Một chuyện hy hữu ở căn cứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chúng tôi đến thăm ông Lê Đăng Tấm (SN 1947, ở 21 Trần Bình Trọng, TP. Pleiku) vào một ngày cuối tuần. Quê Thanh Hóa, ông Tấm từng học Trường Bưu điện ở tỉnh Nam Hà cũ. Sau khi hoàn thành một khóa huấn luyện về chiến trường, ông cùng các đồng nghiệp từ Hòa Bình vượt Trường Sơn vào Nam. Tháng 6-1966, ông có mặt tại căn cứ Khu 10 (xã Krong, huyện Kbang) làm việc tại Đài điện báo Tỉnh ủy dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Lê Duy Ngọc (Phan Minh Nho).
Ông Lê Đăng Tấm trò chuyện cùng tác giả. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ông Lê Đăng Tấm trò chuyện cùng tác giả. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ông Tấm kể: “Cuối năm 1969, Tỉnh ủy quyết định đặt thêm một đài vô tuyến điện báo 15 W cho Khu 8 (An Khê), phục vụ chung cả Khu 6 (Chư Sê, Mang Yang) và Khu 7 (Kông Chro). Anh Hoàng Thanh Trung (Môn) làm Trưởng đài, anh Lê Trọng Từ là điện báo viên. Năm 1970, anh Trung chuyển về tỉnh, anh Từ phụ trách đài.
Mùa khô năm 1970, địch bất ngờ đổ quân càn quét Khu 7. Đạn bom gầm rít, đất đá văng khắp nơi, cây cối đổ ào ào. Chúng tôi nhanh chóng di chuyển theo lệnh của anh Từ. Anh Từ quê Phú Yên, đã ở Khu 10 từ năm 1962, từng làm nhiều việc khác nhau. Lớn hơn tôi 7-8 tuổi, nhưng trông anh chững chạc, thực sự là một người từng trải, có nhiều kinh nghiệm chiến trường.
Đi cùng anh Từ và tôi là 3 người Bahnar thân thiết: anh Đinh Klân, anh Beo, chị Sai. Theo đó, anh Từ phụ trách chung, chị Sai là người nấu cơm, 2 anh lo việc vận chuyển thiết bị. Hồi đó, máy móc khá đơn giản, chủ yếu thực hiện 2 chức năng thu và phát tín hiệu. Để có điện, cần 2 người thay phiên nhau quay ra gô nô liên tục trong suốt thời gian truyền, nhận tin.
Máy móc đơn giản nhưng dây nhợ lại lằng nhằng, khá cồng kềnh và không hề nhẹ. Để tránh địch phát hiện, mỗi khi chuyển địa điểm đặt thiết bị là một lần khuân vác vất vả. Tuy vậy, anh em không quản trèo đèo, lội suối, bất kể nắng mưa, ngày đêm, luôn ý thức rất cao việc bảo vệ máy móc, coi trọng còn hơn cả tính mạng mình.
Hôm đó, địch bắn phá, bố ráp rát nên chúng tôi phải tản ra, mỗi người một hướng. Đi suốt từ khoảng 8 giờ sáng đến tầm 4, 5 giờ chiều, anh em mới gặp lại nhau ở một khu rừng, là nơi Văn phòng Huyện ủy Khu 7 đứng chân. Lưng đeo nặng, chân toạc máu, ai nấy đều mệt nhoài, vừa đói lại vừa khát. Chúng tôi ngồi dựa lưng vào những gốc cây to nghỉ ngơi, chờ anh Từ.
Ba mươi phút rồi hơn 1 giờ trôi qua... Chúng tôi bắt đầu lo lắng nghĩ đến các tình huống xấu nhất xảy ra với người đồng đội lớn tuổi và cũng là cấp trên của mình: Anh có thể đã bị địch bắt, đang lạc đường hoặc… đã hy sinh. Trường hợp nào cũng đáng lo, đáng buồn cả. Nắng chiều càng lúc càng như thiêu đốt lòng dạ anh em điện đài.
Bỗng từ phía xa, 1 du kích tay cầm súng carbin đang đi về phía chúng tôi. Thấp thoáng phía sau người đàn ông Bahnar ấy là 2 thanh niên khỏe mạnh đang lặc lè khiêng một chiếc võng mà thoạt nhìn đã biết là bên trong có người nằm. Chúng tôi bật đứng cả dậy. Khi võng được hạ xuống chỗ đất bằng, cũng là lúc ông Nguyễn Hoàng Hưng-nguyên là cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy, người từng là cần vụ của Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình (Đẳng) được điều sang làm Phó Văn phòng Huyện ủy Khu 7 (sau chiến tranh ông là Bí thư Huyện ủy An Khê giai đoạn 1986-1991) vừa kịp chạy tới. Ông Hưng mở võng xem rồi thốt lên: Sao lại bắt trói quân ta thế này?
Bây giờ thì chúng tôi đã rõ: Người trong võng không ai khác ngoài anh Từ! Ba du kích đầm đìa mồ hôi, đứng gãi đầu gãi tai, nói nhỏ nhẻ: Kỳ Đà nó bảo bắt thì bắt, bảo trói thì trói, chứ ai biết đâu. Nặng, khiêng mệt muốn chết… Ôi, hóa ra sự nhầm lẫn nghiêm trọng này là do ông Kỳ Đà yêu quý gây ra.
Ông Đà là một cán bộ đảng viên kỳ cựu. Ông quê ở Quảng Ngãi, lên Gia Lai hoạt động rồi lấy vợ người Bahnar, ở lại sau năm 1954. Ông tuyệt đối trung thành với cách mạng, đồng thời luôn cảnh giác cao độ trước mọi âm mưu của kẻ thù. Chạy giặc sáng hôm ấy, ông cùng các du kích tình cờ “tóm” được anh Từ. Vì thấy hình dáng anh Từ to lớn nên Bí thư xã Kỳ Đà nhất quyết đấy là một biệt kích trá hình, phải bắt trói và dẫn giải về huyện để cấp trên khai thác, xử lý...
Được cởi trói, anh Từ kể: Đang chạy thì ông Kỳ Đà và mấy anh du kích này gặp tôi. Họ chĩa súng vào người, lên đạn cái rốp. Tôi nói cách gì họ cũng không tin. Tôi biết họ là quân ta nên đã kể hết tên những đồng chí cán bộ lãnh đạo, các bộ phận phòng ban liên quan, hy vọng họ có thể biết, nhận ra mình mà thả, sớm chạy về đơn vị. Nhưng không được. Tôi kể cái gì, ông Đà cũng gạt đi. Ông ấy bảo với anh em đi cùng: Bọn biệt kích Mỹ ghê lắm. Cái gì của ta chúng cũng biết cả. Không tin được. Trói lại cho chắc.
Nói rồi họ trói tay tôi giải đi. Bom đạn vẫn nổ. Mất dép cao su, vấp gốc cây khi chạy nên chân tôi đổ máu, sưng vù. Vừa đau đớn lại vừa bực mình, tôi nói với họ: Giờ tôi không đi được nữa, các anh muốn làm gì thì làm. Lúc này, ông Đà không còn ở đó nữa nên anh em du kích nghe nói vậy, liền trói luôn chân tôi lại rồi đưa lên võng thay phiên nhau khiêng đi. Thật là khổ cho cả hai bên…
Tên khai sinh của anh Từ là Huỳnh Tấn Mẫn. Sau Hiệp định Genève 1973, anh công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy. Sau năm 1975, anh đi học rồi trở về làm ở Tòa án nhân dân tỉnh. Nghỉ hưu, anh sống trên đường Trần Quang Khải (TP. Pleiku), sau đó theo con gái vào TP. Hồ Chí Minh an hưởng tuổi già. Mỗi lần cán bộ hưu trí gặp nhau, nhắc chuyện xưa, anh lại cười xòa và chỉ nói đúng hai câu: Anh em du kích Bahnar trung thành và tốt quá, khiêng mình họ vất vả lắm đấy. May là ông Kỳ Đà không ra lệnh, chứ hồi đó, ổng mà nháy mắt một cái là du kích bắn mình rồi…”.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Ảnh: Internet

