Ngành mía đường loay hoay tìm lối ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều năm nay, các doanh nghiệp (DN) ngành mía đường liên tục kêu lỗ, cho rằng đường nhập giá rẻ đã làm suy yếu ngành mía đường trong nước. Nhưng khi giá đường hạ xuống xấp xỉ với đường lậu thì tình trạng tiêu thụ vẫn không khả quan, có thời điểm đường tồn kho lên tới 650 ngàn tấn, tương đương một nửa sản lượng đường cả nước.
 
Ngành mía đường trong nước gặp khó khăn vì công tác dự báo và quy hoạch yếu.
Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2018-2019, sản lượng mía được các nhà máy đưa vào ép khoảng 14 triệu tấn, tương đương sản lượng đường gần 1,4 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện - RE là 602.362 tấn, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. So với niên vụ sản xuất 2017-2018, sản lượng mía đưa vào ép tăng 13% và sản lượng đường tăng 16%.
Năm nay, giá đường liên tục giảm từ đầu vụ, với mức giảm tổng cộng tới 24%. Trong tháng 6/2019, giá bán buôn đường kính trắng ở miền Bắc phổ biến từ 11.100 - 11.900 đồng/kg, miền Trung - Tây Nguyên từ 11.000 - 10.800 đồng/kg và TPHCM từ 11.100 - 12.100 đồng/kg. Đến thời điểm này, hầu hết giá chào bán đường tại các nhà máy đã gần sát với giá đường nhập từ Thái Lan (khoảng 11.000 đồng/kg). Một số nhà máy đã phải chào bán đường với giá bán ngang hoặc thấp hơn một chút so với giá thành, nhưng việc tiêu thụ vẫn đang rất chậm.
Đến cuối tháng 8, tồn kho tại các nhà máy đường là gần 650.000 tấn, gần bằng một nửa sản lượng. Gặp khó khăn lớn trong việc tiêu thụ đường, cộng với hạn mức tín dụng của ngân hàng đã hết, nhiều nhà máy đang phải nợ nông dân trồng mía tới hàng trăm tỷ đồng. Giá đường ở mức thấp và tiêu thụ khó khăn, cộng với tác động bất lợi của thời tiết, cũng có thể ảnh hưởng không nhỏ tới niên vụ 2019-2020, khi mà các nhà máy đường sẽ bước vào vụ mới trễ hơn. Trong khi đó, các dự báo cho thấy giá đường thế giới trong những tháng tới vẫn ở mức thấp, khiến cho giá đường khó có khả năng tăng lên được.
Đề cập đến vấn đề khó khăn của ngành mía đường thời gian qua, nhiều người cho rằng, nguyên nhân quan trọng chính là việc dự báo và quy hoạch sản xuất còn yếu kém, việc tồn kho lớn vẫn diễn ra đã nói lên điều đó.
Tuy nhiên, các DN đường vẫn còn lạc quan khi nhìn vào mức tiêu thụ đường trên đầu người Việt Nam mới đạt 17,5kg 1 năm, thấp hơn rất nhiều so với Philippines (23,5kg), Indonesia (24,6kg), Thái Lan (43,4kg), Malaysia (57,9kg). Hãng Kiểm toán PwC dự báo đến năm 2026, tiêu thụ đường bình quân đầu người Việt Nam sẽ đạt 26kg.
Như vậy, ngành mía đường trong nước đang loay hoay giữa bài toán giá, tăng sản lượng hay là “kim” bớt. Trong bối cảnh đó, một khuyến cáo được đưa ra là các DN mía đường có công suất nhỏ cũng nên tính đến chuyện sáp nhập, liên kết để hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa DN trong nước với DN nước ngoài cũng là một hướng mở. Để cạnh tranh, các DN ngành mía đường cần tập trung đầu tư cho công nghệ, hiện đại hóa quá trình sản xuất để giảm nhân công, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Chọn hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài cũng là việc các DN mía đường nên làm.
Quốc Định (Đại Đoàn kết)

Có thể bạn quan tâm