Nâng cấp hạ tầng nông thôn Gia Lai cải thiện thu nhập cho người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm gần đây, từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nhiều công trình thủy lợi và đường ra khu sản xuất trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được nâng cấp, góp phần giúp nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Dấu ấn từ những công trình
Công trình hồ chứa nước Tân Sơn sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp. Năm 2014, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh đã triển khai thực hiện tiểu hợp phần nâng cấp hoàn thiện hệ thống kênh nhánh dẫn nước tưới cho 450 ha lúa nước và tăng diện tích tưới thêm 330 ha. Sau khi nâng cấp, nhiều hạng mục đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả rất tốt. Không chỉ công trình thủy lợi Tân Sơn được nâng cấp mà một số tuyến đường từ khu dân cư ra các khu vực sản xuất xung quanh cũng được đầu tư sửa chữa, nâng cấp giúp nông dân ở các xã Tân Sơn (TP. Pleiku); Chư Jôr, Nghĩa Hưng và Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) được hưởng lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội các địa phương này phát triển.
Ông Huỳnh Văn Minh (thôn 2, xã Nghĩa Hưng) cho biết: “Sau khi một số tuyến kênh mương mới được đầu tư xây dựng dẫn nước từ hồ Tân Sơn về cho diện tích lúa nước trên cánh đồng Chư Jôr, hầu hết người dân đều phấn khởi vì không còn lo bị thiếu nước như trước đây. Không chỉ cung cấp nguồn nước tưới ổn định, dự án còn nâng cấp một số tuyến đường giao thông kết nối với đường chính ra các khu sản xuất giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi, giảm được nhiều chi phí… Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất”.
 Hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng giúp người dân phát triển sản xuất. Ảnh: N.D
Hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng giúp người dân phát triển sản xuất. Ảnh: N.D
Cũng vào năm 2014, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh còn thực hiện tiểu dự án nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kênh mương của công trình thủy lợi Ia Mlah (huyện Krông Pa) để tăng diện tích tưới thêm 1.614 ha. Ngoài xây dựng 57 tuyến kênh mương và công trình trên kênh, tiểu dự án còn nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường ra khu sản xuất ở các xã Phú Cần, Ia Mlah, Chư Gu… Đến nay, nhiều tuyến kênh mương và hệ thống giao thông đã phát huy hiệu quả, giúp người dân canh tác ổn định.
Là hộ được hưởng lợi từ công trình thủy lợi Ia Mlah, chị Rơ Ô Hoanh (buôn Tang, xã Phú Cần) cho biết: “5 sào lúa nước của gia đình tôi được hưởng lợi từ tuyến kênh 29-11 mới đưa vào sử dụng. Nếu như trước đây, người dân trong buôn chỉ sản xuất 1 vụ thì nay nguồn nước dẫn về đến chân ruộng nên bà con có thể sản xuất được 2 vụ lúa và trồng hoa màu khác. Vụ Đông Xuân này, gia đình tôi thu được 3 tấn lúa nên không lo thiếu đói nữa”. Theo chị Hoanh, nông dân không chỉ hưởng lợi từ hệ thống kênh tưới mà một số tuyến đường giao thông dẫn ra khu vực sản xuất được xây dựng hoàn chỉnh rất thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển nông sản.
Ngoài các tiểu dự án trên, thời gian qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh còn thực hiện nhiều dự án, tiểu dự án khác về nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng thủy lợi, đường ra khu sản xuất ở một số địa phương trong tỉnh. Nhờ đó, hạ tầng nông thôn ở các địa phương đang dần hoàn thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới trong những năm tới.  
Kỳ vọng những công trình mới
Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh, sau thời gian nâng cấp, sửa chữa hạ tầng nông thôn tại một số địa phương trong tỉnh, đến nay, nhiều hạng mục ở các tiểu dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng giúp người dân phát triển sản xuất. Đặc biệt, hệ thống kênh mương được xây dựng kết nối với các hồ chứa lớn dẫn nước phục vụ sản xuất giúp hàng ngàn hộ dân mở rộng diện tích canh tác. Hiện nay, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh đang tiếp tục triển khai xây dựng hồ thủy lợi Ia Rtô (thị xã Ayun Pa), hồ chứa nước Tầu Dầu 2 (huyện Đak Pơ). Đặc biệt, đơn vị tập trung thực hiện tiểu hợp phần 1 cấp nước cho cộng đồng dân cư thuộc Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016-2020. Đến nay, đơn vị đã khởi công nhiều công trình để kịp cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn được thụ hưởng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Yên-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh-cho biết: “Xác định phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các địa phương, thời gian qua, đơn vị đã chủ động phối hợp với các ban, ngành của tỉnh và các địa phương được thụ hưởng triển khai thực hiện nhiều công trình đảm bảo chất lượng giúp người dân hưởng lợi. Đến nay, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân và thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.