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Điều dưỡng viên là những người luôn có mặt đầu tiên khi bệnh nhân cần và trực tiếp chăm sóc người bệnh. Nhờ sự tận tụy, không quản nhọc nhằn, vất vả cùng những cống hiến âm thầm của họ mà bệnh nhân đã nhanh chóng bình phục.
 

“Làm dâu trăm họ”

5 năm làm việc tại Khoa Khám-Cấp cứu (Bệnh viện Nhi tỉnh), điều dưỡng viên Dương Thị Thanh Lam đã trực tiếp chăm sóc rất nhiều bệnh nhân. Tùy theo bệnh nặng hay nhẹ mà bác sĩ và điều dưỡng viên phân loại, triển khai cấp cứu kịp thời. Tuy vậy, bệnh nhân và người nhà khi tới bệnh viện cấp cứu thường có tâm lý nôn nóng nên không tránh khỏi một số trường hợp xung đột với bác sĩ, nhân viên y tế. “Đã có lần, mình và đồng nghiệp bị người nhà bệnh nhân la mắng do quá lo lắng cho tình trạng sức khỏe của người thân. Gặp những trường hợp này, nếu không có thái độ ứng xử đúng mực thì rất dễ xảy ra xung đột. Với một điều dưỡng viên thì không chỉ trau dồi công tác chuyên môn mà còn phải biết xử lý những tình huống phát sinh với thái độ ôn hòa”-chị Lam cho biết.

Theo chị Lam, không phải bệnh nhân nào cũng hợp tác với bác sĩ, nhân viên y tế. “Vì vậy, điều dưỡng viên phải nhẫn nại, thuyết phục, tạo sự tin tưởng cho bệnh nhân. Có những trường hợp khi vào bệnh viện tình trạng bệnh rất nặng, nhưng hoàn cảnh lại vô cùng khó khăn, không có thẻ bảo hiểm y tế. Chúng tôi phải kêu gọi, huy động các nguồn lực để hỗ trợ giúp bệnh nhân có thêm điều kiện khám-chữa bệnh”-điều dưỡng viên Lam chia sẻ.

 Điều dưỡng viên Dương Thị Thanh Lam tiếp nhận, chăm sóc một bệnh nhi. Ảnh: Như Nguyện
Điều dưỡng viên Dương Thị Thanh Lam tiếp nhận, chăm sóc một bệnh nhi. Ảnh: Như Nguyện


Chuyên môn tốt, hết lòng chăm sóc người bệnh và khéo léo trong xử lý tình huống, trong thời gian qua, điều dưỡng viên Dương Thị Thanh Lam luôn nhận được sự đánh giá cao từ đồng nghiệp và sự hài lòng của người bệnh. Công việc vất vả, thường xuyên thức đêm, tăng ca nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi của chị, làm bệnh nhân và người nhà bệnh nhân an tâm.

Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hiền (Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi tỉnh) đã gắn bó với công việc suốt 12 năm qua. Công việc vất vả, thường xuyên trực đêm, tăng ca nhưng thu nhập hiện chưa tương xứng. Trong 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các điều dưỡng viên lại càng thêm áp lực. “Tuy vậy, mọi người đều cố gắng, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. Người bệnh mỗi người một tình trạng bệnh, một tính cách nên nếu không yêu nghề, vì người bệnh thì rất khó để chúng tôi gắn bó”-điều dưỡng viên Hiền nói.

Nỗ lực chăm sóc người bệnh

14 năm gắn bó với nghề, chị Thái Thị Thanh Nga-Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức-Cấp cứu (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) đã trải qua không ít thăng trầm. Chị chia sẻ: “Nếu ai không vượt qua được những khó khăn bước đầu thì rất dễ nản lòng rồi bỏ nghề. Phần lớn thời gian của chúng tôi là dành cho bệnh nhân, không chỉ theo dõi tình trạng bệnh mà còn an ủi, động viên, chăm sóc họ một cách tốt nhất. Bất kể ngày hay đêm, điều dưỡng viên phải luôn túc trực phục vụ kịp thời người bệnh. Giúp họ vượt qua bệnh tật, trở về với gia đình là niềm vui của chúng tôi”-chị Nga tâm sự.

Theo chị Nga, công việc nào cũng vất vả nhưng làm điều dưỡng tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh thì khó khăn, vất vả hơn và nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. “Nhiều bệnh nhân vốn dĩ khó tính, lúc đau ốm lại càng thêm khó chịu nên mình phải có cách ứng xử phù hợp. Muốn gắn bó với công việc điều dưỡng thì phải yêu nghề và tấm lòng bao dung, hết lòng vì người bệnh”-chị Nga bộc bạch.

Anh Nguyễn Thanh Dương (tổ 4, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho hay: “Vừa qua, con tôi bị bệnh nặng nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh. Gia đình tôi vô cùng lo lắng. Không chỉ chăm sóc, cứu chữa kịp thời cho cháu mà các bác sĩ, điều dưỡng viên còn động viên, an ủi giúp gia đình vượt qua căng thẳng. Mỗi người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân cần có sự thông cảm, hợp tác, chia sẻ để đội ngũ y-bác sĩ và điều dưỡng viên hoàn thành công việc”-anh Dương nói.  

Bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh-chia sẻ: Điều dưỡng là bộ phận không thể thiếu trong việc chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh. Kết quả điều trị của bệnh nhân phụ thuộc rất nhiều vào công tác điều dưỡng. Điều dưỡng viên làm nhiều việc từ tiếp nhận bệnh nhân, chăm sóc, điều trị, tư vấn sức khỏe đến chăm sóc y tế trong thời gian nằm viện. Mặc dù công việc hết sức vất vả, thậm chí nguy hiểm nhưng thu nhập của các điều dưỡng viên nói riêng, viên chức ngành Y tế nói chung còn thấp. Nếu không yêu nghề thì khó lòng mà gắn bó lâu dài. Vì vậy, Nhà nước cần điều chỉnh mức lương, phụ cấp của ngành Y tế để mọi người an tâm, gắn bó với nghề đã chọn.

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.