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về bổ sung dự án xây dựng Đập điều hòa sông Ba để điều tiết nước cho thị xã An Khê

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan dự án xây dựng Đập điều hòa sông Ba để điều tiết nước cho thị xã An Khê; rà soát, đo đạc cắm mốc diện tích đất ngoài quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn xã Hải Yang (huyện Đak Đoa);...

Ảnh: Hùng Hoa Lư

UBND tỉnh Gia Lai trả lời cử tri về thông tuyến đường Trần Hưng Đạo trước Quảng trường Đại Đoàn Kết

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri về thông tuyến đường Trần Hưng Đạo đoạn trước Quảng trường Đại Đoàn Kết; phí thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; khắc phục tình trạng nước tràn qua đường tại Ngã ba Di tích Quốc gia chiến thắng Plei Me trên tỉnh lộ 665. 

Ảnh: Internet

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về dãy nhà số 08 Phan Đình Phùng, TP.Pleiku

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan dãy nhà số 08 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku do Hội LHPN tỉnh quản lý đang xuống cấp, lãng phí; cải tạo hồ nước trước Bảo tàng tỉnh để trồng sen; cơ chế cho thuê rừng trồng dược liệu...

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Kbang thực hiện cấp giấy CNQSDĐ cho 11/68 hộ được hỗ trợ nhà ở

(GLO)- Sáng 4-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật liên quan thế chấp quyền đòi nợ để vay tiền

(GLO)- Bạn đọc H.T.K. hỏi: Ông A. vay của tôi 200 triệu đồng, 2 bên có lập hợp đồng vay tài sản rõ ràng. Tôi cần tiền làm ăn gấp, trong khi đó, ông A. không trả nợ cho tôi theo thỏa thuận. Vậy tôi có quyền thế chấp quyền đòi nợ này cho bên thứ 3 để vay 100 triệu đồng được không?

Theo vợ chồng ông Nguyễn Hồng Sinh, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông được cấp năm 2005, đường hẻm rộng 7 m tiếp giáp với thửa đất của bà Nguyễn Thị Duyên. Ảnh: T.D

Cần giải quyết thỏa đáng khiếu nại liên quan đến đường hẻm 771/7 Phạm Văn Đồng

(GLO)- Từ năm 2020 đến nay, một số hộ dân ở tổ 2 (phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã nhiều lần kiến nghị vì cho rằng cơ quan chuyên môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chồng lên đường hẻm 771/7 Phạm Văn Đồng gây ảnh hưởng đến việc đi lại và mất mỹ quan đô thị.