Giàu tiềm năng xuất khẩu nông sản
Gia Lai có đường biên giới dài hơn 80 km tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Với diện tích đất tự nhiên hơn 15.510 km2 (lớn thứ 2 cả nước), Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Hiện tại, tỉnh đã hình thành và phát triển nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp tập trung, công nghệ cao phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả…
Nhiều sản phẩm của các tỉnh Tây Nguyên có cơ hội kết nối tiêu thụ với các kênh phân phối ở Lào và Campuchia. Ảnh: V.T |
Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Hoạt động xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng trưởng về quy mô, sản phẩm xuất khẩu ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng đến 40 quốc gia trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp tiêu biểu của Gia Lai đã khẳng định vị thế, uy tín và thương hiệu trên trường quốc tế như: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang, Công ty cổ phần Chè Biển Hồ, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai, Công ty TNHH Thương mại và chế biến Louis Dreyfus…
Đồng thời, Gia Lai có hơn 300 sản phẩm OCOP, chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại, có khả năng xuất khẩu như: cà phê, hồ tiêu, mật ong, hạt mắc ca, hạt điều, tổ yến, chè xanh...
“Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Gia Lai sang các nước Lào, Campuchia đã có tăng trưởng nhất định, song chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Vì vậy, Hội nghị giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp nước ngoài năm 2023 là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm tạo điều kiện kết nối và tạo cơ hội cho doanh nghiệp các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên tham gia quảng bá, giới thiệu các thương hiệu sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, nhiều tiềm năng xuất khẩu đến các nhà nhập khẩu của Lào và Campuchia. Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, khai thác thị trường một cách bền vững, hiệu quả, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ, Bộ Công thương và các địa phương về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tận dụng được các ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong hội nhập kinh tế quốc tế”-bà Nguyệt khẳng định.
Công ty cổ phần Chè Biển Hồ là 1 trong 3 “doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” do Bộ Công thương bình chọn. Ông Phạm Văn Cường-Phó Tổng Giám đốc Công ty-cho hay: “Hiện nay, các sản phẩm của Công ty đã được cấp chứng nhận “hàng nông-lâm sản chất lượng cao và uy tín”; sản phẩm Trà xanh Biển Hồ đã được chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh từ năm 2019. Hàng năm, Công ty xuất bán khoảng 800 tấn trà xanh sang các nước Trung Đông với giá trị hơn 2 triệu USD. Trong 3 năm liên tiếp (2020-2022), Công ty được Bộ Công thương trao giấy chứng nhận “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”. Đối với thị trường trong nước, Công ty đã chú trọng cải tiến mẫu mã, chất lượng các sản phẩm chè Biển Hồ, đồng thời cũng tạo thêm nhiều dòng sản phẩm là hồng trà và cà phê rang xay cao cấp, từng bước khẳng định giá trị thương hiệu”.
Đại diện các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh. Ảnh: Vũ Thảo |
Với mong muốn gặp gỡ, tìm hiểu đối tác, kết nối với doanh nghiệp ở các thị trường Lào và Campuchia, ông Phan Bá Kiên-Giám đốc Công ty TNHH BaKa (huyện Ia Grai) chia sẻ: “Công ty đã tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại ngoại thương và nhận thấy rằng khi bước chân vào thị trường nước ngoài thì một doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn và có định hướng xuất khẩu, doanh nghiệp rất mong được các ngành chức năng tạo điều kiện tham gia các khóa đào tạo về lĩnh vực xuất khẩu, hỗ trợ về mặt thông tin cũng như các thủ tục cần thiết. Ngoài giao thương hàng hóa với các doanh nghiệp nước ngoài, tôi rất mong được kết nối với các doanh nghiệp chuyên về chuyển giao công nghệ với giá cả hợp lý để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm”.
Còn bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai thì cho hay: “Các sản phẩm từ chanh dây của Hợp tác xã đã tiếp cận với nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Lào và Campuchia là thị trường rất mới, Hợp tác xã đang tìm hiểu tiêu chí về 2 thị trường này. Thông qua việc tiếp cận một số doanh nghiệp của nước bạn, tôi thấy rằng đây là cơ hội tiếp cận thị trường, tìm hiểu đối tác, khách hàng để có định hướng xuất khẩu trong thời gian tới”.
Mở rộng giao thương hàng hóa ra nước ngoài
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho biết: Hội nghị kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp nước ngoài có ý nghĩa thiết thực cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Hội nghị nhằm tạo cơ hội giao lưu hợp tác, tìm kiếm mở rộng thị trường, kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh, thành phố của Việt Nam với các doanh nghiệp, nhà phân phối Campuchia, Lào và Nhật Bản. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tận dụng được các cơ hội và ưu đãi của các hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới đã được ký kết giữa Việt Nam với Lào, Việt Nam với Campuchia và mở rộng ra các nước thành viên ASEAN, Nhật Bản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kỳ vọng qua hội nghị lần này, sự kết nối của các doanh nghiệp Việt Nam với Campuchia, Lào và Nhật Bản sẽ được tăng cường, từ việc tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ, trao đổi mua bán, khai thác các sản phẩm hàng hóa có lợi thế, đặc trưng ở các địa phương của Việt Nam để đi đến ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, tiến tới ký kết các hợp đồng thương mại, trao đổi các đơn hàng, phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sang các nước trong khu vực.
Hàng năm, tỉnh Gia Lai và Ratanakiri đều có các chương trình xúc tiến thương mại để mở ra cơ hội giao thương cho doanh nghiệp 2 tỉnh. Ảnh: V.T |
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết 12 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố của Việt Nam với doanh nghiệp xuất-nhập khẩu của Lào và Campuchia.
Theo ông Kheav Tha-Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Ratanakiri: Gia Lai và Ratanakiri có chung đường biên giới, lượng hàng hóa giao thương qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tương đối nhộn nhịp. Hàng năm, 2 tỉnh duy trì tổ chức phiên chợ biên giới thường niên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cư dân 2 bên trao đổi, mua bán hàng hóa. Mặc dù việc giao thương hàng hóa qua lại giữa 2 nước khá tốt nhưng hiện nay vẫn còn đang vướng một số vấn đề cần khắc phục như: thủ tục hải quan, chất lượng sản phẩm, giá cả, vận chuyển, thị trường tiêu thụ… Đề nghị các cơ quan chức năng của 2 nước tăng cường hợp tác, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp giao thương, thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững.
Ông Nguyễn Văn Trung-Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Pakse (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) cho biết: Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam đóng vai trò quan trọng, góp phần giữ vững quốc phòng-an ninh, mang lại lợi ích thiết thực đối với người dân các địa phương của 3 nước. Với xu hướng phát triển hiện nay, chúng ta cần tính toán đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa chuyển đổi số và thương mại điện tử phục vụ cho chuỗi sản xuất cũng như kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, phát triển du lịch xanh, xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong khu vực Tam giác phát triển.
Cùng với đó, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, người và phương tiện qua lại; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khảo sát thực địa nhằm phát triển sản phẩm và dịch vụ tại địa phương; nghiên cứu tham mưu, đề xuất những chính sách, ưu đãi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư về lĩnh vực thương mại, cung ứng hàng hóa, du lịch xanh vào khu vực Tam giác phát triển. Đồng thời, gắn kết việc thúc đẩy giao thương, xúc tiến thương mại với phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, đặc biệt là góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định, đảm bảo quốc phòng-an ninh trong khu vực.