Nhiều địa phương tiếp tục cho học sinh nghỉ học sau bão Yagi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngoài Quảng Ninh, Hải Phòng, nhiều địa phương tiếp tục cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học. Hà Nội, Bắc Giang chỉ đạo đơn vị nào chưa đảm bảo điều kiện an toàn thì chủ động quyết định cho học sinh tạm dừng đến trường để khắc phục thiệt hại.

Chiều nay 8.9, Sở GD-ĐT Bắc Ninh đã chỉ đạo bằng văn bản về việc tập trung ứng phó, xử lý sau bão Yagi, trong đó yêu cầu cho trẻ mầm non và học sinh các cấp nghỉ học ngày 9.9 (thứ hai) để rà soát, khắc phục các thiệt hại do cơn bão gây ra.

Bắc Ninh cho học sinh nghỉ học ngày 9.9 để khắc phục hậu quả bão Yagi

Bắc Ninh cho học sinh nghỉ học ngày 9.9 để khắc phục hậu quả bão Yagi

Sở GD-ĐT yêu cầu các lực lượng liên quan tại địa phương phối hợp với các nhà trường dọn vệ sinh trường lớp; sửa chữa cơ sở hạ tầng; kiểm tra lại hệ thống điện và các thiết bị trước khi sử dụng; có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; xử lý cây xanh, biển hiệu, mái tôn, cột cổng, tường bao đã bị gió bão làm nghiêng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ và học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên khi trở lại trường học ngày 10.9.

Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn chỉ đạo ngành giáo dục Bắc Ninh huy động lực lượng tại chỗ, cần thiết đề xuất bổ sung lực lượng quân sự, công an vào cuộc, nhanh chóng khắc phục các hư hỏng để các trường học trở lại dạy và học từ ngày 10.9.

Sáng 8.9, Hải Phòng, Quảng Ninh, hai địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì bão Yagi, thông báo cho học sinh nghỉ học ngày 9.9 đến khi có thông báo mới để tập trung khắc phục hậu quả sau bão. Sở GD-ĐT 2 địa phương yêu cầu các trường thống kê thiệt hại do bão gây ra, đề xuất sửa chữa cơ sở vật chất, ưu tiên phòng học.

Sở GD-ĐT Điện Biên cũng cho biết kéo dài thời gian nghỉ học của trẻ mầm non và học sinh tiểu học đến 10.9 vì hoàn lưu của bão Yagi tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 9.9 ở các tỉnh Bắc bộ, đặc biệt là khu vực Tây Bắc. Lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, có nơi 350 mm, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất và có thể gây lũ quét, lũ ống.

Là địa phương có nhiều cơ sở giáo dục học sinh nội trú, bán trú, Điện Biên yêu cầu tổ chức quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho học sinh. Trường hợp khu nội trú, bán trú có nguy cơ mất an toàn khi thiên tai xảy ra, nhà trường chủ động thông báo tới cha, mẹ học sinh đến đón con, em về nhà đảm bảo tuyệt đối an toàn. Trường hợp học sinh không có người nhà đến đón hoặc việc di chuyển có nguy cơ mất an toàn, nhà trường báo cáo chính quyền địa phương, tổ chức di chuyển học sinh đến khu vực an toàn; chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, nước uống cho học sinh.

Tại Bắc Giang, theo thống kê của Sở GD-ĐT, nhiều trường học đã bị thiệt hại do bão Yagi gây ra. Cụ thể, có 39 trường học bị bão làm bay, tốc mái tôn với khoảng 3.264 m2, nhiều nhất là Trường THCS Bình Sơn, H.Lục Nam (412 m2); THCS Lương Phong, H.Hiệp hòa (400 m2); tiểu học Việt Tiến, H.Việt Yên (800 m2).

10 trường học của Bắc Giang bị đổ tường rào, 8 trường bị đổ cổng, gần 400 cây xanh bị đổ. Trường THPT Lục Ngạn số 4 và Trung tâm GDNN-GDTX Lục Ngạn bị ngập nước, các đơn vị quân đội trên địa bàn đã nhanh chóng hỗ trợ chuyển trang thiết bị lên vị trí an toàn.

Trường học ở Hà Nội khẩn trương dọn dẹp đón học sinh ngày 9.9

Trường học ở Hà Nội khẩn trương dọn dẹp đón học sinh ngày 9.9

Để tiếp tục ứng phó, khắc phục thiệt hại sau bão số 3, Sở GD-ĐT Bắc Giang cho biết đã quán triệt, chỉ đạo các đơn vị, nhà trường không được chủ quan, lơ là; tiếp tục duy trì nghiêm túc các lực lượng ứng trực, phòng chống thiên tai; tập trung cao chỉ đạo, triển khai khắc phục hậu quả mưa bão, đảm bảo an toàn trường học, cố gắng tối đa để đưa học sinh trở lại trường học tập sớm nhất.

Ngoài ra, sở này cũng đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình thực tế thiệt hại, diễn biến sau bão và theo diễn biến thời tiết từng khu vực, chỉ đạo phòng GD-ĐT, các trường mầm non, tiểu học, THCS, nơi nào đủ điều kiện, đảm bảo an toàn thì cho học sinh trở lại trường; trong trường hợp chưa đảm bảo điều kiện an toàn thì quyết định cho học sinh nghỉ học để khẩn trương khắc phục thiệt hại; bố trí học bù vào thời gian thích hợp.

Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 8.9, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng có văn bản hỏa tốc yêu cầu trong ngày hôm nay các nhà trường rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nếu đủ điều kiện bảo đảm an toàn thì tổ chức dạy - học từ ngày mai, 9.9.

Các trường học chưa đảm bảo đủ điều kiện học tập an toàn do ảnh hưởng của cơn bão, trước mắt chưa tổ chức dạy học cho học sinh, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền phương án khắc phục ngay những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Hiệu trưởng nhà trường báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức học tập trở lại của đơn vị mình.

Theo Tuệ Nguyễn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

(GLO)- Sáng 25-11, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức AIP Foundation, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phát động dự án “Đến trường an toàn”, năm học 2024-2025 tại các Trường Tiểu học: Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện).